Người thầy ươm mầm tri thức nhiều thế hệ học viên an ninh

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:51
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sỹ (GS.TS) Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân (ANND) là một trong 6 nhà giáo, nhà khoa học thuộc lực lượng Công an nhân dân (CAND) vinh dự được trao quyết định đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2015. Bên cạnh những đóng góp tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, GS luôn được các thế hệ học viên nhớ tới với phong cách giảng dạy đổi mới, lối giảng bài cuốn hút, riêng có…


Từ khi mới là giảng viên đến Trưởng Khoa nghiệp vụ An ninh điều tra và hiện nay là Phó Giám đốc Học viện, bận rộn với công tác quản lý, GS Nguyễn Quý Khoát vẫn coi việc giảng bài là một phần không thể thiếu và dành thời gian chuyện trò, gặp gỡ sinh viên. GS đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, coi đó là nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuỳ loại hình đào tạo, loại bài giảng mà GS tìm tòi, sử dụng những phương pháp giảng dạy phù hợp nhất, giúp học viên phát huy tính năng động, sáng tạo.

“Bản thân mỗi học viên đều có khả năng nhận thức, khả năng tự học rất tốt. Điều quan trọng là phải khơi dậy cho các em hứng thú học tập, tạo động cơ học tập đúng đắn. Vì vậy, trong giảng dạy mình luôn yêu cầu rất cao, giao nhiệm vụ cho người học phải nghiên cứu trước giáo trình, tài liệu để khi lên lớp có vốn kiến thức tham gia tranh luận, qua đó sẽ biến quá trình dạy học thành quá trình tự lĩnh hội tri thức, dưới sự hướng dẫn của giảng viên” – GS Nguyễn Quý Khoát tâm sự.

Những phương pháp dạy học tích cực như phương pháp tình huống, làm việc nhóm, đóng vai… được GS áp dụng thường xuyên, kết hợp với các phương tiện dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Những slide thuyết trình cô đọng, súc tích, với  phong cách giảng dạy thuyết phục và chiều sâu trong phân tích khiến bài giảng của GS luôn để lại ấn tượng, giúp học viên hiểu nhanh, nhớ lâu. Nhiều học viên tâm sự với chúng tôi, giờ giảng của thầy không chỉ hấp dẫn, mà quan trọng hơn là các em được chủ động lĩnh hội tri thức trong một không gian học tập rất thoải mái. Chẳng hạn khi giảng cho học viên đại học về tổ chức điều tra hình sự, hỏi cung bị can…, GS luôn chú ý dẫn dắt vấn đề, đưa ra các tình huống thực tiễn để học viên phân tích, thảo luận; đồng thời tổ chức cho học viên thực hành nghề nghiệp, như xây dựng giả thuyết, phương hướng điều tra một vụ án, đóng vai hỏi cung bị can... Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh, GS thường dành nhiều thời gian để học viên thể hiện năng lực nghiên cứu, trình bày vấn đề. “Rất nhiều học viên đã kinh qua thực tế được mình mời lên nói với cả lớp, từ lý luận soi rọi vào thực tiễn tính thuyết phục, độ tin cậy sẽ cao hơn…” – GS. Nguyễn Quý Khoát chia sẻ. Giờ học của thầy trở thành diễn đàn trao đổi, đối thoại cởi mở, kiến thức tự nhiên lan toả và ngấm dần vào mỗi học viên.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện ANND.

Từ cựu học viên xuất thân từ miền quê nghèo Thái Bình của khóa D8 Đại học An ninh (nay là Học viện ANND) quyết định ở lại trường sau khi tốt nghiệp, đến nay GS.TS Nguyễn Quý Khoát đã trưởng thành dưới mái trường thân yêu với những chức danh, danh hiệu cao quý của nhà giáo như Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, giảng viên dạy giỏi cấp Bộ… Chuyên ngành nghiệp vụ điều tra hình sự mà thầy nghiên cứu, giảng dạy vừa bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận, vừa phục vụ thực tiễn điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và phục vụ công tác giáo dục, đào tạo của các học viện, trường CAND.

Say mê giảng dạy và miệt mài nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Quý Khoát đã chủ nhiệm 3 đề tài cấp Bộ (trong đó có 1 đề tài cấp Bộ trọng điểm), 2 đề tài cấp cơ sở về khoa học an ninh; tham gia nghiên cứu 8 đề tài khoa học cấp bộ khác; đồng thời chủ biên và tham gia biên soạn hàng chục đầu sách tham khảo, sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu dạy học…

Đặc biệt, GS được xem là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu, xây dựng lý luận về điều tra vụ án gián điệp, về quyết định chiến thuật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Nhiều sách tham khảo, chuyên khảo của GS có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, được đưa vào sử dụng ở các đơn vị nghiệp vụ Công an và các học viện, trường CAND, như “Điều tra các vụ án gián điệp ở Việt Nam” (2007); “Quyết định chiến thuật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG” (2014)…

Dưới sự chỉ đạo và phân công của Giám đốc Học viện, mảng đào tạo đại học do GS Nguyễn Quý Khoát phụ trách có nhiều đổi mới mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của Học viện ANND. Đó là chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ; rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 5 năm xuống 4 năm; xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành đào tạo; mở 3 mã ngành đào tạo mới là ngành Tham mưu an ninh, Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, An toàn thông tin.

Các thế hệ học viên được GS giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu giờ đã tỏa ra khắp đất nước, vận dụng, phát huy mạch nguồn tri thức được đào tạo vào thực tiễn công tác, chiến đấu ở các địa phương. Nhiều học viên trở thành nhà nghiên cứu, nhà giáo, hay người chiến sĩ an ninh giỏi, người lãnh đạo chỉ huy tài năng, gương mẫu trong lực lượng. Còn các học viên hiện đang học tập dưới mái trường Học viện ANND anh hùng thì đang háo hức chờ đón những bài giảng được chắt chiu, tích lũy qua bao năm tháng phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của thầy. Bằng trí tuệ, đạo đức và tâm huyết, GS.TS Nguyễn Quý Khoát đang ngày đêm ươm mầm, truyền lửa cho họ học tập, trở thành những cán bộ có ích cho lực lượng Công an, cho đất nước...

Quỳnh Vinh – Bùi Xuân
.
.