Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản

Thứ Hai, 25/12/2017, 15:54
Chiều 25-12, tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn“Phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản”.


Trung tá , PGS.TS Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND, nhận định: Tội phạm cướp, cướp giật tài sản là một trong những loại tội phạm nghiêm trọng, không chỉ xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Hành vi phạm tội xảy ra không chỉ gây thiệt hại tới tài sản, sức khỏe của các nạn nhân, nó đồng thời gây tâm lý hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội. 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, chỉ riêng trong quý I-2017, toàn quốc xảy ra 12.765 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có  565 vụ cướp giật tài sản, chiếm 4.4%, điều tra khám phá 160 vụ, bắt xử lý 183 đối tượng.


Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, tội phạm cướp giật tài sản hiện nay có tính chuyên nghiệp cao, hoạt động lưu động trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, có sự đan xen câu kết với các loại tội phạm khác; thành phần đối tượng phạm tội cướp, cướp giật tài sản đa số là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự, đối tượng đang bị truy nã; các đối tượng nghiện các chất ma túy, phần tử có nhân thân xấu côn đồ hung hãn; tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên và hầu hết là nam giới. Các đối tượng phạm tội cướp, cướp giật tài sản thường là các đối tượng có lối sống không lành mạnh, không có việc làm và là những đối tượng lười lao động.

Đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo

Đáng chú ý, số đối tượng là học sinh, sinh viên phạm tội cướp, cướp giật tài sản có xu hướng tăng, thường tập trung vào những trường hợp lười học, bỏ học, nghiện game online, nghiện ma túy…thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường. Các đối tượng cướp giật tài sản thường lợi dụng sơ hở của nạn nhân khi tham gia trên tuyến giao thông. 

Đối tượng sử dụng xe máy tháo biển kiểm soát hoặc lắp biển kiểm soát giả và tập trung theo dõi để ý những phụ nữ đi xe môtô một mình (hoặc hai người) có đeo túi trên vai hoặc trong khi tham gia giao thông...Đặc biệt, đối tượng lợi dụng sơ hở của một số ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, điện thoại di động, cửa hàng tạp hóa…trong khi trao đổi, mua bán để thực hiện hành vi cướp giật tài sản.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ở các đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích đặc điểm tình hình tội phạm cướp giật tài sản và những ảnh hưởng của loại tội phạm này đến tình hình tội phạm ở Việt Nam cũng như công tác phòng, chống loại tội phạm này. 

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND, cho biết: Hội thảo đã nhận được hơn 40 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ đang trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ở các đơn vị, địa phương trong lực lượng Công an nhân dân.

Đức Mừng
.
.