Khi phóng viên tham gia "đánh" án ma túy

Thứ Năm, 03/11/2016, 11:25
Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng tôi thấy vinh dự, tự hào vì đã ghi lại được những khoảnh khắc có một không hai của những chiến sĩ Công an quả cảm nơi vùng đất nóng cực Tây Bắc Tổ quốc...

Đêm hôm đó, trong một lán nương gió thông thốc gào réo trên đỉnh đèo Cò Chạy, giữa khoảng thời gian bình lặng hiếm hoi, Trung tá Mai Đình Vân chia sẻ với tôi về nghề, về nghiệp đánh án ma túy. Đây không phải là lần đầu tiên tôi cùng các trinh sát tham gia vào một chuyên án, nhưng không hiểu sao lần nào cũng vậy, trống ngực tôi vẫn đập loạn xạ...

Ở Công an tỉnh Điện Biên, Trung tá Mai Đình Vân, nguyên là Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an huyện Điện Biên được mệnh danh là "người nhiều sẹo" nhất. 

Xấp xỉ 40 năm trong lực lượng Công an, anh làm mỗi cái việc đi và bắt ma túy. Anh tham gia hàng trăm chuyên án, cùng đồng đội bắt giữ cả ngàn đối tượng. Đời làm báo, tôi có may mắn theo Trung tá Vân hơn 10 lần trong các chuyên án ma túy và lần nào cũng vậy, anh yêu cầu chúng tôi phải tuyệt đối thực hiện các nguyên tắc hết sức nghiệt ngã.

Các trinh sát bắt quả tang Lò Văn Hịa, vận chuyển 4,8kg thuốc phiện. Người cầm bộ đàm là Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên (thời điểm đó đang là Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy).

Không nghiêm khắc không được, đánh án ma túy đâu phải là trò đùa, giáp mặt với tội phạm ma túy, ngoài những yếu tố để đảm bảo bí mật, quan trọng nhất là an toàn cho lực lượng đánh án. Một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất trong các lần "bám" theo Trung tá Mai Đình Vân, đó là lần bắt giữ đối tượng Vừ A Tú, 45 tuổi ở xã biên giới Thanh Nưa, huyện Điện Biên...

Tối hôm sau, 19h, chúng tôi lại được lệnh hoá trang để lên đường. Trời đổ mưa rào nên tôi và 2 học viên Học viện Cảnh sát (1 nam, 1 nữ) được "ưu tiên" tránh mưa dưới căn... nhà mồ của một ngôi mộ mới chôn cách đây vài tháng. Tuy biết các trinh sát chỉ nằm cách mình vài mét, song tôi và 2 học viên trẻ nọ vẫn run nhưng không phải vì rét (!).

Các trinh sát ma túy Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ đối tượng Vừ A Tú.

Đến 20h, chúng tôi giật mình bật dậy khi nghe tiếng quát, tiếng vật nhau huỳnh huỵch, tiếng qui lát súng ngắn và tiếng mở khoá còng số tám lách cách, gấp gáp. Quay lại, trong ánh đèn loang loáng tôi đã thấy 5 trinh sát người bê bết bùn đất đè nghiến một người đàn ông xuống dưới đất, bên người anh ta đeo một cái túi vải to, cạnh đó là con dao mèo dài chừng 60cm đang vứt chỏng chơ. 

Khám xét trong chiếc túi hắn mang theo người, các trinh sát thu được 6kg thuốc phiện nguyên chất, 2 con dao mèo. Ngoài ra còn thu giữ thêm 0,3kg thuốc phiện, 2 khẩu súng kíp đã nhồi đạn sẵn cùng nhiều tang vật khác trong nhà đối tượng.

Đó chỉ là một trong hàng chục chuyên án ma túy tôi trực tiếp được vác máy quay theo các trinh sát và lần nào cũng có những kỷ niệm hãi hùng. 

2 đối tượng ma túy, nhiễm HIV bị bắt quả tang tàng trữ trái phép ma túy

Vụ tham gia bắt Lò Văn Hịa ở Thanh Chăn (Điện Biên) buôn bán 4,9kg thuốc phiện trên cánh đồng xã Thanh Yên, huyện Điện Biên; vụ bắt giữ tên Sùng Giống Sếnh ở bản Ca Tâu, xã Sa Dung (Điện Biên Đông); hay vụ bắt giữ 2 anh em Cứ A Hăm, Cứ A Say ở bản Noong Háy, xã Mường Phăng (Điện Biên); vụ Sùng A Tùng, Sùng A Trai ở bản Nà Côm, xã Na Ư (Điện Biên)... đều để lại những kỷ niệm không bao giờ quên về giây phút giáp mặt nguy hiểm với tội phạm ma túy, nhưng lần nào cũng thế, trước bọn tội phạm hung hãn, manh động, các chiến sĩ Công an vẫn dũng cảm, mưu trí giành chiến thắng...

Trong đời làm báo có lẽ chuyên án nổi tiếng nhất tôi được tham gia chính là lần truy bắt các đối tượng trong đường dây sát hại Trung úy Phạm Văn Cường, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên. Chuyên án này khởi động từ đầu năm 2001. Với vai trò trinh sát nội tuyến, Trung úy Cường xâm nhập vào đường dây để tìm hiểu đường đi nước bước của các đối tượng. 

Đêm 6-10-2001, trong một cuộc chiến đấu không cân sức, Trung úy Phạm Văn Cường cùng 2 quần chúng đã bị bọn tội phạm ma túy sát hại trên đỉnh đèo Tây Trang, thuộc xã Na Hai, bản Sam Mứn, Điện Biên.

Nơi Trung úy Phạm Văn Cường anh dũng hy sinh trên đỉnh đèo Tây Trang.

Khoảng 3h sáng, nhận được tin báo và theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, chúng tôi mang máy ảnh, camera theo các đơn vị nghiệp vụ lên tác nghiệp. Giữa đỉnh đèo hun hút gió lùa, thi thể của Trung úy Phạm Văn Cường và 2 người dân nằm gục bên đường, máu nhuốm đỏ mặt đường, hiện trường vương vãi vỏ đạn và khét lẹt mùi thuốc nổ...

Đúng 10 ngày sau, 3 hung thủ bị tóm gọn. Qua đấu tranh khai thác, bọn chúng  phải thừa nhận tội ác trong đêm 6-10, đồng thời khai báo tên đồng bọn và địa điểm giấu khẩu AK sử dụng để gây án. 23h ngày 17-10, tôi nhận được điện chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, chuẩn bị phương tiện theo Ban chuyên án giờ G sẽ tấn công vào sào huyệt của các đối tượng ở xã Na Ư... 

Tôi theo mũi tấn công vào nhà Lý Giống Minh, đối tượng cộm cán nhất trong đường dây ma tuý ở Na Ư, là anh trai của Lý A Va (kẻ trực tiếp xả súng bắn chết Trung úy Cường và 2 người dân). 

Khi xe lao vào đến sân nhà Lý Giống Minh, tên này đang đứng ở sân như không hề biết có chuyện gì nên có vẻ ngạc nhiên. Tôi ngồi ghế trước bật cửa cầm camera, máy ảnh nhảy xuống, đằng sau các trinh sát rầm rập lao ra, tên này bèn co giò bỏ chạy ra sau nhà. 

Các trinh sát ma túy Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ đối tượng Lý Giống Minh.
Các trinh sát bắt giữ ông trùm Lý Giống Minh ở xã Na Ư, Điện Biên.

Các trinh sát lao theo. Camera và máy ảnh của tôi cũng thi nhau chớp để ghi lại khoảnh khắc này. Tên Minh vừa chạy vừa nói gì đó bằng tiếng Mông, trong nhà tối om, ầm ĩ tiếng đồ vật rơi, đổ, vỡ. Con trai của Lý Giống Minh cũng lao vào buồng định lấy vũ khí, nhưng các trinh sát đã nhanh chóng quật ngã, vô hiệu hoá.

Khám nhà tên này, lực lượng Công an đã thu giữ 0,15 gram heroin, 50 triệu đồng Việt Nam, 800USD, 1 bộ khuôn ép heroin, 2 súng săn, 2 hộp đạn ria cùng 1 súng tự chế đã nạp đạn. Nếu không ngăn chặn kịp thời rất có thể trận đánh hôm đó sẽ có thương vong…

Những thước phim, bức ảnh tôi chụp trong các lần theo các trinh sát ma túy đánh án đã được đăng tải trên nhiều tờ báo, đặc biệt là Báo CAND, được dẫn trong hình hiệu một chuyên mục của Truyền hình ANTV, là những tư liệu quí sau này còn được in trong nhiều cuốn sách và trưng bày trong Nhà truyền thống của Công an tỉnh Điện Biên và Lai Châu.... 

Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng tôi thấy vinh dự, tự hào vì đã ghi lại được những khoảnh khắc có một không hai của những chiến sĩ Công an quả cảm nơi vùng đất nóng cực Tây Bắc Tổ quốc.

Câu chuyện xúc động về chiếc đĩa VCD của một người Anh hùng

Năm 2001, khi còn công tác ở Công an tỉnh Điện Biên, tôi cùng lứa với Trung úy Phạm Văn Cường, trinh sát Phòng PC47. Cường kém tôi một tuổi, tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát, anh xung phong lên nhận công tác ở vùng đất nóng ma túy này. Cường ở tập thể - căn phòng nhỏ gồm 4 người ở ngay sát lối ra vào cổng phụ của Công an tỉnh. 

Lễ truy điệu Trung úy Phạm Văn Cường.

Tôi vẫn nhớ, chiều muộn hôm đó, hết giờ làm việc tôi dắt xe máy ra cổng để về thì trời đổ mưa rào nên tôi rẽ vào phòng Cường trú mưa. Hai anh em ngồi nói chuyện về công việc, về bạn gái, về một bộ phim đang chiếu trên truyền hình. Cường vào trong lục lọi một lúc rồi mang ra cho tôi mượn 5 đĩa phim VCD "Cảnh sát hình sự" (của hãng TVB Hồng Kông). "Anh xem đi, phim tình yêu của cô gái với lính cảnh sát hình sự. Hay và sao giống "quân" mình đến lạ!" - Cường nói. 

Đêm hôm đó, Phạm Văn Cường và đồng đội tham gia vào chuyên án ma túy và anh đã anh dũng hy sinh. Sau này, tôi cầm mấy đĩa phim lên "trả" cho anh. Thắp nén nhang lên chiếc mộ gió trên đỉnh đèo heo hút gió núi và mây ngàn, tôi thầm nhủ rằng, đồng đội của anh vẫn đang tiếp tục bước tiếp và lập nhiều chiến công mới. Anh nằm lại nơi biên thùy nhưng không cô đơn trong lòng đất mẹ...

Vũ Mạnh Hà
.
.