Gặp những nữ cảnh sát trại giam vào miền Nam sau ngày 30-4

Chủ Nhật, 30/04/2017, 14:22
Cách đây hơn 40 năm, họ là những cô gái tuổi tròn mười tám, đến từ nhiều miền quê, gặp nhau dưới mái Trường Đào tạo cán bộ An ninh miền Nam (E1171) ở Tam Dương, Vĩnh Phúc để trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt chuẩn bị đưa vào miền Nam sau ngày đất nước giải phóng. 


Đó là lớp “500 nữ Cảnh sát trại giam” đầu tiên và cũng là duy nhất của lực lượng Công an. 41 năm sau, những cô gái ngày đó giờ đã lên chức bà, nhưng những năm tháng thanh xuân cống hiến cho đất nước của họ vẫn như những đóa hoa mãi tỏa hương thơm ngát. 

Gặp Thượng tá Bùi Thúy Nga, nguyên Phụ trách kế toán kiêm Kế toán trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy  và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), một trong 500 nữ cảnh sát trại giam ngày đó tại nhà riêng nằm trên phố Vĩnh Tuy, Hà Nội, chúng tôi được nghe kể về những năm tháng thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết của bà cùng với hàng trăm bạn học được điều động vào miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. Sự xúc động khiến ánh mắt bà lấp lánh.

Theo lời kể của Thượng tá Bùi Thúy Nga thì sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng tình hình ANTT vô cùng phức tạp. Hàng triệu sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, viên chức của chế độ Sài Gòn không kịp di tản; hàng vạn phần tử trong các tổ chức, đảng phái phản động tan rã tại chỗ, hàng ngàn gái mại dâm và các phần tử bất hảo, trộm cắp, cướp bóc hoạt động ngang nhiên trên đường phố Sài Gòn… tạo nên sự bất ổn về ANTT trên phạm vi toàn miền Nam.

Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã quyết định đào tạo cấp tốc lớp 500 nữ cảnh sát trại giam tại Trường E1171. Vì yêu cầu cấp bách nên khóa học đào tạo gần một năm thì tốt nghiệp. Bà là một trong 100 nữ cảnh sát hăng hái xung phong vào miền Nam nhận nhiệm vụ. Ngày 1-9-1977, 100 nữ cảnh sát trại giam đã tới ga Sài Gòn, sau đó tập hợp về Trường Cảnh sát 6 Thủ Đức, nay là Trường Cao đẳng CSND để nhận nhiệm vụ. Bà là một trong hơn 60 bạn học được điều động về Trại giam Long Thành (Đồng Nai).

Do tính chất đặc biệt của trại giam, bà được phân công vào bộ phận quản chế trinh sát. Hằng ngày, ngoài nghiên cứu hồ sơ, sàng lọc phân loại đối tượng, bà trực tiếp làm công tác cảm hóa giáo dục, thuyết phục phạm nhân, nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của phạm nhân, phát hiện ý đồ nhen nhóm đánh nhau hay có ý định trốn trại, bạo động...

Thời kỳ ấy đối tượng giam giữ tại trại rất đông, phức tạp, nhất là phân khu nữ, nơi giam đối tượng phản cách mạng, số ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện sau giải phóng mà đứng đầu là Đại tá Trần Cẩm Hương và tổ chức tình báo “Biệt đội Thiên Nga” do Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy cầm đầu. Những đối tượng hình sự nữ chủ yếu là gái mại dâm, lưu manh, trộm cắp vốn ngoài đời đều ngang tàng, bất hảo.

Buổi  gặp mặt của lớp 500 nữ Cảnh sát trại giam nhân kỷ niệm thành lập trường E1171.

Nhớ lại thời kỳ đó, giọng bà nhẹ nhàng xuôi về miền ký ức: “Năm đầu khi vào trại, các đối tượng đều tỏ ra chấp hành, thực chất là “nằm im” nghe ngóng. Sau một thời gian họ bắt đầu quậy phá. Đối tượng hình sự lưu manh câu kết với nhau thành băng nhóm và tổ chức trốn trại”.

Trong ký ức của bà không nhớ hết bao nhiêu lần mình và đồng đội vượt suối, băng rừng truy bắt phạm nhân trốn trại. Mà khi ấy, các nữ cảnh sát trại giam còn rất trẻ  nhưng tinh thần và nhiệt huyết thì không gì sánh kịp. Bà còn nhớ rất rõ, năm 1979 kỷ niệm, đối tượng hình sự Nguyễn Thị Hoa trong một lần đi lao động đã lợi dụng sơ hở trốn trại. Qua nghiên cứu hồ sơ về Hoa, bà nhận định rất có khả năng phạm nhân này ẩn náu tại nhà ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ban Giám thị đã cử bà và 2 đồng chí cảnh sát bảo vệ đi truy bắt.

 Nhiều lần trong vai cán bộ chính sách vào nhà Hoa nhưng đều không phát hiện được gì. Một hôm, bà cùng đồng đội chia địa bàn truy tìm. Khi đang theo dõi ở gần nhà Hoa, bà phát hiện một phụ nữ từ trong nhà đi ra. Người này làm lại tóc, móng tay móng chân sơn đỏ chói, hình dạng đã thay đổi. Linh tính mách bảo đó chính là Hoa, bà tiến lại và gọi “Hoa”.

Người phụ nữ giật mình quay lại. Biết đã tìm đúng người, bà nghiêm giọng: “Đi về với cán bộ”. Nhanh như cắt, bà rút còng số 8 tra vào tay Hoa. Cô ta ra sức giằng co và hô hoán người nhà ra giúp sức. Lúc này, lực lượng Công an phường đang xuống và chiếc còng số 8 còn lại chuẩn bị khóa nốt cánh tay kia thì rất đông người nhà ra đánh tháo cho cô ta chạy thoát.

Nhớ tới đó, bà thoáng cười kể tiếp: “Một tuần sau thì tổ công tác và Công an phường bắt được cô ta. Nhìn lại mình khi ấy vì đuổi theo đối tượng mà dép suýt tuột cả quai, tóc bù xù. Dù hoàn cảnh khi đó khá nguy hiểm nhưng với sức trẻ, sự hăng hái vì nhiệm vụ không cho tôi do dự”.

Kể với tôi về năm tháng tràn đầy hoài bão đó, trong đáy mắt Thượng tá Bùi Thúy Nga không giấu được niềm tự hào. Gian khổ đến mấy thì bà cùng các nữ quản giáo vẫn hăng say hoàn thành nhiệm vụ. Trại giam Long Thành nằm ở cây số 49 từ TP Hồ Chí Minh đi TP Vũng Tàu, vùng đất quanh năm nắng “cháy da cháy thịt” với những cơn gió cát bỏng rát. Họ ở trong những gian nhà tập thể nằm trên vùng cát trắng, được ghép với nhau bởi những tấm gỗ cong vẹo.

Mỗi cơn gió thổi qua, cát lại cuốn bay mù mịt theo khe hở vào phòng. Họ vẫn nói đùa với nhau nơi đây là “trung tâm tàn phá sắc đẹp” bởi chỉ một thời gian ngắn ngủi, những cô gái nước da trắng nõn ngày nào đã đen xạm, mái tóc mượt óng cũng trở lên xơ xác. Nhưng sức trẻ đã giúp họ vượt qua tất cả. Hơn 40 năm sau, họ vẫn nằm mơ đến những kỷ niệm đầu đời đó.

Nằm mơ tới những lần đối mặt với “chiêu trò” trong buồng giam của nữ tướng cướp Nguyễn Thị Bé Hai. Họ phải đấu trí với phạm nhân để tìm ra điểm yếu của đối tượng mà dùng tình người để cảm hóa, giáo dục. 

Chúng tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều nữ cảnh sát trại giam trong 500 cô gái hồi đó. Các chị luôn tự hào truyền thống được học tập dưới mái trường E1171, cái nôi đào tạo nữ cảnh sát trại giam đầu tiên của lực lượng Công an.

Đại tá Phạm Mai Dựng, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Tổng cục VIII (Bộ Công an) xúc động: “Sau khi ra trường, 500 nữ cảnh sát trại giam đã bổ sung một lực lượng nữ lớn nhất lúc bấy giờ cho các đơn vị. Một số chị được điều động về nhận công tác tại các trại giam, các đơn vị nghiệp vụ Công an ở phía Bắc, một số thì vào miền Nam. Nhiều đồng chí lập được thành tích trong công tác, được tặng thưởng huân chương, huy chương…

Nhiều người được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám thị các trại giam như Đại tá Đoàn Thị Tâm, Đại tá Vương Thị Cầm, Đại tá Nguyễn Thị Can… Nhiều đồng chí sau này chuyển sang các đơn vị nghiệp vụ khác nhưng đã phát huy được năng lực của mình, được bổ nhiệm chức vụ quan trọng như: Đại tá Phạm Thị Mai, Trưởng phòng V11 (Bộ Công an); Đại tá Nguyễn Thị Hiển, Trưởng Ban trị sự Báo CAND… Chúng tôi tự hào vì những ngày tháng gian khổ đó nhưng không gục ngã, đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, anh hùng cho lực lượng Cảnh sát trại giam”.

Trong ký ức của nữ cảnh sát trại giam nhận nhiệm vụ vào miền Nam năm đó, họ mãi mãi không quên cái Tết đầu tiên ở Trại giam Long Thành. Sau khi lo cho phạm nhân đón cái Tết tươm tất, các cô gái quay trở về căn phòng tập thể. Từng tốp 5-6 người khóa trái cửa lại, ôm nhau khóc vì nhớ nhà.

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trại giam Long Thành, chị em chúng tôi người thì ở lại miền Nam công tác, xây dựng gia đình, người thì đi học và chuyển công tác ra Bắc. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng tình bạn đó vẫn luôn gắn bó sâu sắc, đến giờ chúng tôi vẫn coi nhau như chị em ruột” – Thượng tá Bùi Thúy Nga không giấu được nước mắt khi kể lại.

Phương Hằng
.
.