Phá băng trộm đường sông trước lúc gà gáy

Thứ Hai, 30/01/2017, 11:14
“Hai giờ rưỡi sáng, các đặc nhiệm cơ động Phòng Cảnh sát cơ động (PK20), Công an TP Cần Thơ vẫn trầm mình dưới dòng kênh lạnh ngắt. Nước cạn, lực lượng không sử dụng bình dưỡng khí mà ngậm ống đu đủ để thở nhằm đảm bảo bí mật...”, Thượng tá Nguyễn Phú Thương – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Cần Thơ mở đầu câu chuyện kể về chuyên án triệt phá băng trộm đường sông lớn nhất miền Tây, khi lực lượng mật phục tại tiệm vàng Kim Hoàng (chợ Kinh, xã Hoà Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).


Phải bắt quả tang

Từ năm 2015, tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận liên tiếp xảy ra trộm đột nhập vào các tiệm vàng ven sông, lấy đi lượng lớn tài sản. Rạng sáng ngày cận Tết Nguyên đán 2015, tiệm vàng Hiện – Tính Hà (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), bị trộm mất 61 lượng vàng 23K, 7,2 lượng và 81 gram vàng Italy, tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Toàn bộ camera an ninh trong tiệm vàng bị vô hiệu hóa bằng túi nilon, bã kẹo cao su. 

Quá trình gây án, đối tượng hầu như không để lại dấu vết gì. Tại các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ trộm đột nhập tiệm vàng, với phương thức thủ đoạn tương tự. Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) chỉ đạo xác lập chuyên án, giao cho Công an TP Cần Thơ chủ công bằng mọi giá phải triệt phá băng trộm này.

Thượng tá Thương cho biết: “Bọn trộm canh thời điểm 2-3 giờ sáng, lúc này chủ tiệm vàng ngủ mê sau một ngày lao động mệt mỏi để gây án. Gần 2 năm trời ròng rã, Ban chuyên án đã quyết định triệt phá băng nhóm này trước giờ gà gáy. Bọn chúng rất ranh ma, xảo quyệt nên phải bố trí lực lượng bắt quả tang. Vì nếu chúng ta không có chứng cứ trực tiếp, công tác đấu tranh xác định mức độ, hành vi phạm tội của chúng, nhất là những vụ trộm chúng từng thực hiện ở các tiệm vàng khác sẽ rất khó khăn”.

Thượng tá Nguyễn Phú Thương.

Hàng trăm lượt trinh sát được tung đi các tỉnh, Ban chuyên án lần lượt có được hành tung các đối tượng trong băng nhóm là: Lý Văn Đợi (Hải méo, 52 tuổi), Nguyễn Minh Thắng (Thanh mập, 53 tuổi), Nguyễn Văn Điệp (Điệp lùn, 46 tuổi), Phùng Thanh Tâm (Tâm gầy, 42 tuổi), cùng ngụ TP Hồ Chí Minh, Lê Văn Mười (39 tuổi), Lê Văn Dũng (50 tuổi) và Nguyễn Văn Dân (42 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Phần lớn đều có nhiều tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Năm 2013, ghe của nhóm Điệp bị hỏng trên sông. Nhóm này gặp Mười – người sửa máy nổ, sống bằng nghề nuôi gà đá và chuyên trộm cắp.

Cuộc gặp gỡ tình cờ, Mười đồng ý nhập hội. Những tiệm vàng, băng nhóm này nhắm đến đều có chung đặc điểm nằm sát bờ sông, tại các khu vực chợ, thị tứ, thị trấn và chọn thời điểm gây án vào nửa đêm về sáng. Bọn chúng dùng dụng cụ cắt khoá, nếu có tiếng động cũng hoà vào tiếng ồn ào của buổi họp chợ nên không ai để ý. 

“Mỗi lần di chuyển, bọn chúng sử dụng ghe lớn và mang theo máy honda (dùng điều khiển xuồng, vỏ lãi nhỏ). Đi tới đâu, bọn chúng khảo sát địa hình xung quanh, cho ghe chạy dọc bờ sông “gỡ cá” (trộm vỏ lãi của người dân – PV) làm phương tiện gây án rồi nhấn chìm xuống nước phi tang”, Thượng tá Thương nói.

Sự thành công của chuyên án

Một ngày cuối tháng 7-2016, Ban chuyên án phát hiện Đợi và Thắng từ TP Hồ Chí Minh xuống Trà Ôn (Vĩnh Long) gặp Dũng. Sau khi bàn bạc, Đợi và Thắng lấy ghe 3,5 tấn di chuyển đến Sóc Trăng, Cà Mau rồi quay ngược trở lại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Tại đây, Đợi và Thắng neo ghe trên sông Cổ Cò và lên bờ chợ Kinh, giả làm người ăn xin, dò xét. Đợi vào hẳn tiệm vàng Kim Hoàng, giả làm người xin tiền để tìm vị trí đột nhập thích hợp. 

Mọi biến động của Đợi và Thắng không qua được con mắt nhà nghề của các trinh sát hình sự Công an TP Cần Thơ. Ban chuyên án nhận định chúng sẽ hành động vào khuya 29-7-2016. Gần 50 cán bộ chiến sĩ được huy động, chia làm 6 tổ công tác bí mật ém quân ngay trong các tiệm vàng, nhà dân, dọc bờ sông, mặt tiền các tiệm vàng mà bọn chúng có thể gây án.

Sau khi quan sát không có người qua lại cũng như lực lượng tuần tra, Đợi và Thắng di chuyển về hướng tiệm vàng Kim Hoàng. Còn cách tiệm vàng 300m, cả hai tắt máy thả xuôi phương tiện và tiếp cận tiệm vàng. Đợi cắt khoá, phá cửa sắt vào bên trong. Thắng cầm khúc gỗ dài, đứng canh ngay phòng ngủ đề phòng trường hợp chủ tiệm vàng phát hiện sẽ tấn công rồi tẩu thoát. 

Bên trong tiệm vàng, 6 trinh sát hình sự đang ém quân chờ Đợi gom vàng bỏ vào bao vải xong thì lao ra khống chế. Bị động, Thắng vứt cây gỗ nhảy xuống sông tẩu thoát nhưng đã bị cảnh sát đặc nhiệm đang trầm mình dưới nước vùng lên khống chế. Khi bị bắt, Thắng kể khổ với cán bộ điều tra, bình thường chỉ cần ra tới mép nước thì có thể thoát 90%. Nhưng lần này, Thắng chưa kịp nhảy xuống nước thì đã bị khống chế. 

Qua khai thác, Ban chuyên án bắt giữ lần lượt các nghi phạm còn lại, gồm: Mười, Dũng và Dân tại Trà Ôn; Điệp và Tâm tại TP Hồ Chí Minh. Từ đây, hàng loạt vụ trộm tiệm vàng bị trộm đột nhập một cách “bí ẩn” tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ… mới được “giải mã”. Qua điều tra, băng nhóm này gây ra 45 vụ trộm đột nhập, lấy đi số tài sản gần 15 tỷ đồng tại các tiệm vàng, cơ sở kinh doanh sát bờ sông dọc theo các tỉnh, thành miền Tây.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trao bằng khen tặng lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ.

Theo Thượng tá Nguyễn Phú Thương, do đặc thù sông nước Nam bộ buộc lực lượng Công an phải thích ứng, linh hoạt, tự trui rèn mình có thêm nhiều tố chất đặc biệt giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để chuyên án được thành công, các trinh sát phải tập trung cao độ, cố gắng không để xảy ra một sơ xuất dù là nhỏ nhất. 

Do đeo bám nhiều ngày, có những lúc nằm dưới sông trời mưa tầm tã nhưng các trinh sát vẫn kiên trì bám trụ, theo dõi mọi biến động vừa tuân thủ chặt chẽ phương án, vừa chủ động linh hoạt đối phó. Có những đêm muỗi bu lại cắn khắp người nhưng không ai dám đập, thèm thuốc lá nhưng không ai dám hút. Bởi tiếng động và ánh lửa sẽ làm bọn chúng cảnh giác. Nhiều đêm trinh sát phải bám theo bọn chúng cả đường thuỷ lẫn đường bộ qua nhiều tỉnh từ Vĩnh Long đi Đồng Tháp, Tiền Giang hoặc Vĩnh Long đi Sóc Trăng, Cà Mau.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đánh giá: “Ban chuyên án quyết tâm lấy giờ “G” để phá án là thời khắc nửa đêm, trước giờ gà gáy. Chuyên án thành công mang lại ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quyết tâm rất cao của lực lượng Công an. Đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc đã đem lại niềm tin, sự bình yên cho người dân. Nếu không phá được chuyên án, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng ở miền Tây lo lắng vì không biết khi nào tới lượt mình”.

Các chủ tiệm vàng chủ quan cho rằng khu vực chợ là nơi đông người, thường xuyên có người qua lại kể cả nửa đêm về sáng nên mất cảnh giác. Tiệm vàng nào cũng bố trí từ 2-3 lớp cửa và gắn hệ thống camera quan sát và có hệ thống đèn sáng trước cửa nên nghĩ rằng trộm không dám bén mảng tới. Ở các chợ vùng quê, thường chỉ có vài tiệm vàng, mặt bằng kinh doanh nhỏ hẹp từ 2,5 đến hơn 4 mét ngang. Phần mặt tiền tầng trệt thường được bố trí làm nơi trưng bày tủ bán vàng, tiếp khách, nơi cho thợ làm việc… còn việc ngủ nghỉ thường lên lầu trên. Hầu hết các vụ trộm tiệm vàng, chúng đều đánh mạnh vào điểm yếu này" - Thượng tá Nguyễn Phú Thương cho biết.
Võ Văn Vĩnh
.
.