Kỷ niệm 60 năm lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng:

Giữ vững an ninh kinh tế, phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:34
Cách đây 60 năm, trước nhiệm vụ bảo vệ tài sản Nhà nước và yêu cầu công tác của lực lượng Công an nhân dân, ngày 10-8-1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức ngành Cảnh sát nhân dân, trong đó ghi rõ: “Cảnh sát kinh tế phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ”.

Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát kinh tế (tiền thân là các lực lượng Bảo vệ kinh tế), và ngày 10-8 đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát kinh tế (nay là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng). 

Có thể khẳng định chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng luôn gắn liền với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ tài sản của Nhà nước, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tăng cường phối hợp với các ngành kinh tế tổ chức cuộc vận động "thực hiện kế hoạch nhà nước và bảo vệ tài sản của Nhà nước".

Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công an các tỉnh, thành phố phối hợp với các ngành tiến hành công tác thuần khiết nội bộ, lựa chọn những người tốt giữ chức vụ quan trọng trong quản lý kinh tế, quản lý tài sản Nhà nước.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tập trung phát hiện nhiều vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “Tập đoàn Hóc Môn”; vụ Nguyễn Huy Cờ và đồng bọn tham ô ở Nhà máy in Tiến Bộ đã góp phần vào công cuộc xây dựng kiến thiết miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới của cách mạng nước ta, đó là: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tham gia thanh lý các kho hàng thế chấp của ngân hàng cũ ở các tỉnh phía Nam mà trọng điểm là TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời lực lượng bảo vệ kinh tế tiếp tục phát hiện, điều tra nhiều vụ án lớn góp phần ngăn chặn hoạt động đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường, tham ô tài sản Nhà nước, như vụ tham ô gạo của Tạ Tấn Sơn, cán bộ vật tư tỉnh Phú Yên; vụ tham ô tại Công ty Hóa chất vật liệu điện TP Hồ Chí Minh… góp phần tích cực bảo vệ kinh tế và an ninh trật tự.

Thực hiện Nghị định số 250/CP, ngày 20-12-1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra quyết định số 82/QĐ-BNV “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát kinh tế”. Như vậy, từ đây lực lượng Cảnh sát kinh tế chính thức có tổ chức, bộ máy thống nhất từ Bộ đến Công an các địa phương.   

Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng với tinh thần đổi mới toàn diện, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế, xoá cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN…

Bên cạnh những thành quả tích cực, quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót. Hoạt động của các loại tội phạm kinh tế thời kỳ này diễn ra rất phức tạp.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế trong cả nước đã tích cực phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn như vụ cố ý làm trái và tham ô tài sản XHCN ở Công ty Cao su Tân Biên; vụ tham ô ở Nhà máy đường Vạn Điểm, Hà Tây; vụ tham ô, cố ý làm trái tại Chi cục III, Cục Dự trữ Quốc gia, vụ Trạm Kiểm soát liên hợp Đồng Bành (Lạng Sơn), vụ Trạm cân Cà Đú (Ninh Thuận), vụ Phà Quán Hầu (Quảng Bình), vụ mua bán 4.000 tấn thép thu lợi bất chính ở công trình đường dây 500KV… góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Năm 2005, đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của lực lượng Cảnh sát kinh tế khi triển khai thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Từ đây lực lượng Cảnh sát kinh tế  là một đơn vị trong cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Trong giai đoạn này, Cục Cảnh sát kinh tế đã liên tiếp phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn như vụ tham ô tại Công ty Xăng dầu Hàng không; vụ tham ô, cố ý làm trái… gây thiệt hại 12 tỷ đồng tại Bưu điện Nghệ An và Hà Tây; vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo, cố ý làm trái xảy ra tại 14 bưu điện trong cả nước gây thiệt hại 36 tỷ đồng; vụ cố ý làm trái, buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại 185 tỷ đồng.

Trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, chỉ tính từ năm 1981 đến nay, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế đã bắt giữ, xử lý 631.458 vụ, thu giữ hàng hóa trị giá nhiều ngàn tỷ đồng, góp phần quan trọng tạo điều kiện bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong nước, bảo hộ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước phát triển.

Trong đó, Cục Cảnh sát kinh tế đã triệt phá, xử lý nhiều tổ chức, đường dây buôn lậu lớn như các vụ buôn lậu tại Hang Dơi, Lạng Sơn; vụ buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn, đưa và nhận hối lộ ở Công ty TNHH Thành Phát, Tiền Giang; vụ buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới của Công ty TNHH Đông Nam TP Hồ Chí Minh; vụ Thắng “cành” ở Quảng Ninh và mới đây nhất là vụ buôn lậu 7.500 tấn xăng trị giá trên 200 tỷ đồng của Công ty Dương Đông Hòa Phú …

Từ năm 2008 đến nay, kinh tế thế giới khủng hoảng sâu rộng, tác động tiêu cực đến nước ta. Trong nước, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, lạm phát tăng cao. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/CP nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động kịp thời tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát đề xuất lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các kế hoạch, biện pháp công tác để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/CP.

Trong đợt cao điểm ra quân, Cục Cảnh sát kinh tế phá 2 chuyên án, bắt giữ 8 đối tượng mua bán ngoại tệ trái phép, thu giữ 890.000 USD và gần 20 tỷ đồng, đã có tác dụng răn đe các đối tượng kinh doanh ngoại tệ trái phép. Do đó hoạt động đầu cơ, mua bán ngoại tệ trái phép đã giảm hẳn.

Cùng với việc phát hiện điều tra xử lý nhiều vụ án trong lĩnh vực ngân hàng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng của 43 tổ chức, doanh nghiệp; vụ Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tại Ngân hàng ACB cố ý làm trái, lừa đảo, trốn thuế gây thiệt hại 1.600 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh, Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng;

vụ Hà Văn Thắm, Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); vụ Tạ Bá Long và Đoàn Văn An, Ngân hàng GP Bank;

vụ Phạm Bích Lương, Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội… đã góp phần lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thành công.

Để kiện toàn tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, đặc biệt là tội phạm tham nhũng trong tình hình mới, ngày 7-4-2015, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1736/QĐ-BCA hợp nhất Cục Cảnh sát kinh tế và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng thành Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (phiên hiệu là C46).

Với nhiệm vụ được giao là đầu mối thường trực của Bộ Công an thực hiện quy chế và là đầu mối tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính TW, Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, C46 trực tiếp thụ lý 16 vụ án/19 vụ án (chiếm 84,2%) và 2 vụ việc/2 vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo trong toàn quốc.

Đã kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, và xét xử sơ thẩm 8 vụ án, đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng luôn khẳng định vị trí đầu tàu của lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc.

Đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát kinh tế trong toàn quốc chủ động nắm chắc tình hình, bám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều giải pháp chiến lược về phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng; thông qua các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện, điều tra xử lý nhiều chuyên án, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, thu hồi cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, rút ra nhiều sơ hở thiếu sót về quản lý kinh tế để kiến nghị các bộ, ngành bịt kín, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. 

Với những thành tích đạt được trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận đánh giá cao, ngày càng khẳng định thương hiệu “Cảnh sát kinh tế Việt Nam” đối với với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong tình cảm của nhân dân.

Đã có 5 tập thể của lực lượng Cảnh sát kinh tế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là Phòng 2/C46; Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả thuộc Phòng PC46 Công an TP Hà Nội, Phòng PC46 Công an TP Cần Thơ, Phòng PC46 Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ.

Nhiều tập thể, cá nhân lực lượng Cảnh sát kinh tế  được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tặng hàng ngàn Huân chương Chiến công; hàng vạn bằng khen các cấp; nhiều đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, toàn ngành, chiến sĩ thi đua cơ sở.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng
.
.