Công an tỉnh Quảng Ninh đằm mình trong mưa lũ giúp dân

Thứ Ba, 28/07/2015, 09:29
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Ninh, đêm 26/7, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài gây sạt lở, nhiều khu dân cư của các phường trên địa bàn TP Cẩm Phả bị ngập lụt.

Dự báo thời tiết hiện trên Vịnh Hạ Long có thể có mưa dông, lốc, để đảm bảo an toàn, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh dừng cấp phép xuất bến đối với hơn 470 tàu khách tham quan Vịnh Hạ Long và các tàu đi tuyến đảo Cô Tô, Quan Lạn. Đồng thời, kêu gọi các phương tiện về nơi tránh trú an toàn. Khi thời tiết thuận lợi, đơn vị sẽ cấp phép hoạt động trở lại.

Cảnh sát giao thông Quảng Ninh giúp người dân vận chuyển xe máy ra khỏi vùng ngập lụt.

Trong trận mưa lớn, TP Hạ Long có hơn 1.000 hộ dân bị ngập úng, nhiều khu vực bị sạt lở đất. Tại các tuyến đường và một số khu vực trên địa bàn xảy ra ngập úng cục bộ và sạt lở đất. Tại phường Việt Hưng có trên 200 hộ dân bị ngập úng. Mưa lớn gây sạt lở, đổ 1 gian nhà cấp 4 tại tổ 4, khu 1, phường Hồng Gai. Do khu vực này không có kè chắn đất, UBND phường Hồng Gai tổ chức di dời 7 hộ dân xung quanh để đảm bảo an toàn.

Tại phường Bạch Đằng: 1 hộ dân tại tổ 44, khu 3 bị sạt lở sân, có nguy cơ ảnh hưởng tới các hộ dân phía dưới. Hiện UBND phường chỉ đạo phủ bạt, phân thủy dòng chảy để tránh sạt lở tiếp. Ngoài ra, mưa lớn gây ngập úng hàng trăm hộ dân tại các phường Bãi Cháy, Yết Kiêu, Hà Phong, Cao Xanh. UBND TP Hạ Long chỉ đạo các phường triển khai công tác di dân đảm bảo an toàn.

Huyện Hoành Bồ có mưa to, xuất hiện lũ tại một số nơi. Huyện Vân Đồn: Mưa lớn làm hồ Nhà Thạch, xã Đoàn Kết dung tích khoảng 15.000m3 có nguy cơ vỡ, địa phương chỉ đạo phá vai tràn tăng khả năng tháo nước. Hiện nay đã kiểm soát được tình hình; sơ tán 8 hộ dân (25 người) thuộc xã Bản Sen đến nơi an toàn; sạt lở 2 đoạn đường (200m) chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen; tuyến kè đường thôn Nà Na bị lũ cuốn trôi khoảng 500m; thị trấn Cái Rồng sơ tán 6 hộ dân về nơi an toàn; xã Minh Châu sạt 50m (khoảng 100m3) mái ta luy đường; xã Đông Xá, ta luy mái tại khu vực đầu cầu Vân Đồn 3 bị sạt khoảng 400m (khoảng 2.000m3) làm tắc nghẽn giao thông. Theo UBND huyện Cô Tô, trên đảo có khoảng 2.500 du khách bị mắc kẹt do không có tàu về đất liền vì biển động.

 
Cảnh sát giao thông hỗ trợ người dân trong mưa.

Vùng biển Cô Tô có sóng to. Để đảm bảo an toàn, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh không cấp lệnh xuất bến nên 2.500 du khách đang tạm thời phải ở lại trên đảo. Hiện tại, 2.500 du khách được đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt bình thường. Khi thời tiết thuận lợi Cảng vụ đường thủy nội địa cấp phép trở lại, tàu du lịch đưa du khách trở lại đất liền.

Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn Quảng Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP Cẩm Phả là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, khoảng 20h ngày 26/7, tại khu vực tổ 3, khu 9, phường Mông Dương mưa lớn tạo thành lũ tràn vào nhà khiến 3 mẹ con trong một gia đình thiệt mạng. Nạn nhân được xác định là: Chị Mai Thị Lan (27 tuổi) và các con Đỗ Ngọc Hà (7 tuổi); Đỗ Thùy Chi (4 tuổi). Trước mắt, UBND TP Cẩm Phả hỗ trợ gia đình người bị nạn 18 triệu đồng để tạm thời khắc phục hậu quả.

Tại phường Cẩm Trung, mưa lớn làm một người bị thương. Tại khu 9, phường Mông Dương, lũ làm trôi 1 xe bán tải. Tại phường Cẩm Thành, mưa lũ khiến 4 hộ dân phải sơ tán, khu vực đầu nguồn Khe Cát bị sạt lở làm đổ một cột điện hạ thế. Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Cọc 7) bị đổ một phần tường rào. Tại khu Trung Sơn 1 và Trung Sơn 2, phường Cẩm Sơn, 40 hộ dân bị nước ngập vào nhà khoảng 1,2-2m.

Tại phường Cẩm Tây, mưa lớn gây ngập tại khu Lê Lợi, khu Dốc Thông làm sập 1 gian nhà dân. Trận mưa lớn khiến nhiều khu vực đất đá sạt lở ra đường và gây ngập lụt cục bộ một số đoạn QL 18A, khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ.

Ngay trong đêm 26/7, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất tại TP Cẩm Phả. Các lực lượng chức năng của TP Cẩm Phả có mặt tại những khu vực thiệt hại nặng nhất để hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc. Đồng thời tiến hành phân luồng giao thông trên QL18, huy động xe, máy khắc phục ngay một số điểm sạt lở gây ách tắc giao thông.

Sáng 27/7, các đồng chí lãnh đạo thành phố và lực lượng chức năng tiến hành rà soát, di dời các hộ dân tại khu vực trũng, thấp, nhà ở không kiên cố đến nơi an toàn và triển khai phương án phòng chống chủ động nếu tiếp tục có mưa lớn. Do ảnh hưởng mưa lũ nên khu vực thành phổ Cẩm Phả hiện vẫn bị mất điện lưới.

Đến 8h ngày 27/7, nước vẫn còn ngập sâu trên QL18 đoạn qua khu vực cổng trụ sở Đài hoá thân An Lạc Viên, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả khiến giao thông trên tuyến bị ùn tắc. Hiện tượng ngập lụt bắt đầu từ chiều 26/7, nhưng đến tối thì ngập sâu, các xe không thể qua được. Chỗ ngập sâu nhất lên đến gần 1m. Nhiều xe ôtô đi qua khu vực này bị chết máy.

Trước tình hình mưa lớn gây ngập lụt gây ùn tắc giao thông tại một số địa phương, Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh trực tiếp có mặt tại khu vực Đèo Bụt thuộc địa bàn phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả - nơi bị ngập nước, chỉ đạo công tác điều tiết giao thông. Đơn vị tăng cường 40 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với 10 cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động và Công an các địa phương đảm bảo ATGT, hướng dẫn phân luồng các phương tiện đi vào đường tránh Hạ Long, hỗ trợ các phương tiện bị hư hỏng do ngập nước. Lực lượng chức năng huy động 1 máy bơm công suất lớn và 2 xe chữa cháy của Cảnh sát PCCC Quảng Ninh làm nhiệm vụ hút nước, thoát nước. Đến 16h ngày 27/7, tại khu vực TP Cẩm Phả, nước đã rút dần, các phương tiện và người dân có thể lưu thông được.

Trước tình trạng mưa lớn kéo dài trên toàn tỉnh gây ngập lụt nhiều khu vực, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố do mưa lũ gây lũ quét, sạt lở đất đá. Các địa phương, các đơn vị bố trí lực lượng, dựng biển báo, rào chắn cấm người dân đi qua các đập tràn, sông, suối, những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá cao, không được vớt than trôi ở các suối; cấm tàu thuyền ra khơi. Đồng thời, kiểm tra rà soát các điểm bị úng ngập thực hiện các phương án tiêu thoát nước, sẵn sàng hỗ trợ di dời các hộ dân ở khu vực quá trũng, tuyệt đối đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.

 Đặc biệt đối với các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí triển khai các phương án tiêu thoát nước trong khu vực nội thị, bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường. Các địa phương Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất do lũ quét, sẵn sàng di dời dân.

Mưa lũ ở Quảng Ninh lớn nhất trong vòng 40 năm qua

Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, mưa to và rất to những ngày qua ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ đã gây lũ quét, ngập lụt tại nhiều nơi như Quảng Ninh, Sơn La.  Theo đó, tại tỉnh Quảng Ninh, mưa lũ bất ngờ đổ về đêm 26/7 đã làm 3 mẹ con trong một gia đình thiệt mạng.

Đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có nơi lượng mưa cao tới gần 600 mm, đồng thời mưa to gặp lúc triều cường nên mức độ ảnh hưởng rất lớn. Mưa lớn kéo dài 2 ngày khiến hầu hết các địa bàn như TP Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hoành Bồ đều xảy ra úng lụt cục bộ (có nơi lên cao đến 2m). Nhiều vùng trên địa bàn Cẩm Phả và Vân Đồn bị cô lập, việc tiếp cận để ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn. TP Cẩm Phả là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Mưa lũ gây ngập lụt tại các phường Cẩm Bình, Cẩm Phú, Mông Dương, Cẩm Sơn, Cẩm Thủy và xã Dương Huy... TP Cẩm Phả phải di dời 15 hộ dân trên địa bàn. Nhiều tuyến giao thông của tỉnh Quảng Ninh bị hư hại nặng như QL18 bị ngập và sạt lở nhiều đoạn, chiều 27/7 mặc dù mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã dứt nhưng một số điểm ngập lụt nặng vẫn chưa rút hết nước.

C.L.

Đăng Hùng
.
.