Duyên phận và đôi điều tâm đắc với lực lượng An ninh

Thứ Sáu, 08/07/2016, 09:28
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân, Báo CAND nhận được bài viết của Thiếu tướng Lê Tiền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, người có 50 năm công tác trong lực lượng An ninh, tham gia cách mạng từ những ngày đầu lập nước, giúp việc cho trinh sát Ban Chuyên án vụ Ôn Như Hầu - vụ án nổi tiếng và đã trở thành Ngày truyền thống lực lượng An ninh ngày nay.


Bài viết của Thiếu tướng Lê Tiền không chỉ ôn lại truyền thống, ký ức hào hùng mà bằng sự chiêm nghiệm sâu sắc thực tiễn công tác, chiến đấu, đúc rút những bài học kinh nghiệm, những suy nghĩ, căn dặn tâm huyết của cán bộ An ninh lão thành với thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngày nay.

Ngay những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 – 1945, mới 14 tuổi, tôi luôn mong đủ tuổi để đi bộ đội, nhất là những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, nhiều đoàn quân rầm rập Nam tiến càng làm tôi náo nức chờ đợi.

Nhưng rồi duyên phận rất ngẫu hứng trong năm 1946, đồng chí Tín là trinh sát của Thành ủy Hà Nội (lúc này ta có lực lượng trinh sát Thành ủy bí mật và công khai thì có trinh sát của Ty Liêm phóng, sau sáp nhập vào Công an Hà Nội), cơ quan đồng chí Tín đóng ở ngõ Yên Thái, Hà Nội, gần nhà tôi.

Đồng chí đã vận động tôi theo dõi một đối tượng ở cùng số nhà với tôi, quá trình giúp việc cho trinh sát thành làm tôi có hứng thú say mê với công việc được giao, nhất là khi Công an Hà Nội phá vụ án Ôn Như Hầu (vụ án nổi tiếng và đã trở thành Ngày truyền thống lực lượng An ninh ngày nay). Tôi đã chứng kiến tại chỗ chiến công to lớn (có ý nghĩa chính trị trong giai đoạn lịch sử) càng củng cố niềm đam mê làm nghề trinh sát.

Thiếu tướng Lê Tiền (thứ 3 bên trái sang) và đồng đội thăm lại chiến trường xưa.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ tại Thủ đô, tôi làm liên lạc cho mặt trận liên khu 1 Hà Nội, đến khi rút ra Đông Anh, tôi hoạt động trong lực lượng Quân báo cũng dưới dạng trinh sát theo dõi tình hình địch ở cầu Đuống và ven sông Hồng.

Tháng 10 năm 1947, Ban Quân báo sáp nhập vào Công an, tôi được bố trí làm việc ở lực lượng Công an Phúc Yên, liên tục làm trinh sát của Ban chính trị (tiền thân của Bảo vệ chính trị và An ninh sau này).

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi đã làm Tổ trưởng tình báo theo dõi khu quân sự Bắc sông Hồng của Pháp ở thị xã Phúc Yên, có lúc làm Phó Công an huyện rồi Trưởng Công an huyện Đông Anh cũng chủ yếu là lực lượng An ninh. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi tiếp tục làm trinh sát Ban bảo vệ chính trị và sau làm Phó trưởng ban Bảo vệ chính trị Ty Công an Vĩnh Phúc.

Đầu năm 1962, được chi viện vào miền Nam trực tiếp tham gia chống Mỹ, tôi được phân công về khu Tây Nam Bộ (khu 9), với cương vị Phó tiểu ban, sau là Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị khu 9, cùng các đồng chí An ninh tại chỗ, tổ chức huấn luyện và hình thành lực lượng bảo vệ chính trị cho các tỉnh và khu.

Tháng 5-1968, được điều động về An ninh Trung ương Cục miền Nam làm Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh Trung ương Cục, với lực lượng mới được Bộ Công an tăng viện và tuyển dụng cho các lực lượng chiến đấu tại các địa phương để xây dựng Tiểu ban Bảo vệ chính trị của An ninh Trung ương Cục thành hình hài rõ nét và đã liên kết các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước hình thành mặt trận an ninh rộng lớn bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục (đây là đơn vị có bí số C51, sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang).

Tháng 1 năm 1972 được tăng cường về để lập lại Ban An ninh khu Đông Nam Bộ (khu 7), tham gia Ban lãnh đạo An ninh khu trực tiếp kiêm Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị khu cho tới hết năm 1975. Năm 1976, trở về bộ làm Cục phó Cục Du lịch, thực chất làm biệt phái và tiến hành làm an ninh trong du lịch.

Năm 1980, theo yêu cầu lãnh đạo bộ, tôi được điều vào thành phố Hồ Chí Minh công tác trong mặt trận An ninh phía Nam. Trên mặt trận này, ta đã tiến hành nhiều chuyên án về an ninh mang tầm quốc gia như Kế hoạch CM12, Chuyên án HM29 và một số chuyên án khác. Năm 1987, được điều động ra Hà Nội làm Cục trưởng Nghiệp vụ, đồng thời làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh…

Đúng 50 năm tham gia hoạt động cách mạng, cũng chính là 50 năm gắn bó với hoạt động an ninh, từ bước đi ban đầu chập chững của người trinh sát non trẻ đã qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trải dài trên các địa bàn từ Bắc vào Nam và đã kết thúc 50 năm với cương vị một trong những người lãnh đạo an ninh quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam. 50 năm ấy đúng là biết bao nhiêu tình, biết bao gian khổ và vinh quang với lực lượng An ninh.

Nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh, được sống trọn vẹn với 70 năm lịch sử, tôi rất bồi hồi xúc động hồi ức lại những ngày qua và rút ra một vài điều (tôi không đề cập tới những vấn đề về nguyên tắc, quan điểm, về phương châm, chính sách của Đảng, những vấn đề đó đã có tài liệu và sách giáo khoa của ngành An ninh đề cập) mà chỉ là những điều tâm đắc từ những năm tháng hoạt động thực tế trong ngành.

Trước hết chiến sĩ An ninh phải có niềm say mê nghề nghiệp. Hoạt động an ninh là một nghề như một nghệ thuật “nghệ thuật đấu tranh an ninh”.

Mọi hoạt động của lực lượng An ninh từ tổ chức các kế hoạch, chỉ đạo chỉ huy và hoạt động của từng chiến đấu viên trong các kế hoạch phải luôn linh hoạt, biến hóa trước mọi tình huống, trước mọi mưu mô xảo trá của địch; hoạt động an ninh luôn biến động khi thực khi hư tạo ra nhiều mảng miếng sắc bén, điều khiển địch hoạt động theo ý đồ của ta, có vậy mới thắng được địch.

Do đó trong quá trình hoạt động, luôn gây được niềm hứng thú, đam mê chứ không đơn thuần là một loại công vụ thông thường. Người cán bộ An ninh ở mọi cấp độ phải có niềm say mê, sáng tạo tính toán từng mưu kế, không nản chí, không kể ngày đêm, không tính ngày lễ khi thực hành chức năng nhiệm vụ của mình.

Chúng ta đã từng chứng kiến và góp phần đầy nhiệt tình tham dự trong các kế hoạch như bóc gỡ loại gián điệp ẩn nấp do địch cài cắm lại ở miền Bắc, chống gián điệp biệt kích ở miền Bắc, phá mọi âm mưu kế hoạch của CIA ở miền Nam, đấu tranh làm thất bại âm mưu gây ra chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn “phản động quốc tế” trong những năm sau chiến tranh, các kế hoạch đó thật sự là cuộc tổng động viên từ bộ đến an ninh các địa phương, làm thất bại các âm mưu của địch, giành thắng lợi cho cách mạng.

Điểm nữa, đấu tranh an ninh mang tầm cao về trí tuệ. Đấu tranh của an ninh nhằm đưa các đối tượng trong bóng tối ra trước ánh sáng, làm rõ bộ mặt thật và làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của chúng là cả một cuộc đấu tranh bằng mưu lược thông minh, bằng cách dự đoán đúng mọi tình huống, bằng các hành động chính xác, bằng các xử lý khôn khéo, đòi hỏi có một nỗ lực về tầm cao trí tuệ của toàn lực lượng, vượt qua giới hạn của mình để đương đầu với đối thủ có trình độ hơn mình, thực chất đây là cuộc đấu tranh bằng trí thông minh giữa ta và các đối tượng.

Mặc dù giữa ta và đối thủ có sự chênh lệch về khoa học kỹ thuật nhưng mọi hoạt động của địch đều phải in dấu trong xã hội, trong nhân dân, nếu ta dựa được vào sức mạnh của quần chúng kết hợp với trí tuệ của toàn lực lượng, ta sẽ khắc phục được mọi yếu kém đủ sức đương đầu với địch. Lịch sử 70 năm đấu tranh của An ninh Việt Nam đã chứng minh chân lý đó.

Trung thực là bản chất của người an ninh và trong an ninh cần phát huy độc lập và dân chủ. Thứ nữa, phải xây dựng “tình cảm nghề nghiệp” trong lực lượng An ninh.

Trong thực tế, an ninh là một lực lượng rất cần một môi trường tình cảm an ninh, tạo ra tình thương đồng nghiệp, kẻ trước, người sau, chăm sóc cho nhau từng bước để cùng trưởng thành, tránh mọi sai sót, cùng nhau đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong tình hình căng thẳng đấu trí với đối tượng, càng cần sự đoàn kết nhất trí một lòng để thắng địch.

Chính vì vậy trong cuộc sống và chiến đấu của người an ninh, ứng xử với nhau phải có lòng chân thành, đoàn kết, với tình thương yêu thực sự, mọi quan hệ cần phải được tôn trọng.

Hoạt động an ninh luôn phải đổi mới và vươn cao.

Cuộc đấu tranh đó luôn đặt ra trước lực lượng An ninh những thách thức, đòi hỏi phải luôn đổi mới, sáng tạo, phải vươn lên thích ứng với từng loại đối tượng, từng thời kỳ và từng vùng miền cho phù hợp.

Các thế hệ an ninh trước đây trong hoàn cảnh không được học hành về nghiệp vụ, tay trắng bước vào sự nghiệp chỉ với lòng yêu nước quyết tâm vào cuộc, nỗ lực tự học, tự rèn, quyết tâm đi vào trong thực tiễn và rút kinh nghiệm, tổng kết, chọn lọc để tự nâng cao trình độ. Thế hệ An ninh không văn bằng, học vị nhưng đã buộc mình phải vượt lên đáp ứng cuộc đấu tranh, phải hoàn thành nhiệm vụ.

Thế hệ An ninh ngày nay có điều kiện được đào tạo cơ bản có học vấn, học hàm cao, đó là điều cần thiết của ngành trong hiện tại. Nhưng đó vẫn chỉ là kiến thức được trang bị ban đầu.

Bước vào cuộc đấu tranh thực tế, nhất là đấu tranh với các đối tượng rất hiện đại trong thời đại khoa học kỹ thuật cao của thế kỷ 21 đòi hỏi với trình độ được đào tạo tốt vẫn phải có cái tâm của người chiến sĩ An ninh cách mạng có truyền thống lịch sử 70 năm anh hùng, để luôn tự rèn luyện hơn nữa, để luôn đổi mới, vươn lên vượt qua được đối thủ hoàn thành nhiệm vụ.

Tự rèn luyện, đổi mới và tự nâng cao trình độ cũng là một truyền thống được định hình trong lực lượng An ninh cần được phát huy…

Thiếu tướng Lê Tiền – Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh
.
.