Đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, giảm tội phạm hình sự

Thứ Tư, 09/05/2018, 09:32
Theo Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II, đấu tranh phòng ngừa tội phạm hình sự (TPHS) không chỉ là nhiệm vụ của riêng Cảnh sát hình sự (CSHS) mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. 

Để hoàn thành nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, Công an các cấp cần tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Chính phủ và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm. 

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Tham mưu các cấp chính quyền địa phương có kế hoạch chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm hình sự một cách hiệu quả.

“Các băng, nhóm TPHS muốn hoạt động được thường lợi dụng những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp để lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Vì vậy, chính sách xã hội của địa phương cần tập trung giải quyết số lao động nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện thì ý thức tôn trọng pháp luật cũng được nâng lên, từ đó hạn chế được nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm” – Thiếu tướng Vũ Đức Khiển cho biết. 
Công an TP Bạc Liêu, tuyên truyền công tác phòng chống tội phạm cho những người hành nghề xe ôm.

Góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, Trung tá Nguyễn Thị Phương Khanh - Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an Bạc Liêu chia sẻ, việc tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng, như: Ban bảo vệ ANTT; Ban bảo vệ dân phố; Đội dân phòng; Tổ nhân dân tự quản về ANTT; Tổ hòa giải… là một giải pháp tốt. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp giải quyết các vụ việc mới nảy sinh ngay tại cơ sở.

Ngoài ra, theo các chuyên gia về tội phạm học, lực lượng CSHS cần phối hợp chặt chẽ với Công an cơ sở (Công an xã, phường, thị trấn), chính quyền cơ sở thông qua các hình thức hội họp, sinh hoạt cộng đồng… để phổ biến phương thức, thủ đoạn gây án của TPHS, nhất là những thủ đoạn gây án mới để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng; hạn chế đến mức tối đa những điều kiện mà tội phạm thường lợi dụng để gây án. 

Cách làm đó còn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức, trách nhiệm trong phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở. Về phía cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm.

Hướng dẫn cho quần chúng tự giác phát hiện và cung cấp kịp thời thông tin về hoạt động của tội phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.  Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ thực tiễn công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, cả hệ thống chính trị cần tập trung giải quyết tốt vấn đề chính sách xã hội; tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, người hoàn lương; không để các băng nhóm TPHS lợi dụng xúi giục, lôi kéo họ vào con đường phạm tội… 

Làm tốt công tác phòng ngừa chính là làm mất đi cơ sở tồn tại của tội phạm hình sự.

Đức Văn
.
.