Kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 – 20-7-2016)

Những người lính xung kích trong các "mẻ lưới" lớn

Thứ Tư, 20/07/2016, 21:41
Những năm qua, tuổi trẻ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) thuộc Tổng cục Cảnh sát là nòng cốt trong các phong trào thi đua; xung kích thực hiện khâu yếu, việc khó, sẵn sàng tăng cường khi được yêu cầu.

Từ những chiến sỹ Cảnh sát hình sự dũng cảm trấn áp tội phạm đặc biệt nguy hiểm, sử dụng vũ khí “nóng”; Cảnh sát kinh tế linh hoạt, khôn khéo đấu tranh với tội phạm có chức quyền và học thức; Cảnh sát ma tuý triệt phá những chuyến “hàng” lớn của các “ông trùm” manh động, liều lĩnh; Cảnh sát môi trường khui ra những thủ phạm huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống của con người…

Những chiến sỹ tiêu biểu của tuổi trẻ Tổng cục Cảnh sát (Đại uý Nguyễn Nam Hào và Trung uý Nguyễn Quang Vinh).

Đại uý Nguyễn Nam Hào, Điều tra viên Phòng 10, Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng là một đoàn viên luôn nhận về mình khâu yếu, việc khó như vậy. Người con Củ Chi, TP Hồ Chí Minh dù trẻ tuổi nhưng đã được các cấp lãnh đạo tin tưởng giao tham gia điều tra nhiều vụ án quan trọng.

Tháng 9-2011 và tháng 6-2012, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã lập 2 chuyên án lớn điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên. Đây là hai nhân vật “nổi tiếng” bởi những sai phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế mà họ gây ra, gây thất thoát khối lượng lớn tài sản của Nhà nước.

“Mình đã phối hợp đồng bộ biện pháp điều tra công khai theo tố tụng và điều tra trinh sát nhằm xác định tính chất phức tạp và mức độ thiệt hại của hành vi mà hai đối tượng gây ra, cũng như trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan”, anh kể bằng giọng miền Nam đặc trưng. Các vụ án đều rất phức tạp với một chồng hồ sơ cao ngất.

Không quản ngại ngày đêm, thời tiết anh tìm đến các địa bàn thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nhiều đơn vị; sau đó tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá một khối lượng “khổng lồ” tài liệu, chứng cứ; thống kê số liệu, hỗ trợ tích cực cho các điều tra viên thụ lý chính.

Quá trình điều tra, Đại uý Nguyễn Nam Hào cũng chủ động báo cáo thường xuyên kết quả và tiến độ điều tra vụ án, đáp ứng được yêu cầu pháp luật, chính trị, nghiệp vụ. Mọi đề xuất xử lý đều khách quan, công minh. Đến nay hai vụ án đều đã được đưa ra xét xử, đảm bảo chặt chẽ về mặt chứng cứ và đúng quy định pháp luật…

Triệt phá sới bạc ở Chợ Mới, Bắc Kạn – chiến công mới nhất của Tổ ĐB-113 và các đồng đội.

Trong lĩnh vực tội phạm buôn lậu, anh nhớ nhất lần trực tiếp điều tra vụ án Nguyễn Văn Tới vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại huyện Đức Huệ (Long An). Đây là vụ án khó khăn, phức tạp vì đường dây vận chuyển lớn, đối tượng cầm đầu ngoan cố không khai báo, các đối tượng liên quan bỏ trốn sang Campuchia.

Anh đã phối hợp với trinh sát tổ chức truy bắt, nhiều đêm nằm vùng ở địa bàn biên giới. Sử dụng các biện pháp trinh sát, kết hợp động viên, thuyết phục gia đình, thời gian sau đó lần lượt các đối tượng đã bị bắt giữ hoặc tự ra đầu thú.

“Vụ án cũng đã làm rõ được đường dây thuốc lá do Nguyễn Văn Tới cầm đầu, đã xử lý tổng cộng 37 đối tượng, là vụ án buôn lậu thuốc lá với số lượng thuốc lá thu giữ nhiều nhất và số đối tượng bị xử lý nhiều nhất”, anh thông tin thêm.

Các con bạc bị bắt giữ tại sới bạc chợ Mới, Bắc Kạn.

Đại uý Nguyễn Nam Hào cho biết, trong điều tra án kinh tế các đối tượng phạm tội thường là người có trình độ; tinh vi, xảo quyệt trong đối phó với lực lượng chức năng; có quan hệ với nhiều người có chức vụ, quyền lực nên thường chống đối, quanh co, không khai báo, hoặc khai báo gian dối.

Nhiều trường hợp sửa chữa sổ sách, lập các tài liệu để đối phó với hoạt động điều tra. Thậm chí đối tượng chính thường tác động, xúi giục những người có liên quan bỏ trốn hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra, gây khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ. “Như vụ buôn lậu thuốc lá xảy ra tại Long An là một ví dụ, công tác điều tra, chứng minh hành vi chủ mưu, cầm đầu của Tới rất gian nan”, anh nói.

Những điều tra viên như anh đã giữ vững ý chí, cương quyết đấu tranh làm rõ tội phạm, đồng thời có các biện pháp tác động tâm lý phù hợp để các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội một cách khách quan, đúng người, đúng tội.

Anh cũng nhấn mạnh tinh thần hăng say, hết lòng với công việc, nghiên cứu nâng cao nghiệp vụ, pháp luật, cập nhật tình hình tội phạm để trang bị cho mình cách thức làm việc khoa học, hiệu quả hơn…

Nhân vật thứ hai mà tôi muốn đề cập là Trung uý Nguyễn Quang Vinh, cán bộ thuộc Phòng 5, Cục CSHS được trưng dụng vào Tổ công tác đặc biệt 113 (ĐB-113) của Tổng cục Cảnh sát. Có thể gọi anh là người ở “tuyến lửa”, bởi nhiệm vụ nào được giao anh cũng là một trong những chiến sỹ xông pha đầu tiên. Được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát trưng dụng vào tổ từ tháng 7 năm 2013, anh đã trực tiếp xác minh, đấu tranh nhiều chuyên án đặc biệt.

Chẳng hạn chuyên án đấu tranh với Võ Thanh Tùng (SN 1981), trú TP Biên Hòa, Đồng Nai cùng đồng bọn cưỡng đoạt tài sản; bắt giữ thành công 3 đối tượng, khởi tố 4 bị can; chuyên án đấu tranh với Nguyễn Anh Tuấn (SN 1971), trú quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn tài chính Việt cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản; chuyên án triệt phá đường dây buôn bán ôtô trái phép qua biên giới do Dũng “mặt sắt” cầm đầu; chuyên án triệt phá tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy tại quán karaoke Ruby (quận Lê Chân, TP Hải Phòng)…

Và gần đây nhất, ngày 15-7 vừa qua, Trung uý Nguyễn Quang Vinh cùng cán bộ, chiến sỹ Tổ ĐB-113 đã triệt phá thành công tụ điểm đánh bạc, tổ chức đánh bạc tại thôn Bắc San, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Đây là chiến công đặc biệt, được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ bởi sới bạc “lớn nhất miền Bắc” này hoạt động kéo dài trong nhiều năm, được xem như “vùng cấm”, gây bức xúc trong nhân dân…

“Kỷ niệm thú vị là trong lần phá tụ điểm đánh bạc ở thôn Bắc San. Sới bạc thuê nhà dân, ở sâu trong núi, đường vào độc đạo, có người cảnh giới… nên chúng tôi phải ém quân trong thùng xe tải suốt 7 giờ đồng hồ, hành quân vào sâu bên trong chờ đến thời điểm phá án. Thời tiết nắng nóng, anh em mặc thường phục cho dễ thở, một số đồng chí có biểu hiện bị ngất do thùng xe bí.

Thế nhưng đến “giờ G”, ai nấy đều bật dậy như lò xo, mặc đúng điều lệnh để tham gia phá án”, anh nhớ lại. Với đặc thù công tác chuyên môn của Tổ ĐB-113 là đấu tranh với các loại tội phạm cực kỳ mưu mô, xảo quyệt, nhiều đối tượng sử dụng vũ khí “nóng” nên Trung uý Nguyễn Quang Vinh thừa nhận mọi công việc chuẩn bị cho thời điểm phá án phải được làm kỹ, có chiều sâu.

Có thể ví hai gương mặt trong bài viết là “lá chắn” vững chãi trên trận tuyến phòng chống tội phạm, bởi lẽ họ là những người trẻ luôn sẵn sàng xung kích, đi đầu trong các nhiệm vụ; sẵn sàng nhận thụ lý những vụ án hóc búa, phức tạp cũng như sẵn sàng xông pha vào những nơi đầy rẫy hiểm nguy, gian nan…

Bên cạnh đó, họ còn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể, hoạt động xã hội tình nghĩa, tình nguyện hướng về cộng đồng. Qua đó đã bồi đắp thêm mối tình cảm thân tình của lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng đối với bà con nhân dân.

Từ đó, nhân dân trở thành những “người đồng hành” thân tín, cung cấp thông tin và phối hợp với lực lượng Công an truy bắt tội phạm cũng như góp phần làm cho biểu tượng “lá chắn” thêm vững chãi trên trận tuyến đầy cam go và ác liệt.

Tôi chợt nhớ đến tâm sự của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khi cho rằng, đoàn viên thanh niên là lực lượng hùng hậu nhất để tấn công, trấn áp tội phạm.

Vị “Tư lệnh” của lực lượng Cảnh sát mong muốn các cán bộ trẻ đang công tác trong lực lượng hội tụ đủ 4 yếu tố: vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, tinh thần trong sáng, khỏe mạnh về thể chất. Và tôi nhận thấy những yếu tố này ở Đại uý Nguyễn Nam Hào, Trung uý Nguyễn Quang Vinh cũng như rất nhiều bạn trẻ khác.

Quỳnh Vinh
.
.