Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Dấu ấn sâu đậm của vị lãnh đạo tài - đức trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:19
Năm 1953, khi tôi còn phụ trách Công an Khu Tả ngạn thì nhận được điện của anh Trần Quốc Hoàn yêu cầu tôi về Bộ nhận công tác. Tôi báo cáo Khu ủy rồi bàn giao công việc, vượt sông Hồng sang Liên khu III và lên Việt Bắc, căn cứ của Bộ lúc đó đóng ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Khi mới về Bộ, tôi được phân công theo dõi tình hình chung ở bộ phận tổng hợp, sau này tôi mới nghĩ ra đó có lẽ là cách bố trí cán bộ của anh Hoàn để bồi dưỡng một cách có hệ thống. Anh Hoàn lấy tôi từ vùng địch hậu, vùng chiến sự ác liệt đã qua thử thách là có hướng sau này sẽ chọn tôi làm công tác phái khiển và như thế sẽ thuận lợi hơn.

Sau một thời gian, tôi được giao làm công việc như là trợ lý cho anh Hoàn (mặc dù lúc ấy trên thực tế không gọi là trợ lý). Anh Hoàn giao cho tôi toàn bộ hồ sơ về tình báo, phái khiển của toàn bộ các tỉnh, báo cáo của Công an Nam Bộ, Liên khu V, Hà Nội, Huế để nghiên cứu. Lúc đó còn đang chiến tranh cho nên tin tức tình báo rất quan trọng.

Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.

Tôi theo dõi, nghiên cứu và đề xuất ý kiến để hướng dẫn Công an các tỉnh về công tác tình báo, phái khiển.

Anh Trần Quốc Hoàn cho ý kiến về công tác tình báo, phái khiển rất sắc sảo, cùng với sự giúp đỡ của chuyên gia bạn, sau một thời gian làm việc tôi thấy sáng ra nhiều vấn đề, vì trước đây đã ở vùng địch hậu nắm tình hình và qua thực tế kinh nghiệm giúp tôi hệ thống hóa và giải quyết nhanh cho nên hướng dẫn các địa phương có hiệu quả tốt.

Một hôm anh Hoàn nói với tôi: “Hiệp định Giơnevơ đã ký rồi, trong đó có nhiều vấn đề, nhưng ký thì ký thôi chứ đế quốc Mỹ sẽ không thi hành đâu, cho nên anh phải vào Trung ương Cục gặp các anh trong Sở Công an Nam Bộ nói rõ để các anh ấy biết tình hình và chuẩn bị cơ sở cho công tác phái khiển sau này".

Tôi hỏi lại anh Hoàn: “Tôi đi bằng cách gì?". Anh Hoàn nói: “Anh cứ đi, qua chỗ anh Dũng (Văn Tiến Dũng) ở Trung Giã - Vĩnh Phúc". Tôi mang giấy giới thiệu của anh Trần Quốc Hoàn đến Trung Giã gặp anh Văn Tiến Dũng và được cấp mấy bộ quần áo bộ đội, giày, mũ, sau đó lên đường vào Trung ương Cục. Anh Hoàn dặn tôi rất kỹ trước khi đi, vì không được ghi chép gì. Tôi đi máy bay của Pháp với tư cách là thành viên của phái đoàn Liên kiểm, giám sát hai bên thi hành Hiệp định Giơnevơ. Tôi vào Trung ương Cục và truyền đạt chỉ thị của anh Hoàn với các đồng chí trong Sở Công an Nam Bộ lúc ấy là các anh Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Văn Viên, Diệp Ba... Tôi ở lại Trung ương Cục mấy tháng, sau đó trở ra Bắc bằng đường biển.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và Thứ trưởng Viễn Chi, Trưởng đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ Việt Nam tại Campuchia đến thăm các cháu lưu học sinh Campuchia học tập tại Việt Nam nhân dịp Tết Canh Thân, ngày 14-2-1980.

Thời gian ở Sơn Dương, tôi thấy một số anh em hiệu thính viên đang tập đánh maníp. Anh Trần Quốc Hoàn giải thích: "Đây là những bộ phận kỹ thuật quan trọng mà sau này ta phải dùng đến; tôi xem tổng kết chiến tranh Thế giới thứ II thấy cả hai bên sử dụng phản gián điện đài rất quan trọng và có tác dụng rất lớn. Kỹ thuật thám không, mã thám đối với chúng ta thì việc đó còn là mới mẻ nhưng phải làm, không làm từ bây giờ sau này sẽ rất nguy hiểm".

Lúc đó, một số anh em không đồng ý, cho rằng đó là việc xa vời, mình còn đang đánh du kích thô sơ. Quả nhiên sau này kỹ thuật mã thám, thám không đã trở thành một binh chủng rất lợi hại. Nếu không có thám không, mã thám thì việc đánh gián điệp biệt kích Mỹ - ngụy không thể đạt hiệu quả cao như vậy và không thể chủ động đánh B52 của Mỹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

Trong quân sự có phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh", còn Công an đã chủ động đối phó với địch từ xa, từ trên trời. Việc đó không phải do anh Trần Quốc Hoàn tự nghĩ ra, mà do anh nghiên cứu các tài liệu tổng kết Thế chiến thứ II và áp dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Đó là một ý tưởng sáng tạo chứ không phải của chuyên gia nước ngoài. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của anh Hoàn. Anh thường nhắc chúng tôi, mặc dù có chuyên gia bạn giúp đỡ, song ta chỉ nghe và tiếp thu những kinh nghiệm hay, còn quyết sách vẫn phải là mình, không được máy móc, giáo điều.

 Bây giờ chúng ta có Trường Đại học An ninh (Học viện An ninh) với bề dày truyền thống, nhưng lúc đầu khi thành lập trường Đại học Công an cũng gặp nhiều khó khăn và nhiều ý kiến không đồng ý và cho rằng thành lập trường trung cấp thì được, chứ đại học thì chưa nên, Công an thì có gì mà đại học. Nhưng anh Trần Quốc Hoàn cương quyết làm. Những khóa đầu tiên tình hình cũng chưa được suôn sẻ; nào là cơ sở vật chất, nào là đội ngũ giáo viên, giáo trình đều thiếu thốn, bất cập. Nhưng bây giờ nhìn lại thấy rằng trường Đại học An ninh đã khẳng định vai trò, vị trí không thể phủ nhận, trường đã thực sự đáp ứng và có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để có một trường đại học và đội ngũ cán bộ như ngày nay là cả một sự kiên trì phấn đấu của tập thể lãnh đạo Bộ và thể hiện tầm nhìn, năng lực tổ chức, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.

Khi Ngô Đình Diệm hô hào "Bắc tiến", “Lấp sông Bến Hải"; để chủ động đối phó với tình hình, ta đã có nhiều biện pháp triển khai như “Khoanh vùng trấn phản", làm trong sạch địa bàn. Đề phòng âm mưu của địch có thể chiếm được một số địa bàn hoặc một phần lãnh thổ, anh Trần Quốc Hoàn giao cho tôi và anh Mười Hương (Trần Quốc Hương) tổ chức và phụ trách một lớp đào tạo các cháu gái khoảng 12-13 tuổi, con của các gia đình thành phần cơ bản để đào tạo hiệu thính viên. Nếu khả năng địch đánh chiếm thành phố, một số địa điểm thì mình đưa các cháu về hợp pháp hóa, không bị địch nghi ngờ và các cháu biết kỹ thuật mooc, chỉ cần một cái máy là được và sau này sẽ có một loạt cơ sở hiệu thính viên để giữ vững liên lạc.

Điều đó thể hiện tư duy về nghiệp vụ của anh Trần Quốc Hoàn rất năng động, từ tư duy về nghiệp vụ, biến thành tổ chức thực tế. Có cái thực hiện được, có cái chưa xảy ra và chưa áp dụng, song nó phản ánh khả năng tư duy đặc biệt và tầm nhìn chiến lược của anh Trần Quốc Hoàn.

Sau Hiệp định Giơnevơ, các cháu học sinh miền Nam phải chia tay bố mẹ, tập kết ra Bắc học hành, khi đi giơ 2 ngón tay chào, hy vọng 2 năm sau sẽ đoàn tụ. Nhưng 2 rồi 3 năm, đất nước vẫn chưa thống nhất, phần vì xa bố mẹ, thiếu thốn tình cảm, hẫng hụt về tâm lý, một số học sinh hoang mang quậy phá, thậm chí có trường hợp phá cả nhà dân... Công an một số địa phương có hành động thô bạo với các cháu. Trong một cuộc họp, có mặt Giám đốc Công an các tỉnh, anh Trần Quốc Hoàn nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Các cháu miền Nam ra Bắc học, thiếu thốn về tình cảm, bị sốc về tâm lý vì xa bố mẹ, lẽ ra hai năm thì về, nhưng đã quá lâu rồi mà không thấy đâu. Các cháu còn nhỏ, ở tuổi thiếu niên như con cái mình cả thôi, nếu đối xử thô bạo với các cháu, điều đó rất có hại. Các cháu có lỗi gì đâu, các chú muốn đánh thì nọc Bộ trưởng ra mà đánh”. Thật là một cách giáo dục thấm thía và vô cùng sâu sắc.

Những vấn đề về dân tộc, tôn giáo đều được anh Trần Quốc Hoàn nhắc nhở thường xuyên thông qua những câu chuyện giản dị chứ không phải lên lớp, lý thuyết. Anh kể chuyện trong “Tam Quốc”, Khổng Minh bảy lần bắt Mạnh Hoạch (Thất cầm Mạnh Hoạch) nhưng đều tha, không phải là sợ Mạnh Hoạch mà là sợ dân chưa nghe theo. Câu chuyện anh kể rất giản dị, là bài học sâu sắc với chúng tôi về chính sách dân tộc, tôn giáo, ứng xử đối với đồng bào thiểu số. Hoặc anh kể khi ta dẹp phỉ Đồng Văn có báo cáo lên Bác Hồ là bắt, giết được bao nhiêu, tưởng là Bác khen lập được thành tích. Bác trả lời: “Các chú làm sai rồi, bắt nhiều, giết nhiều là không đúng. Không giết, bắt càng ít càng tốt, vì phỉ cũng là người dân bị lợi dụng lôi kéo, phải tìm cách làm cho họ hiểu và trở về với nhân dân, với cách mạng".

 Tôi cho rằng anh Trần Quốc Hoàn chịu sự giáo dục trực tiếp của Bác Hồ, đã học được ở Bác sự giản dị, mộc mạc, sâu sắc và cụ thể. Anh là người để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong thành quả cách mạng của lực lượng Công an trên hầu hết các lĩnh vực. Dù bận trăm công nghìn việc, sức khỏe có hạn, nhưng trên các mặt công tác của Bộ đều để lại dấu ấn của anh (tình báo, phản gián, tổ chức, hậu cần, kỹ thuật, tin học...) lĩnh vực nào cũng có, chỗ nào cũng có và ở lĩnh vực nào anh cũng rất sâu sắc. Anh Trần Quốc Hoàn là một người có bản lĩnh, có khả năng quy tụ và thu phục mọi người, luôn say sưa với công việc, đã làm việc gì thì tập trung cho kỳ được, không quản giờ giấc, ngày đêm, sức khỏe. Là cán bộ cao cấp của Đảng, là Bộ trưởng Công an trong thời gian lâu nhất, anh Trần Quốc Hoàn luôn được các thế hệ cán bộ Công an coi là một người thầy, người đồng chí và người anh khả kính.

(Ghi theo lời kể của đồng chí Viễn Chi, cố Thứ trưởng Bộ Công an)

Đoàn Xuân Tuyến
.
.
.