Nữ Đại tá Công an có tài hòa giải
- Nữ đại tá trên trận tuyến thầm lặng
- Tấm lòng cao cả của nữ đại tá, BS CAND hiến tặng giác mạc khi qua đời1
- Những ký ức thiêng liêng của nữ Đại tá An ninh
Có lẽ, “chất lính” đã giúp bà luôn nhiệt thành tham gia các hoạt động vì cộng đồng ở nơi cư trú khi đang công tác cũng như lúc nghỉ hưu, với sự chân thành và nỗ lực nghiêm túc.
Từng xuất hiện với những vai diễn ấn tượng, đa chiều trong nhiều bộ phim truyền hình, nghệ sĩ Phùng Thị Kim Thoa nguyên là Phó phòng 1 Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an. “Cô thấy mình có duyên với nghề công an. Có lẽ một phần bởi cô ảnh hưởng từ người cha, một người lính chiến trường. Và có lẽ cũng bởi cô yêu màu áo lính. Vì vậy mà trong 39 năm công tác của mình, cô đã có hơn 34 năm công tác trong lực lượng CAND”, Đại tá Kim Thoa chia sẻ.
Với bà, được làm việc và trưởng thành trong lực lượng Công an vừa là duyên, vừa là cơ hội lớn, giúp bồi đắp tinh thần trách nhiệm và kỹ năng làm việc chính quy, hiệu quả. Trở về sinh hoạt tại khu dân cư khi nghỉ hưu, những kinh nghiệm đã được người nghệ sĩ mang màu áo lính áp dụng linh hoạt vào thực tế công tác vận động quần chúng.
Hiện, Đại tá Kim Thoa đang là tổ trưởng tổ dân phố 76, thành viên ban hòa giải khu dân cư 20, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Nói về công việc hiện tại của mình, bà Kim Thoa chia sẻ: “Làm công tác tại địa phương, mà nhất là làm hòa giải viên chẳng khác gì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng mà vui!”.
Dù đã nghỉ hưu, song bà Kim Thoa luôn tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư. |
Quả thật, là một hòa giải viên trên cương vị tổ trưởng dân phố, Đại tá Kim Thoa luôn trong trạng thái “trực chiến” mỗi ngày, sẵn sàng tư vấn giải quyết từ chuyện mâu thuẫn gia đình, phân chia tài sản, tranh chấp đất đai... “Khi kinh tế phát triển hơn, đường sá được mở rộng, có gia đình từ trong hẻm sâu trở thành mặt phố, còn gia đình khác lại phải dọn đi. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Người ta tiếc nhau mét đất, ganh nhau chốn làm ăn, chẳng ai chịu thiệt. Đó là khi hòa giải viên phải vào cuộc”, bà Kim Thoa kể lại.
“Bản thân cô khi làm tổ trưởng cũng gặp phải tình huống dở khóc dở cười, khi vận động bà con đóng tiền thu gom rác thải, để rồi bà con lại mang rác để ngay trước cửa nhà mình. Hay như có những lần giải quyết tranh chấp tài sản, người dân không hiểu chuyện, lại nghĩ mình vì tư lợi mà bênh vực bên A, vì ghét bỏ nên nói bên B không đúng, rồi phán xét mình bằng lời lẽ không hay”, người nữ Công an trầm tư nói về những ca hòa giải khó.
Vậy điều gì đã giúp và vượt qua những phán xét và tiếp tục công tác hòa giải viên của mình? “Cô nghĩ, đầu tiên là sự thấu hiểu. Là một tổ trưởng, mình là người gần dân nhất, hiểu dân nhất, và cũng là người sẽ đưa tiếng nói của dân đến với chính quyền. Khi chúng ta hiểu dân, chúng ta sẽ giải quyết thấu đáo”, Đại tá Kim Thoa chia sẻ.
Chính danh dự và trách nhiệm của một người chiến sĩ công an đã giúp bà vững vàng, tự tin đi hòa giải, “tháo ngòi nổ” những mâu thuẫn ở địa bàn dân cư. “Cô bắt đầu công tác tại địa phương từ khi vẫn đang là Công an, và hiện đang kiêm nhiệm nhiều vị trí tại hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và giờ là tổ hòa giải. Được giao nhiệm vụ là vinh dự, nhưng hoàn thành tốt là trách nhiệm và áp lực. Mình phải sống và làm việc để xứng đáng với danh dự của người chiến sỹ Công an”, Đại tá Kim Thoa nói.
Và có lẽ, chính tấm lòng và ý thức trách nhiệm đã giúp bà gặt hái được những thành công trong các hoạt động tại địa phương: Tổ dân phố 76 là một trong những tổ dân phố đoàn kết, người dân tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, giữ gìn ANTT tại cơ sở.
Niềm vui với bà Kim Thoa cũng thật giản dị, là những buổi chiều cùng chồng đi dạo quanh hồ, gặp cô bé hàng xóm véo von: “Cháu chào bà tổ trưởng ạ!”, hay là một lá thư cảm ơn đến muộn của một hộ dân trong xóm vì bà đã giúp giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. “Làm hòa giải viên cũng giống như anh điều tra viên của Công an chúng mình cháu ạ, mình phải vừa lắng nghe, vừa “đánh tỉa”, luôn nỗ lực để xung đột không xảy ra”, bà Kim Thoa hóm hỉnh nói về công việc hòa giải viên.
Đánh giá về những đóng góp của bà Kim Thoa, ông Phạm Văn Long, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khu dân cư 20, phường Ô Chợ Dừa, khẳng định: “Đồng chí Thoa có phương pháp làm việc rất khéo léo để có thể vận động nhân dân ủng hộ các chủ trương chính sách, các hoạt động của địa phương.
Bản thân đồng chí Thoa cũng tạo được sự đồng thuận rất cao trong khu dân cư, điều mà một hòa giải viên cần có. Đồng chí luôn nhiệt tình và sáng tạo trong công tác với rất nhiều ý tưởng hay và mới, được áp dụng rộng rãi trong khu dân cư, thậm chí là trong phường, ví dụ như mô hình “hội phụ nữ nói không với túi nilon”. Chính sự năng nổ, sáng tạo của đồng chí đã góp phần làm cho hoạt động của khu dân cư khởi sắc, giúp tổ dân phố 76 trở thành một trong những tổ dân phố tiên tiến trên địa bàn”.
Những kinh nghiệm trong công tác tại địa phương đã giúp hòa giải viên Kim Thoa cùng đội của mình giành giải Nhất cuộc thi Chung khảo Hòa giải viên giỏi thành phố Hà Nội diễn ra hồi tháng 10 vừa qua. Kể lại với tôi những ngày dự thi, bà Thoa không quên nhắc đến một “gia đình thứ hai” đã đồng hành từ những ngày đầu luyện tập, đã dành thời gian đến cổ vũ bà trong suốt quá trình thi, gia đình ấy chính là Câu lạc bộ nữ Công an hưu trí Bộ Công an.
Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, bà Kim Thoa tâm sự: “Trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, nên dù ở bất cứ cương vị nào, điều kiện công tác nào, dù mình không còn làm việc trong lực lượng hay về công tác tại địa phương, mình luôn cần phát huy vai trò trách nhiệm và quan trọng hơn cả là danh dự của một người chiến sĩ, đó là quyền, trách nhiệm, và niềm tự hào đối với cô”.
Những chia sẻ chân thành của “bà tổ trưởng”, một hòa giải viên năng nổ đã giúp tôi thêm trân quý tấm lòng và sự tận tụy bà dành cho cộng đồng, cũng như tình yêu của bà với màu áo lính.