Cựu Bí thư Tỉnh ủy kể chuyện an ninh ở bến Vũng Rô năm xưa
- 'Tàu không số' huyền thoại hai lần thoát vòng vây địch qua lời kể của người lính già
- Những ngôi mộ vô danh và khúc tráng ca của con tàu không số
Cùng với quân và dân Phú Yên, lực lượng an ninh thời bấy giờ góp phần rà soát, làm trong sạch đội ngũ dân công, kịp thời loại trừ những đối tượng nghi vấn do địch cài cắm, đồng thời triển khai phương án bảo vệ, làm trong sạch địa bàn suốt hành trình tiếp nhận vũ khí từ tàu không số đưa vào bến Vũng Rô và chuyển tải lên căn cứ bảo đảm an toàn.
Đi tìm tư liệu cho phóng sự, tôi may mắn tiếp xúc với một trong những nhân chứng lịch sử trực tiếp chỉ đạo Ban An ninh huyện Tuy Hòa 1 phối hợp Ban An ninh tỉnh Phú Yên tham gia tiếp nhận vũ khí ở bến Vũng Rô. Ông là cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Duy Luân - bí danh Chín Cao, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ty Công an Phú Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.
Ở tuổi 90, sức khỏe đã giảm sút nên cựu Bí thư Tỉnh ủy năm xưa rời nhịp sống sôi động nơi phố thị, đến vùng quê Hòa An, huyện Phú Hòa sinh sống cùng người thân trong căn nhà nhỏ giữa vườn cây xanh. Chiến tranh lùi xa hơn 40 năm nhưng những năm tháng lịch sử hào hùng vẫn sống mãi trong tâm trí ông từ cuộc đồng khởi Hòa Thịnh đêm 22-12-1960 đồng loạt diệt ác phá kềm, mở ra phong trào giải phóng các tỉnh khu 5 cho đến chặng thời gian hoạt động cách mạng ở nhiều địa bàn.
Và với vị thế Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy Sở chỉ huy tiền phương Phú Yên, những ngày giữa tháng 3-1975, ông đã chỉ đạo quân và dân phối hợp Sư đoàn 320 truy kích, bẻ gãy cuộc rút lui chiến lược của Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa tháo chạy tán loạn từ Tây Nguyên xuống đường 7 sau đó vượt sông Ba sang đường 5, đập tan mưu đồ của địch cố thủ đồng bằng duyên hải, góp phần rút ngắn cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam.
Khi tôi đề cập sự kiện những con tàu không số cập bến Vũng Rô, ông Chín Cao bồi hồi nhớ lại: “Những năm 1962-1964, khi tôi làm Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng ban An ninh huyện Tuy Hòa 1, bến Vũng Rô được chọn làm điểm đến của những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường Nam Trung bộ nên tôi là một trong những cán bộ chỉ đạo tiếp nhận vũ khí từ 4 chuyến tàu không số để chuyển tải lên căn cứ”.
Theo mạch chuyện của cựu Bí thư Tỉnh ủy, tôi được biết trong kháng chiến chống Mỹ, nguồn vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam bằng đường bộ chỉ đến Quảng Nam nên bộ đội, dân công Phú Yên phải đi bộ hàng chục ngày đêm, vượt qua nhiều chặng đường rừng hiểm trở để đến Quảng Nam tiếp nhận vũ khí.
Gian khổ, hiểm nguy nên không ít lần bộ đội, dân công phải chiến đấu và hy sinh anh dũng trong các cuộc chạm trán với địch. Vì thế Trung ương quyết định phương án vận chuyển vũ khí bằng đường biển trên những con tàu không số chi viện cho Liên tỉnh III Đắk Lắk - Khánh Hòa - Phú Yên và Phân khu Nam của Quân khu 5.
Bằng giọng trầm ấm, đậm chất xứ “Nẫu” hiền lành, cựu Bí thư Tỉnh ủy lý giải: “Bờ biển Phú Yên nằm trong tầm kiểm soát của địch bởi các đội hải thuyền, tàu chiến trên biển, máy bay trinh sát trên không và thiết bị ra-đa từ đỉnh núi Chóp Chài nên những chuyến tàu không số chỉ cập bến trong đêm tối và phải ngược ra hải phận quốc tế trước 3h sáng.
Yêu cầu đặt ra là phải huy động đủ nhân lực bốc dỡ vũ khí từ hầm tàu đưa lên bờ trong đêm, phía bến phải có nơi bộ đội, dân công trú ẩn và cất giấu vũ khí nếu không chuyển tải kịp thời lên căn cứ, đặc biệt là phải làm trong sạch địa bàn, trong sạch đội ngũ dân công, bảo đảm bí mật, bất ngờ, nhanh gọn, tuyệt đối an toàn”.
Ngừng một lát, ông Chín Cao kể tiếp: “Một ngày giữa năm 1964, cuộc họp tìm bến bãi đón tàu không số tổ chức giữa rừng Suối Phẩn ở xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1 với sự tham dự của các đồng chí Nguyễn Hồng Châu - Bí thư Liên tỉnh III, Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Lê Đình Yên - Phó Chính ủy Phân khu Nam của Quân khu 5, Y BLốc Ê Ban - Phó tư lệnh Quân khu 6...
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Duy Luân trong một cuộc trao đổi với tác giả. |
Đã có ý kiến đề xuất chọn vịnh Xuân Đài ở huyện Sông Cầu, nhưng dự báo vấp phải khó khăn vì hành trình chuyển tải vũ khí từ bến bãi lên vùng căn cứ phải vượt qua ba tuyến phòng thủ của địch, trong đó có khu biệt kích Đồng Tre nên kết thúc cuộc họp lựa chọn Vũng Rô ở xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa 1 - nay là huyện Đông Hòa, vì bến bãi này có dãy núi che chắn và nằm gần đường sắt, đường bộ”.
Chuyến tàu không số đầu tiên vận chuyển 65 tấn vũ khí cập bến Vũng Rô nửa đêm 28-11-1964 do ông Hồ Đắc Thạnh - người con của vùng đất Phú Yên làm thuyền trưởng. Khi tàu cập sát chân núi Hòn Nưa, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền bước lên boong tàu ôm chầm thuyền trưởng đang xúc động dâng trào nước mắt vì được trở về quê hương sau hơn 10 năm xa cách.
Lần đầu tiếp nhận vũ khí với số lượng quá lớn nên đêm đó bộ đội, dân công bến Vũng Rô không thể bốc hết trước 3 giờ sáng. Dù vịnh biển Vũng Rô có mực nước sâu và dãy núi che chắn kín gió với nhiều hang đá, nhưng chỉ có một cửa ra biển và không có nơi cho tàu trú ẩn nên phương án hết sức táo bạo, không kém phần mạo hiểm đã được thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng tập thể cấp ủy chi bộ tàu không số tính toán trước khi điện báo Bộ Tư lệnh Hải quân. Để tránh tầm kiểm soát của địch, bộ đội, dân công chặt cây lá đủng đỉnh trên núi để phủ lên tấm lưới giăng từ chân núi biển tạo thành một mỏm núi nhỏ che chắn thân tàu...
Nhắc đến chuyến tàu không số “chi viện” cho bến Vũng Rô 3 tấn gạo khi Tuy Hòa là vựa lúa lớn nhất ở miền Trung, ông Chín Cao cho biết: “Đó là chuyện có thật chứ không phải đùa. Tôi nhớ những tháng cuối năm 1964, địch tăng cường các cuộc càn quét ráo riết nhiều vùng nông thôn ở đồng bằng Tuy Hòa, đường bộ qua đèo Cả đã bị địch phong tỏa nhiều ngày đêm để cách ly Vũng Rô nên có bữa bộ đội, dân công địa phương phải ăn trái sung rừng.
Chứng kiến và chia sẻ khó khăn gian khổ đó, ngoài 60 tấn vũ khí vận chuyển trên chuyến tàu không số thứ hai cập bến Vũng Rô đêm 25-12-1964, còn có 3 tấn gạo thơm do Bộ Tư lệnh Hải quân gửi tặng. Ngoài gạo tám thơm, trên chuyến tàu không số thứ ba vận chuyển 60 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng đồng đội không chỉ gói thật nhiều bánh chưng, mà còn góp tiền mua trà Thái Nguyên, bia Trúc Bạch, thuốc lá Điện Biên mang lên tàu sau khi bóc hết nhãn hiệu để đảm bảo bí mật.
Họ mang theo nhiều vật phẩm vì lần đó tàu cập bến Vũng Rô đúng vào thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ (1-2-1965). Khi tàu vừa buông neo ổn định, Ban chỉ huy bến Vũng Rô cùng anh em trên tàu đến bên chiếc radio trong phòng báo vụ nghe lời chúc Tết ấm áp thân thương của Bác Hồ kính yêu”.
Khi tôi tìm hiểu nguyên do bến Vũng Rô sớm khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ những chuyến tàu không số, cựu Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Ba chuyến tàu do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy vận chuyển gần 200 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô an toàn.
Đến chuyến tàu không số thứ tư có số hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy vào bến Vũng Rô đã xảy ra sự kiện bất ngờ”. Hôm đó là ngày mùng 8 Tết Ất Tỵ, thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy tàu 143 vận chuyển 63 tấn vũ khí từ Hải Phòng vào bến Lộ Diêu, tỉnh Bình Định. Khi vào vùng biển Bình Định ngày 10-2-1965 thì nguồn tin trinh sát cho biết địch ráo riết kiểm soát bến Lộ Diêu nên Bộ Tư lệnh Hải quân gửi điện mật, chỉ đạo tàu 143 chuyển hướng vào bến Vũng Rô.
Ông Chín Cao nhớ lại: “Dù phải đón chuyến tàu ngoài kế hoạch nhưng lực lượng an ninh Phú Yên vẫn rà soát, đảm bảo trong sạch địa bàn, trong sạch đội ngũ dân công, Ban chỉ huy bến Vũng Rô huy động nhân lực bốc dỡ vũ khí trên tàu trước 3h30 sáng 16-2-1965. Khi tàu chuẩn bị rời bến thì xảy ra sự cố hư hỏng tời kéo neo buộc phải sửa chữa đến 5h sáng mới xong.
Ra biển giữa ban ngày bị lộ nên tàu 143 neo lại Bãi Chùa. Dân công hối hả chặt cây rừng phủ lên tấm lưới giăng từ phía núi ra biển thành mõm núi để che giấu thân tàu như đã hóa trang tàu 41 trước đó. Không ngờ trong lúc điều khiển máy bay trực thăng tải thương từ Bình Định vào Nha Trang, viên phi công của địch phát hiện “mỏm núi” lạ nên báo về Sở chỉ huy Quân đoàn 2 ở Nha Trang.
Một giờ sau máy bay L19 của địch đến Vũng Rô chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt với tấm không ảnh trước đó. 13h cùng ngày, địch huy động trực thăng giội pháo mù, bom xăng xuống “mỏm núi” khiến cho lá ngụy trang bị cháy, để lộ tàu 143.
Từ phía Bãi Lau, hai khẩu pháo 12,7 ly của Đại đội K60 được lệnh đánh trả để hỗ trợ phương án phá hủy tàu. Lúc đó thân tàu chao nghiêng nên thủy thủ không thể chui vào hầm để kích hoạt nửa tấn chất nổ.
Trong lúc chờ Đại đội K60 “điều” bộc phá, kíp nổ, dây cháy chậm lên boong tàu thì địch tăng cường máy bay, tàu chiến và hai tiểu đoàn bộ binh thực hiện mưu đồ tóm gọn tàu 143. Bộ đội, du kích bến Vũng Rô và cán bộ - chiến sĩ hải quân trên tàu 143 kiên cường chống trả các cuộc tấn công của địch.
Và với quyết tâm cao nhất, hơn nửa tấn thuốc nổ đã được trinh sát Đại đội K60 đưa ra phá hủy tàu 143 trong đêm 17-2-1965, rồi thoát khỏi vòng vây của địch. Những ngày sau đó, chiến sự ở Vũng Rô và vùng ven diễn ra ác liệt, địch tăng cường đánh phá, phong tỏa nên bến Vũng Rô kết thúc nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc”.
Câu chuyện khép lại nhưng trong ánh mắt của cựu Bí thư Tỉnh ủy vẫn lấp lánh niềm tự hào về những chiến công thầm lặng của lực lượng an ninh bảo đảm bí mật trong suốt hành trình tiếp nhận vũ khí từ những chuyến tàu không số lên bến Vũng Rô và chuyển tải về chiến khu đảm bảo an toàn.