Những nhà báo làm nên “thương hiệu” Báo Công an nhân dân
Trong đó, có 8 gương mặt tiêu biểu, đại diện cho các thế hệ làm Báo CAND vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen vì những đóng góp xuất sắc cho tờ báo.
Họ, mỗi người một lứa tuổi, một giai đoạn gắn bó với Báo CAND khác nhau, nhưng đều có chung một tình yêu sâu bền, gắn bó máu thịt với Báo CAND trong nhiều chặng đường và nhất là, đều có những đóng góp lớn lao để tờ báo có được niềm tự hào hôm nay.
Các đồng chí lãnh đạo Báo CAND qua các thời kỳ và các vị đại biểu khách quý sum họp tại buổi giao lưu các thế hệ làm Báo CAND ngày 14-10-2016. Ảnh: Thiện Hoàng |
1. Thuộc thế hệ hậu sinh, chúng tôi không có may mắn được làm việc cùng nhà báo Trần Liêu, nhưng chỉ nghe các anh chị từng công tác với ông luôn nhắc về ông với niềm trân trọng, đủ biết được những dấu ấn mà vị Tổng Biên tập Báo CAND để lại cho tờ báo là không nhỏ.
“Vạn sự khởi đầu nan” nên khi nhận nhiệm vụ, nhà báo Trần Liêu gặp rất nhiều khó khăn, cả về con người lẫn trang thiết bị hoạt động trong khi yêu cầu của Báo đặt ra khá cao: Phản ánh đúng đường lối của lực lượng Công an, đảm bảo bí mật quốc gia, lại phải có chất lượng và tính hấp dẫn.
Nhưng với sự năng động, sáng tạo và cả bản lĩnh cá nhân, nhà báo Trần Liêu đã cùng đồng đội khắc phục mọi khó khăn xây dựng tờ báo ngày càng phát triển. Tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử” của ông đã góp phần tạo nên sự đoàn kết sẻ chia trong đơn vị, giúp mọi người cùng hoàn thành công việc.
Kinh nghiệm mà ông chắt lọc gửi lại những người làm báo thế hệ sau luôn có giá trị: Phản ánh trung thực, dũng cảm và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ. Câu chuyện ông kể cho tôi nghe 10 năm trước vẫn là một bài học hữu ích: Khi địch đánh phá đèo Mụ Giạ, ông đã đến tận nơi viết bài.
Vì là cuộc đối đầu lịch sử giữa quân và dân ta với “thần sấm” Mỹ, nên bài viết phải chuyển về Bộ Tư lệnh Công an vũ trang duyệt. Chỉ vì 3 từ “đêm không trăng” mở đầu bài viết mà đồng chí Nguyễn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, phải giở lịch ra xem hôm đó có đúng là ngày không có trăng hay không.
Sau đó, Thứ trưởng giải thích: “Vì là lần đầu Mỹ ném bom ra miền Bắc, nên dư luận trong nước và thế giới rất quan tâm. Chỉ cần 1 chi tiết đêm đó có trăng mà tác giả lại viết là đêm không trăng, thì bạn đọc sẽ không tin nữa. Từ sự nghi ngại bài báo, họ sẽ nghi ngại sự trung thực của cả tờ báo”.
2. Là một trong những nhà báo kế nhiệm nhà báo Trần Liêu, suốt gần 20 năm làm Tổng Biên tập Báo CAND, nhà văn Ngôn Vĩnh đã cùng tập thể BBT chỉ đạo anh em thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và uy tín tờ báo.
Năm 1988, Báo CAND được phép phát hành công khai nên báo phải phát triển, cơ cấu lại nội dung, chuyên mục cho thích hợp với đối tượng bạn đọc mới. Nhiều chuyên mục trên Báo CAND còn giữ đến hôm nay chính là được xây dựng từ giai đoạn đó, và phản ánh đa dạng các lĩnh vực của cuộc sống.
Giai đoạn này, Báo CAND bắt đầu chú trọng công tác xã hội - từ thiện với việc vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm tỷ đồng. Với những cố gắng, cống hiến của Tổng Biên tập Ngôn Vĩnh và tập thể cán bộ phóng viên, công nhân viên, Báo CAND đã được Nhà nước tặng Huân chương Quân Công hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Ba.
3. Một gương mặt ghi dấu ấn trong hành trình 70 năm của Báo CAND là Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Ông chính là “nhạc trưởng” tạo nên thương hiệu cho tờ An ninh Thế giới (ANTG) trong làng báo chí cách mạng Việt Nam và đến hôm nay, dư âm ấy vẫn còn vọng lại.
Sợi chỉ xuyên suốt để người đàn ông luôn sống trong “vòng xoáy” ấy luôn trụ vững trong nghề là lập trường tư tưởng vững vàng – điểm tựa để ông tạo được sự hấp dẫn cho tờ báo, mà không vượt khỏi lằn ranh mong manh giữa sự thu hút bạn đọc với trào lưu thương mại hóa thông tin.
Đặc biệt, sự sáng tạo không mệt mỏi của ông trong cách làm báo với tiêu chí “Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời” đã luôn mang đến hơi thở mới cho tờ An ninh Thế giới và sau này là CAND.
Là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ Báo CAND sau khi sáp nhập, Trung tướng Hữu Ước đã cùng Ban Biên tập liên tục phát triển để tờ báo có thêm nhiều ấn phẩm chuyên đề phục vụ các đối tượng bạn đọc. Từ tờ CAND và ANTG –Văn nghệ Công an, đến nay, Báo CAND đã có ANTG tuần, ANTG giữa tháng, ANTG cuối tháng; Cảnh sát toàn cầu tháng, Cảnh sát Toàn cầu tuần, Văn nghệ Công an tuần v.v…
Nhà văn Hữu Ước còn luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và cùng Ban Biên tập Báo CAND tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh hình ảnh người chiến sỹ CAND, đặc biệt là Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an và nhiều chương trình ca múa nhạc có quy mô lớn.
Quan tâm đặc biệt đến công tác xã hội-từ thiện, hằng năm, ông đã cùng Ban Biên tập Báo CAND huy động được hàng chục tỷ đồng để ủng hộ, xây dựng nhà, trường học, tặng máy tính… cho đồng bào vùng sâu, vùng xa…
Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, khi đã trao tặng Báo CAND và cá nhân ông danh hiệu Anh hùng Lao động cùng nhiều hình thức khen thưởng khác của Chính phủ, của các Bộ, ngành v.v…
4. Từ một phóng viên trẻ, sau 35 năm gắn bó với Báo CAND, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đã trưởng thành, thành người đứng đầu tờ báo. Với nỗ lực không mệt mỏi, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Báo CAND ở nhiều giai đoạn, trong nhiều hoàn cảnh.
Những bài viết, phóng sự của ông từ hơn 30 năm trước đã tạo được dấu ấn riêng, hơi thở riêng, bởi sự xông xáo, tận tụy với nghề. Ông thường xuyên có mặt ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để ghi nhận trung thực và sinh động cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Công an và nhân dân nơi các vùng biên giới, cuộc đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm.
Thời gian làm lãnh đạo Phòng Biên tập rồi Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đã có nhiều đóng góp cải tiến quy trình làm báo, đặc biệt là trực tiếp đóng góp trong việc báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trang bị phòng vi tính, thay đổi căn bản cách làm báo thời đánh máy chữ và sau đó, thực hiện truyền báo giữa hai miền Nam – Bắc, trang bị máy tính cho từng phóng viên, góp phần cải tiến qui trình làm báo, rút ngắn thời gian ra báo, để thông tin phản ánh được cập nhật hơn.
Tiếp nối công việc của người tiền nhiệm vào đúng thời điểm báo chí thế giới và trong nước rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khi Internet và mạng xã hội bùng nổ, Tổng Biên tập Phạm Văn Miên đã phải “đối đầu” với rất nhiều thách thức để chèo lái cho tờ báo vừa giữ vững tôn chỉ mục đích, vừa đảm bảo đời sống cho anh em.
Chính tấm lòng của ông đã làm cảm động anh em trong tòa soạn, để cùng ông chia sẻ mọi khó khăn và cho ông sức mạnh vượt lên thử thách. Các ấn phẩm tiếp tục duy trì về cả chất lượng và số lượng thực sự là thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh lượng phát hành của nhiều tờ báo lớn trong nước sụt giảm mạnh.
Vốn là người đóng góp quan trọng để Báo CAND Điện tử ra đời từ năm 2004, lại am hiểu thế mạnh của Internet thời hội nhập, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đã tập trung phát triển Báo CAND điện tử cả về con người lẫn trang thiết bị.
Vì thế, số người đọc Báo CAND điện tử tăng gấp 10 trước đây, bình quân 800.000-1 triệu lượt người đọc/ngày, khẳng định hướng đi của Báo CAND là phù hợp. Tiếp tục công tác xã hội từ thiện đã là truyền thống của Báo CAND, Thiếu tướng Phạm Văn Miên luôn có nhiều sáng kiến đề xuất và trực tiếp vận động được nhiều tỷ đồng để hỗ trợ cho đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Giai đoạn 5 năm (2011- 2015) Báo CAND được tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Công an; Đảng bộ Báo luôn trong sạch vững mạnh. Cá nhân Thiếu tướng Phạm Văn Miên nhiều năm được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở
5. Đại tá Đặng Văn Lân là một trong những người có thâm niên gắn bó với Báo CAND nhiều nhất. Hơn 40 năm qua, ông luôn được ghi nhận bởi sự tận tụy với công việc. Nhắc đến ông, hầu hết mọi người đều nhớ đến một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tỉ mỉ và chu đáo trong từng công việc, sẵn sàng giúp đỡ cấp dưới làm tròn nhiệm vụ.
Ông cũng luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của mọi người, để chia sẻ buồn, vui, hoặc giải tỏa vướng mắc kịp thời. Đằng sau vẻ kỹ tính, có phần khó tính của ông là tình cảm chân tình, thân thiết của một người anh, một người chú, người cha. Sự gương mẫu gắn trách nhiệm của bản thân với tập thể là ưu điểm vượt trội ở ông.
6. Cũng từ một phóng viên, sau hơn 30 năm, Đại tá Trần Kim Thẩm đã trở thành Phó Tổng biên tập của Báo CAND. Độc giả luôn được đọc những tác phẩm báo chí của ông thấm đẫm hơi thở cuộc sống, được bắt nguồn từ những chuyến đi và cả sự học hỏi kinh nghiệm của người đi trước một cách miệt mài, để làm dày thêm kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn.
Những kinh nghiệm quý đó đã được Đại tá Trần Kim Thẩm truyền lại cho những phóng viên trẻ khi ông phụ trách Cơ quan đại diện (CQĐD) của Báo CAND ở phía Nam.
Với sự hiểu biết sâu sắc đời sống, tâm lý tình cảm các phóng viên, ông đã luôn cùng cấp ủy và lãnh đạo CQĐD tổ chức phóng viên phát huy mạnh mẽ vai trò cá nhân trong từng lĩnh vực, đồng thời, xây dựng CQĐD thành một tập thể đoàn kết, nền nếp, kỷ cương. Vì thế, nhiều năm liền, CQĐD đã đạt danh hiệu Đơn vị Tiên tiến, Quyết thắng.
Năm 2010, được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tổng biên tập, phụ trách CQĐD, Ban Điện tử và nội dung của tờ CAND hằng ngày, ông đã chỉ đạo các phòng ban tổ chức xây dựng nhiều chuyên đề, nhiều bài viết, phản ánh kịp thời những vấn đề nóng trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm với tiêu chí vừa đúng, hay và hấp dẫn.
7. Vốn là Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo CAND, ông Nguyễn Ngọc Khiêm cũng là một cây bút được ghi nhận với nhiều nhiều bài báo đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an cách mạng, ghi được dấu ấn trong lực lượng Công an.
8. Năm 2016, cũng là năm Đại tá Nguyễn Phúc Bồng chia tay với Báo CAND sau 35 năm gắn bó. Ở mọi vị trí công tác, ông đều luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững đạo đức của người làm báo, không lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân. “Trong xử lý công việc hằng ngày tôi luôn đặt lợi ích vì sự phát triển của tờ báo lên trên hết” - nguyên Trưởng Ban Pháp luật- Bạn đọc tâm sự.