Từ bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục đến Bệnh viện 30-4, viết tiếp những trang sử mới

Thứ Tư, 29/04/2020, 09:55
Với những y bác sỹ trẻ Bệnh viện (BV) 30-4, dù chưa từng được sống trong thời khắc oanh liệt ấy của đất nước, song phát huy truyền thống vẻ vang của một đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, tiền thân là Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam năm xưa, họ đã và đang nỗ lực cống hiến, thầm lặng hy sinh khi ở vị trí tuyến đầu chống dịch COVID-19, viết tiếp những trang sử mới.

Ngày 30-4-1975 đã trở thành mốc son chói lọi đánh dấu sự thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  Với những y bác sỹ trẻ Bệnh viện (BV) 30-4, dù chưa từng được sống trong thời khắc oanh liệt ấy của đất nước, song phát huy truyền thống vẻ vang của một đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, tiền thân là Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam năm xưa, họ đã và đang nỗ lực cống hiến, thầm lặng hy sinh khi ở vị trí tuyến đầu chống dịch COVID-19, viết tiếp những trang sử mới.

Xung kích tham gia “tuyến đầu”

ThS.BS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc phụ trách BV 30-4 cho biết, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, BV 30-4 cũng đang có những hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống của đơn vị (8/1962-8/2020). Một trong những hoạt động thiết thực nhất là công tác cùng cả nước chung tay chống “giặc” COVID-19.

Hoạt động kiểm soát tại Khoa “khám bệnh cho người nước ngoài” của BV 30-4, nằm trong qui trình khám sàng lọc, cách ly phòng chống dịch COVID-19 .

Theo đó, BV đã chủ động triển khai khẩn trương nhiều biện pháp, sẵn sàng cho một cuộc chiến với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Bắt đầu từ đầu tháng 2-2020, BV đã dành riêng khu vực để tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ: sốt, có triệu chứng về đường hô hấp, hoặc có yếu tố dịch tễ”.

BS CK I Phạm Thị Hồng Thắm, Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch BV 30-4, đơn vị đã phối hợp với Phòng Điều dưỡng, Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn và các khoa phòng khác lên danh sách, chọn lựa, tập trung đội ngũ những cán bộ điều dưỡng, BS trẻ huy động trên tinh thần xung phong của đoàn viên thanh niên từ nhiều khoa.

Tiêu chí cho đội ngũ xung kích này đó là ưu tiên những bạn trẻ có thể lực tốt, đảm bảo có sức khoẻ vì cường độ làm việc cao. Khu khám sàng lọc cách ly gồm 2 ê kíp thay nhau, mỗi ê kíp gồm: 1 bác sỹ, 5 điều dưỡng, kỹ thuật viên trẻ.

Hôm đến đây, chúng tôi nhận thấy tất cả đều làm việc trong hoàn cảnh dã chiến; ăn, ở, nghỉ ngơi,… đều phải tại chỗ. Do yêu cầu nghiêm ngặt phòng chống lây nhiễm nên tất cả đều phải chịu cách ly hoàn toàn khỏi gia đình, kể cả trong khoa. Hằng ngày, từ 5 giờ sáng, hai nhân viên bảo vệ và 3 cán bộ điều dưỡng túc trực ngay đầu cổng BV, thực hiện đo thân nhiệt nhanh cho tất cả mọi đối tượng ra vào BV, khám chữa bệnh.

Bệnh viện 30-4 đã chuẩn bị sẵn các trang thiết bị để phục vụ công tác khám, chữa bệnh nhân COVID-19

Trường hợp nào có yếu tố nghi ngờ (sốt, ho, có yếu tố dịch tễ…), sẽ được hướng dẫn theo con đường riêng đến khu khám sàng lọc, nếu có chỉ định cách ly thì chuyển lên khu cách ly - Khoa Truyền nhiễm. Trong BV, họ được gọi một cách thân thương là “cán bộ biệt phái”. Sau 2 tuần mới được trở về nhà. Về nhà rồi cũng phải tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa. Ngày 13-4 vừa rồi là kết thúc đợt “công tác biệt phái” của nhóm 1. Kíp sàng lọc thứ 2 sẽ nhận bàn giao công việc.

Thiếu tá Trịnh Văn Thuận, Trưởng phòng Điều dưỡng, người trực tiếp chỉ huy nhóm làm nhiệm vụ sàng lọc, cách ly, kể: “Nếu chỉ cần mang bộ bảo hộ mà làm các công tác này đứng liên tục từ sáng tới trưa thôi đảm bảo không thể chịu nổi. Nơi ngồi trực đón bệnh nhân (BN) có trang bị một chiếc dù to. Nhưng buổi sáng mát thì đỡ, còn từ 11 giờ trở đi, nhất là khoảng 13 giờ về chiều, nắng gay gắt thì chỉ biết nói một câu là quá cực!”.

Chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến giữa cái nắng nóng nhưng các “cán bộ biệt phái” vẫn căng mình làm việc, xịt khử khuẩn cho tất cả xe ôtô nào vào cổng. Chiếc bình chứa hoá chất nặng đến 20 ký nên chỉ cần 10 phút mang trên người, đứng dưới cái nắng gắt, cùng với bộ bảo hộ chống dịch,… ai xong việc cũng ướt đẫm mồ hôi.

Trung bình mỗi ngày lượng bệnh nhân và thân nhân ra vào cổng BV 30-4 là khoảng 1.000 người “Giờ nhìn lại anh em đều cười vì ai cũng đã đen nhẻm. Song, điều mà tất cả đều mong mỏi nhất là dịch COVID-19 sẽ đi qua, không còn là nỗi ám ảnh của cả xã hội”, Thiếu tá Thuận bộc bạch.

Hiểu truyền thống, vững bước tương lai

BS Phạm Thị Phương Loan, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, quy trình sàng lọc và cách ly khi phát hiện BN nghi ngờ dương tính hay có kết quả dương tính, có tình trạng suy hô hấp sẽ được chuyển qua BV Bệnh Nhiệt đới. Chuyển bệnh lên Trung tâm điều trị COVID-19 tại Cần Giờ hoặc BV dã chiến Củ Chi nếu không suy hô hấp. Áp lực cho công tác phòng chống lây nhiễm cho nhân viên luôn gia tăng. Song, nếu đã là nhân sự trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của BV, tất cả đều quán triệt tinh thần: “điện thoại reng là phải lên đường!”.

Tháng 3 vừa qua, BV 30-4 trực tiếp chăm sóc cho 2 trường hợp nghi ngờ do có yếu tố dịch tễ với BN số 54. Đó là trường hợp nam BN nhà gần BV 30-4. BN này vào thẳng Khoa Hồi sức cấp cứu. Lúc này Khoa Khám sàng lọc bệnh vội kiểm tra thân nhiệt và đưa vào ngay. Bệnh nhân có tiền sử bệnh lao phổi nên càng là mối lo lắng. Một nam bệnh nhân khác cũng được vào cách ly tại Khoa Truyền nhiễm của BV với tiền sử đi từ vùng có dịch vào, có nghi ngờ yếu tố dịch tễ. BN này có sốt và ho. Rất may, cả 2 trường hợp trên đều đã có kết quả âm tính với COVID-19.

ThS Bùi Thị Thuý Hà, Phó Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ, trong những ngày đợi kết quả công bố mẫu xét nghiệm từ 2 BN trên, tất cả cán bộ, nhân viên của BV đều rất sốt ruột dù trước đó, nhất là khâu lấy mẫu xét nghiệm, đã tuân thủ nghiêm ngặt qui trình an toàn.

Gặp các “cán bộ biệt phái”, nhất là số anh em trẻ trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi nhận ra trong họ một tinh thần yêu ngành, yêu nghề. Điều dưỡng trưởng Trịnh Văn Thuận bộc bạch, khi được xem những thước phim lịch sử về những năm tháng hào hùng của Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam năm xưa, anh và các đồng nghiệp rất xúc động, nhất là nhìn cảnh các thế hệ đi trước đã mổ xẻ dưới hầm, dưới mưa bom đạn mà vẫn thành công.

“Tự hào, khâm phục về trí tuệ và lòng dũng cảm của những chiến sĩ áo trắng Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, nay được sống trong thời bình, chúng tôi tự hỏi đã cống hiến và xây dựng đất nước này như thế nào, đã làm tròn trách nhiệm của một công dân may mắn hay chưa?”, Thiếu tá Thuận bày tỏ. Mỗi khi có một bạn trẻ mới về công tác tại BV 30-4, trong giờ sinh hoạt truyền thống, anh và nhiều anh em thường lưu ý, phải tìm hiểu thật nhiều về lịch sử truyền thống BV 30-4, thấu hiểu những bài học của thế hệ cha anh để lại, để làm vững hơn đôi chân cho mình.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ nhất để góp sức mình xây dựng một BV 30-4 ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Đội ngũ thầy thuốc BV luôn phấn đấu giỏi chuyên môn, ứng dụng thêm nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật vào công tác khám chữa bệnh đảm bảo hiệu quả hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho CBCS Công an và người dân các tỉnh, thành phía Nam”, Thiếu tá Trịnh Văn Thuận cam kết.

Huyền Nga
.
.