70 năm làm theo lời dạy của Người

Chủ Nhật, 04/02/2018, 08:47
Trong số nhiều kỷ vật thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng lực lượng CAND đang được lưu giữ tại Bảo tàng CAND, có bức thư Bác gửi đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Công an Khu XII đang được trưng bày trang trọng tại đây. Trong thư Bác căn dặn nhiều vấn đề và Bác nêu “Tư cách người Công an cách mệnh” với 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

70 năm đã trôi qua, lá thư đã ngả màu theo thời gian nhưng những lời huấn thị thiêng liêng của Bác đối với lực lượng CAND vẫn luôn ấm nóng tình cảm, sự quan tâm của Người và mang ý nghĩa sâu sắc trong giai đoạn hiện nay.

Năm 1948, Báo Bạn dân (Nội san của Công an Khu XII) ra số Tết Nguyên đán Mậu Tý. Đồng chí Hoàng Mai, lúc bấy giờ là Giám đốc Công an Khu XII đã gửi số báo Tết biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng chí Hoàng Mai.

Trong thư Người viết:“ Gửi đồng chí Hoàng Mai, Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói, từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc.

Ngày 19-5-1948, tại Rừng Thông, Đông Sơn, Công an Thanh Hóa dựng 6 lán trại, đại diện cho 6 điều Bác Hồ dạy CAND để học tập, thực hiện theo 6 điều Bác dạy.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.

Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách của người Công an cách mệnh là:

Đối với tự mình,

phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự,

phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ,

phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân,

phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc,

phải tận tụy.

Đối với địch,

phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người Công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu, dán tại những nơi các anh em Công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ….

Ngoài ra, Công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi Công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian… Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch…".

Trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Người dành điều đầu tiên để căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, đây là  phẩm chất đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải có, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thì mới có cơ sở để phấn đấu thực hiện những điều Bác Hồ dạy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao: Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có ý chí cách mạng tiến công, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục trong Công an nhân dân suốt 70 năm qua, luôn là nội dung trọng tâm công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng Công an nhân dân trong các giai đoạn cách mạng trước đây, cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày nay.

Trong các cuộc kháng chiến đã có hơn 14.700 liệt sĩ CAND ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc; hơn 4.200 thương binh, 2.300 bệnh binh. Không chỉ trong giai đoạn kháng chiến mà trong thời bình, máu của các chiến sĩ CAND vẫn đổ xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong những năm qua, lực lượng CAND đã đề ra nhiều chủ trương, triển khai thực hiện nhiều phong trào thiết thực để xây dựng hình ảnh người CAND đẹp trong lòng nhân dân. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ CAND hối hả gặt lúa giúp dân chạy lũ, dầm mình trong dòng nước xiết để cõng các cụ già, em nhỏ trong những trận lũ dữ ở miền Trung hay sạt lở núi Tây Bắc vào những tháng cuối năm 2017 vừa qua… là những minh chứng cụ thể cho sự hy sinh quên mình phục vụ nhân dân của lực lượng CAND.

Và những ngày cuối năm này, khi người người, nhà nhà hối hả sum họp để chuẩn bị đón Xuân thì đâu đó trên những nẻo đường đất nước, ngàn vạn những cán bộ, chiến sỹ Công an vẫn đang miệt mài làm nhiệm vụ. Dầm mình trong sương lạnh ở núi cao miền biên viễn để ngăn chặn sự thẩm lậu của ma túy, truy đuổi những đối tượng tội phạm nguy hiểm hay lần tìm theo những vụ án nóng… có những sự hy sinh, thiệt thòi không thể cân đong đo đếm được.

Đó là những sự hy sinh thầm lặng để giữ gìn bình yên cho cuộc sống, góp phần tô thắm lá cờ truyền thống của lực lượng CAND. Xứng đáng với lời dạy thiêng liêng của Bác.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Bác có Sáu điều dạy CAND, ngày 7-8-2017, Bộ Công an đã phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều dạy Công an nhân dân (11-3-1948 - 11-3-2018) và 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018).

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nêu rõ lực lượng CAND luôn coi những lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ủy CATƯ, Bộ Công an đề nghị Đảng bộ Công an các đơn vị, địa phương cùng toàn thể CBCS, công nhân viên toàn lực lượng CAND nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa Lời dạy của Bác; nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, ra sức thi đua ái quốc, phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND anh hùng, tự tin, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nội dung, các chỉ tiêu trong Đợt thi đua cao điểm lần này.

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu nội dung thi đua phải thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Các biện pháp thi đua phải gắn với những giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Công an nhân dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với lực lượng CAND. Người thường xuyên quan tâm, theo dõi và động viên khen tặng những cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Tại Bảo tàng CAND hiện đang lưu giữ bộ sưu tập những trang báo có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những trang giấy theo thời gian đã ngả màu, nhưng những nét mực đỏ của Người vẫn để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Ở cương vị là người đứng đầu đất nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn luôn dành thời gian nghe thời sự, đọc báo nắm bắt thông tin. Mỗi khi biết được những tấm gương người tốt, việc tốt, người đã có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời.

Trong số báo 462 ra ngày 27-5-1969 có bút tích của Người ở trang 1 và trang 2 về việc đề nghị tặng Huy hiệu đối với những tập thể và cá nhân được nêu gương người tốt, việc tốt trên báo.

 Ở trang 1, bài báo “Lực lượng Cảnh sát nhân dân phục vụ tốt cuộc vận động chống đầu cơ, buôn lậu, lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước” sau khi đọc báo, Người đã viết lên phía trên bài báo bằng mực đỏ dòng chữ “Nên khen” và mở ngoặc đơn (đã nói với anh Hoàn rồi) - (đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an ) (ảnh).

Ở trang 2, đăng bài báo “Vì tương lai con em chúng ta” của tác giả Danh Liêm nêu gương của chiến sĩ quyết thắng Hồ Bá Thọ - Ty Công an Quảng Bình. Đồng chí Hồ Bá Thọ đã rất tận tụy phục vụ và bảo vệ công tác sơ tán trẻ em. Nhiều lần, bằng sự dũng cảm và nhanh trí của mình, anh đã cứu được rất nhiều cháu nhỏ qua sông an toàn dưới làn bom đạn Mỹ; có lần anh đã nhường hầm, lấy thân mình che chắn cho các em.

Sau khi đọc bài báo đó, Người đã khoanh tròn bằng mực đỏ lên tiêu đề bài báo và ghi chữ “Tặng Huy hiệu” và gạch chân dưới dòng chữ “Hồ Bá Thọ Ty Công an Quảng Bình”.

Đức Thọ
.
.