Gần 1.000 người được cấp căn cước công dân lưu động

Thứ Hai, 12/08/2019, 07:39
Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 12 chuyến đi đến các xã, huyện, thành phố trong tỉnh, cấp gần 1000 căn cước cho người dân. 

Hiện đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xây dựng kế hoạch để triển khai mô hình cấp căn cước công dân lưu động đến nhiều địa phương trong tỉnh, mở rộng đối tượng được cấp căn cước công dân lưu động để phục vụ nhân dân.

Ông Phan Công Định, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long năm nay đã ngoài 80 tuổi, là thương binh hạng 4/4 với mảnh đạn còn găm trên đầu khiến ông lúc nhớ lúc quên. Đã nhiều năm nay ông không thể tự đi lại được, chẳng bao giờ ông nghĩ có một ngày mình lại được cấp căn cước công dân tại nhà mà đơn giản đến thế. 

Ông chia sẻ: “Đôi chân tôi đã liệt bao năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân cũng đều nhờ gia đình giúp đỡ, nay được các đồng chí Công an đến tận nhà giúp đỡ, tôi không biết nói gì hơn, thực sự thấy cảm kích”. 

Đại úy Nguyễn Bỉnh Luân, Đội trưởng Đội Hộ khẩu - CCCD, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: “Mỗi chuyến đi công tác cấp CCCD lưu động chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ sẽ khó khăn, vất vả hơn nhiều khi làm thủ tục cấp CCCD cho những trường hợp bình thường tại đơn vị. Bởi người dân khó khăn họ mới cần đến mình như vậy. Có những trường hợp bị liệt cả người, tổ công tác phải 4,5 cán bộ mới có thể đỡ được họ dậy chụp ảnh, có trường hợp không thể chụp được ảnh chúng tôi phải tìm lại ảnh cũ và sử dụng kỹ thuật để thực hiện các bước cấp CCCD tiếp theo”.

Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực cấp căn cước công dân lưu động, được đông đảo quần chúng nhân dân khen ngợi, ủng hộ và đánh giá cao. 

Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức 12 chuyến đi đến các xã, huyện, thành phố trong tỉnh, cấp gần 1000 căn cước cho người dân, điển hình là chuyến công tác cấp CCCD lưu động cho hơn 300 trường hợp công nhân khai thác hầm lò - những người phải thường xuyên lao động trong điều kiện khó khăn, vất vả và ít có thời gian đi lại để làm thủ tục hành chính; 44 trường hợp người khuyết tật, sức khỏe yếu tại Bệnh viện bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh.

Đến Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh, tất cả các phòng ở đều được đặt rào chắn xung quanh, 44 khuôn mặt với nhiều sắc thái khác nhau, tất cả đều mang một căn bệnh “tâm thần”, không có người thân, gia đình, không nhớ mình là ai. 

Để giúp các bệnh nhân đang điều trị tại đây tìm được nhân thân, lai lịch, đồng thời phục vụ yêu cầu công tác về quản lý con người của lực lượng Công an, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với bệnh viện tổ chức thu thập đặc điểm nhân dạng các bệnh nhân, rà soát, truy tìm thông tin, cấp CCCD cho các trường hợp đạt yêu cầu.

Do đều là các bệnh nhân mất khả năng nhận thức nên công tác thu nhận vân tay, chụp ảnh gặp rất nhiều khó khăn. 

Thiếu tá Đỗ Thị Kim Cúc, Đội phó Đội Hộ khẩu - Căn cước công dân, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ: “Xác định đây là những công dân đặc biệt nên chúng tôi phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với việc tác động tâm lý nhằm tạo không khí vui vẻ, gần gũi thân thiện để các bệnh nhân hợp tác, không bị hoảng sợ…”. 

Các trường hợp bệnh nhân chưa xác định được thân nhân, lai lịch, đơn vị tiến hành thu thập thông tin, đặc điểm nhân dạng thông qua chụp ảnh chân dung, lấy vân tay của người bệnh, sau đó gửi hồ sơ đến các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh để xác minh, truy tìm lai lịch, gia đình người bệnh. 

Khi có kết quả về nhân thân, lai lịch người bệnh, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với các cơ quan liên quan làm thủ tục cấp giấy tờ tùy thân cho những bệnh nhân trên phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và tìm thân nhân cũng như phục vụ yêu cầu quản lý con người.

Từ khi triển khai mô hình cấp CCCD lưu động đến nay đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo người dân, bước đầu mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng hiệu suất công việc của cán bộ, chiến sỹ và rút ngắn thời gian, công sức đi lại cho người dân. 

Thông qua mô hình tạo được sự gần gũi, gắn bó giữa lực lượng Công an và nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an Quảng Ninh “tận tụy, vì nhân dân phục vụ”.

Phước Lâm
.
.