Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Tầm nhìn chiến lược của vị Bộ trưởng tài - đức vẹn toàn

Thứ Bảy, 26/12/2015, 08:10
Gần đến dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016), trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh vị Bộ trưởng Bộ Công an lâu năm nhất (1952-1981). Bằng tài năng, đức độ và tầm nhìn chiến lược, ông đã có nhiều dấu ấn và đóng góp vào sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng CAND cũng như những thành tựu của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong 7 thập kỉ qua…


Theo các đồng chí được làm việc và gần gũi với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn kể lại, qua nghiên cứu, ông biết đến sự kiện Nhật Bản đã sử dụng tình báo điện đài thu thập tin tức của Mỹ và tổ chức tấn công bất ngờ căn cứ Trân Châu Cảng của Hải quân Mỹ năm 1941, gây ra cú sốc với thế giới khi đó. Đồng chí Trần Quốc Hoàn hiểu rằng muốn đánh thắng địch phải biết địch và việc thu tin vô tuyến điện (VTĐ) là một biện pháp rất quan trọng.

Năm 1952, khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí đã đề xuất và được Bác Hồ và Trung ương đồng ý việc thành lập ngay một đơn vị đặc biệt có mật danh là MATH trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng (MATH tiền thân của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I (KTNVI), Tổng cục An ninh ngày nay).

Ngày 1-7-1954, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn triệu tập 5 đồng chí, gồm: Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Văn Xế, Võ Đại Gíao, Lê Trung Đình và Nguyễn Văn Tước để giao nhiệm vụ theo dõi, thu thập tin tức của địch. Trong bức thư đề ngày 3-7-1954 gửi đồng chí Hoàng Tùng (sau này là Bí thư Trung ương Đảng), đồng chí Trần Quốc Hoàn, thủ trưởng trực tiếp đầu tiên của đơn vị MATH đã viết: “Vấn đề tổ chức phòng đặc biệt theo chỉ thị của Trung ương, hiện nay đã tiến hành, mặc dù còn thiếu nhiều điều kiện như cán bộ, phương tiện,… nhưng tôi đề nghị cứ cho phòng đó bắt đầu làm việc từ đầu tháng 7-1954 và sẽ kiện toàn dần”…

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn làm việc với đặc phái viên Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, tháng 3 năm 1973.

Trang thiết bị của đơn vị MATH rất thô sơ, chủ yếu là chiến lợi phẩm ta thu được trong chiến dịch Biên giới năm 1950, thậm chí đơn vị đã phải dùng xe đạp để quay máy phát điện; song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, những người tiên phong của lực lượng KTNVI đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Những bản tin thu được đã đem lại niềm tin vào kết quả trong tương lai của công tác KTNVI. Từ những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ cho phép xin viện trợ từ nước ngoài, đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật nghiệp vụ, phục vụ công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong số đó có công trình “Phương Đông”.

 Công trình “Phương Đông” được xây dựng từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Có thể nói đây là công trình hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Hoạt động của công trình đã đem lại nhiều thông tin hữu ích, góp phần quan  trọng vào thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra ở miền Bắc, nhằm đảm bảo công tác KTNVI không bị gián đoạn bởi những cuộc ném bom hủy diệt, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ thị phải lắp đặt một trung tâm “thông tin” ở sát biên giới Việt - Trung. Lãnh đạo Cục Thông tin liên lạc đã chọn một khu đồi gần biên giới làm địa điểm xây dựng. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt, các phương tiện giao thông vận tải đường bộ cũng như đường sắt từ Hà Nội và các tỉnh đồng bằng lên Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn và đã chịu nhiều tổn thất. Tuy nhiên các đơn vị chức năng của Cục Thông tin liên lạc đã vận chuyển một cách an toàn phần lớn thiết bị, máy móc, bàn ghế từ công trình “Phương Đông” ở ngoại thành Hà Nội tới địa điểm thi công và nhanh chóng lắp đặt thiết bị, máy móc để đưa vào hoạt động. Nhằm bảo đảm bí mật, khi giao dịch với các cơ quan tại địa phương,  Trung tâm này được gọi là QC17. Sau ngày giải phóng miền Nam, trung tâm này được chuyển về một địa điểm ở miền Nam.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo công tác kỹ thuật nghiệp vụ I đấu tranh với tàn quân Pôl Pốt.

Là người làm công tác phiên dịch tiếng Nga, tôi có may mắn được tháp tùng các đoàn của Bộ Công an khi làm việc với các đoàn thuộc các cơ quan hữu quan của Liên Xô về việc Chính phủ Việt Nam đề nghị Liên Xô giúp xây dựng những công trình nghiệp vụ. Tôi nhớ các bức thư của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, Bộ trưởng Bộ Bưu điện Liên Xô và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đều nêu lên những đề nghị cấp thiết và có tầm chiến lược. 

Khi đất nước ta vừa được thống nhất, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã lo đến nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải của Việt Nam. Chính vì thế, đoàn tàu Biên phòng đã được Liên Xô viện trợ không hoàn lại khi Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) còn nằm trong biên chế của Bộ Công an. Khi thế giới chưa có điện thoại di động, công trình thông tin “Antai” do Bộ Bưu điện Liên Xô viện trợ đã đảm bảo thông tin liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an khi di chuyển trên xe trong các chuyến công tác.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, chúng tôi càng nhớ đến và vô cùng  biết ơn người đã khai sinh và luôn quan tâm chỉ đạo lực lượng KTNVI phát triển lớn mạnh. Với những thành tích đã đạt được, Cục KTNVI đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Những thành tích đó là nén hương thơm của cán bộ, chiến sĩ Cục KTNVI tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ vị Bộ trưởng tài đức vẹn toàn.

Ninh Công Khoát
.
.