Sự hy sinh thầm lặng của người lính mặc áo blouse trắng

Thứ Hai, 29/02/2016, 09:27
Hẹn nhiều lần, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Đại úy Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam. 

“Bệnh nhân của chúng tôi là các can, phạm nhân. Vì vậy, ngoài chức năng của người thầy thuốc, chúng tôi còn có nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục để can, phạm nhân hướng thiện, làm lại cuộc đời”, bác sĩ Thành mở đầu câu chuyện của mình như thế...

Thầm lặng với công việc hiểm nguy

Nơi bác sĩ Thành và các y sĩ làm việc dường như tách biệt với thế giới bên ngoài và được canh gác nghiêm ngặt. Bệnh nhân của bác sĩ Thành là những khuôn mặt khiến nhiều người e ngại, muốn xa lánh; bởi họ từng trộm cắp, giết người, buôn bán ma túy.

Thế nhưng, với người thầy thuốc này, tất cả đều gói gọn trong 2 từ bệnh nhân. Bác sĩ Thành chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân có tâm lý không ổn định, nhất là bệnh nhân có HIV hoặc nhận án tử hình. Họ luôn nghĩ rằng đằng nào cũng chết nên không thích điều trị, thậm chí chống đối”. Điển hình như, bệnh nhân Võ Nguyên L., khi vào trại tạm giam, đã tiều tụy vì ma túy và HIV/AIDS.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành đang khám bệnh cho phạm nhân.

Nghĩ mình sẽ chết nay mai, L. tỏ ra hận đời, bướng bỉnh và luôn có những hành động thô lỗ với cả với các y, bác sĩ trong trại khi họ chăm sóc, chữa bệnh cho L. Thậm chí, có lần L. hăm dọa sẽ lấy kim chích máu của mình để chích vào bác sĩ. Nếu là người yếu đuối, chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt xám xịt của L., ai cũng phải e ngại.

Thế nhưng, với các y, bác sĩ trong trại tạm giam, họ luôn kiên cường và vững tâm trong công việc của mình. Bằng tình cảm, những người thầy thuốc hai màu áo này đã gần gũi, giải thích cho L. biết về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và cách điều trị. Nhờ đó, L. đã ổn định tinh thần và phối hợp tốt với cán bộ y tế trong việc điều trị bệnh…

Không chỉ đối mặt với những nguy hiểm, bác sĩ Thành còn phải “vật lộn” với những cơn “khó ở” của can, phạm nhân. Xa Văn Hiệp (SN 1985, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là phạm nhân bị tuyên án tử hình về tội giết người vào năm 2014. Ngay ngày đầu nhập trại, Hiệp đã có biểu hiện tâm lý bất ổn do bị ám ảnh bởi hành vi sát hại chính vợ của mình.

Vốn có bệnh cao huyết áp và viêm giác mạc, Hiệp thường xuyên than khóc mình đau chỗ này, nhức chỗ kia và lúc nào cũng muốn bác sĩ đến thăm khám để có cơ hội chuyện trò. Hiểu được tâm lý đó, bác sĩ Thành đã gần gũi, động viên, giúp Hiệp có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm và bệnh tật để sống tốt hơn trong quãng thời gian còn lại…

Tận tình, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại

Do đặc thù của môi trường công tác chữa bệnh, các y tá, bác sĩ ở Trại Tạm giam đều kiêm nhiệm rất nhiều việc như: khám, chữa đủ các loại bệnh từ ốm đau vặt, nhức đầu, sổ mũi, viêm nhiễm và cả điều trị HIV, lao kháng thuốc, sinh đẻ...

Một câu chuyện xảy ra đã rất lâu nhưng là kỷ niệm không thể nào quên của bác sĩ Thành và đội ngũ y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam. Phạm nhân tên N. bị tuyên án về tội buôn bán ma túy khi đang mang thai, rồi sinh con trong trại. Vậy là, ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân, các y, bác sĩ còn làm thêm công việc “vú nuôi”.

Trong khẩu phần ăn của N., các y, bác sĩ thường xuyên bổ sung món canh đu đủ nấu chân giò lợn để phạm nhân đủ sữa cho con bú. Bác sĩ Thành chia sẻ: “Đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh này đã quá thiệt thòi nên chúng tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho cháu.

Các y, bác sĩ thường xuyên gần gũi, ẵm bồng để cháu bé đủ hơi ấm tình người như những đứa trẻ khác ngoài đời”. Hành động nghĩa tình của các y, bác sĩ khiến phạm nhân N. vô cùng xúc động. Về sau, khi đã chuyển trại giam, N. còn viết thư bày tỏ lòng biết ơn, cảm phục với những người lính Công an mặc áo blouse trắng.

Không chỉ thực hiện trách nhiệm của một người thầy thuốc, bác sĩ Thành và đồng nghiệp còn thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an trong việc tuyên truyền, vận động can, phạm nhân phối hợp tốt với cơ quan điều tra và cải tạo tốt để hướng thiện. Như trường hợp bị can Hồ Văn Dũng (SN 1961, trú ở thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Những ngày đầu mới vào trại, Dũng một mực không chịu hợp tác khi điều tra viên lấy lời khai.

Biết được việc này, khi thăm khám, điều trị bệnh cao huyết áp cho Dũng, bác sĩ Thành đã chia sẻ, tuyên truyền, giải thích để Dũng nhận thức được điều hay lẽ phải. Sau đó, bị can Dũng đã khai báo thành khẩn hành vi phạm pháp của mình… Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, nhận xét: “Dù công việc có nhiều khó khăn, vất vả, song bác sĩ Thành và các y, bác sĩ bệnh xá đơn vị đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở đây, ngoài chức năng của người thầy thuốc, các y, bác sĩ còn hỗ trợ rất lớn trong công tác cảm hóa, giáo dục can, phạm nhân để họ nhận biết được lẽ đúng, sai ở đời, cải tạo tốt để sớm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng”.

Phước Hiệp
.
.