Chuyện về huyết tâm thư của chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy

Thứ Bảy, 02/05/2020, 07:38
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, lòng yêu nước của người dân Việt Nam chính là ngọn “lửa” thiêng liêng góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Gần nửa thế kỷ trôi qua, những lá đơn xin tình nguyện vào Nam chiến đấu là bằng chứng sinh động về lòng yêu nước của nhân dân ta.

Vào thời điểm Mỹ gia tăng ném bom đánh phá miền Bắc năm 1972, chàng thanh niên Phạm Điện Biên khi ấy đang là chiến sĩ của Đội chữa cháy Phan Chu Trinh – một trong 6 đội chữa cháy thuộc Sở Công an TP Hà Nội lúc bấy giờ. Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, lòng quả cảm, trách nhiệm, không ngại khó khăn, không sợ hi sinh, chiến sĩ Phạm Điện Biên quyết tâm đến những nơi gian khổ nhất, cống hiến sức trẻ, góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Để thể hiện quyết tâm, ông viết “huyết tâm thư” với tiêu đề “Đơn tình nguyện đi chiến đấu” gửi Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC, Sở Công an TP Hà Nội, tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông hiểu rõ: “Là một chiến sĩ Cảnh sát nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, tôi không thể ngồi yên nhìn bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây tội ác với đồng bào”.

“Huyết tâm thư” viết năm 1972 của Đại tá Phạm Điện Biên hiện được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng CAND.

Đồng thời khẳng định: “Không có hạnh phúc nào bằng là được đứng trên trận tuyến đánh quân thù, không có vinh dự nào bằng là được đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc… đây là nguyện vọng tha thiết nhất và khẩn cấp nhất của tôi”. 

Nguyện vọng “tha thiết nhất”, “khẩn cấp nhất” của ông đã được cấp trên chấp thuận. Nhưng, thời điểm đó, đế quốc Mỹ đang tăng cường đánh phá miền Bắc. Một thực tế đặt ra đó là, ngoài việc chi viện sức người cho chiến trường miền Nam, việc đảm bảo an toàn cho hậu phương lớn cũng vô cùng quan trọng. Do vậy, ông được lệnh ở lại Hà Nội, tham gia vào “Trung đội Thanh niên kiên cường thắng Mỹ” - tập hợp của những thành viên ưu tú, có nhiệt huyết, sức khỏe, khả năng và trách nhiệm để đào tạo bài bản, nâng cao hơn, sẵn sàng tham gia chiến đấu tại những nơi gian khổ, nguy hiểm và khốc liệt nhất, để phục vụ chiến trường miền Nam.

Năm 1972, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tổ chức sẵn sàng chiến đấu về lực lượng và phương tiện; bố trí thường trực cao nhất để tiếp nhận, xử lý thông tin, kịp thời có mặt tại hiện trường, bất chấp bom rơi, dập tắt các đám cháy, cứu thương, cứu sập, bảo vệ tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Khi máy bay Mỹ tập trung đánh phá các trận địa tên lửa phòng không, kho xăng dầu, cảng, khu dân cư, nhà máy điện..., lực lượng Cảnh sát PCCC đã không quản hy sinh, kiên cường bám trụ, ngày đêm chữa cháy.

Đến giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, trò chuyện với chúng tôi, nhớ về những năm tháng ấy, ánh mắt Đại tá Phạm Điện Biên lại bồi hồi, xúc động, không giấu nổi niềm tự hào và dòng cảm xúc đang trào dâng mãnh liệt. Ông kể, đó là những ngày Hà Nội chìm trong khói lửa, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ngày 16-4-1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đến đánh phá kho xăng dầu Đức Giang và kho kim khí hóa chất Đức Giang. Bom bi của địch đánh trúng kho xăng làm nhiều bể bị nổ tung, xăng phun ra thành vòi lửa hàng chục mét… Phương tiện chữa cháy khi đó thô sơ, hầu hết là dùng vòi nước áp lực cao để dập lửa, trong khi nguyên tắc chữa cháy xăng là phải dùng bọt.

Nhưng lúc đó máy trộn bọt lại bị hỏng, phải dùng tay pha bọt, chất thành đống. Sau đó, dùng vòi phun nước xối đống bọt vào đám cháy để dập lửa. Bên cạnh đó, trang bị cho lực lượng phòng cháy còn rất hạn chế, đặc biệt là không có mặt nạ phòng độc nên khi tiếp cận đám cháy xảy ra tại kho nguyên liệu của Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, các chiến sỹ chữa cháy đã rất vất vả. Nhiều cán bộ, chiến sĩ khi lao vào chữa cháy đã hít phải khí độc và ngất đi…

Kể về trận chiến đáng nhớ nhất trong cuộc đời, Đại tá Phạm Điện Biên nhớ về trận chữa cháy tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Cháy không lớn nhưng thiệt hại về người rất nặng, ông cùng đồng đội không cầm nổi nước mắt khi lần lượt đưa từng thi thể nạn nhân ra khỏi đám cháy.

“Đến tận bây giờ, mỗi lần đi qua khu vực Khâm Thiên, nhìn thấy tấm Bia căm thù được dựng ở đó, hình ảnh về những thương vong trong đám cháy vẫn ám ảnh tôi ”, ông rưng rưng nhớ lại. Có lẽ, đó cũng là động lực thôi thúc ông khi đó một mình dũng cảm nhảy lên đoàn tàu, giật chốt, cắt đứt toa tàu đang cháy tại Ga Gia Lâm vào năm 1972. Thời điểm ấy, sau khi nhận được tin báo có một đoàn tàu chở hàng quân sự cho chiến trường miền Nam bị cháy, ông cùng đồng đội gấp rút lên đường làm nhiệm vụ. Báo động địch ném bom vang rền, nhân dân xuống hầm trú ẩn, còn anh em chữa cháy cứ tiếp tục làm nhiệm vụ.

Ông kể: “Tiểu đội của chúng tôi hôm đó có 4 người. Xe chữa cháy đỗ bên này sông, ông cùng đồng đội rải vòi qua cầu và vượt sông chữa cháy. Trước một đám cháy vô cùng nguy hiểm, trên đường ray chênh vênh, ông cùng đồng đội tay cầm vòi phun xông thẳng vào đám cháy, xối nước tập trung vào khu vực trọng điểm. Xác định lửa đã quá lớn, việc dập tắt đám cháy trước khi lửa bén sang các toa tàu khác là không khả thi, ông đã nhảy lên giật chốt, cắt đứt toa tàu đang cháy với các toa khác, chống cháy lan thành công.

“Phương án đó, chúng tôi cũng chưa được đào tạo qua một giáo án từ một trường học nào, mà chỉ là phản ứng nhanh nhạy tức thì, trước một tình huống hết sức hiểm nguy, với mục đích duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ và giữa an toàn cho tàu”, ông kể lại. Với tinh thần chiến đấu quên mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng Thủ đô yêu dấu…

Có lẽ, trong ký ức của người chiến sĩ Cảnh sát chống giặc lửa không thể nhớ hết những chiến công mà ông đã cùng đồng đội bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Bởi công việc chữa cháy lúc đó “như cơm bữa”, thấy báo động là lên đường làm nhiệm vụ.

“Cuối năm 1972, địch càng điên cuồng bắn phá miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, do vậy, toàn đơn vị luôn đặt trong tình trạng báo động đỏ, ăn ở tập trung. Thậm chí, có nhiều ngày, trong lúc ăn, ngủ, chúng tôi vẫn vận nguyên trang phục chữa cháy, chân không rời khỏi ủng, để khi có báo động là lập tức lên đường làm nhiệm vụ, bởi tình thế của cuộc kháng chiến lúc đó hết sức cam go”, Đại tá Phạm Điện Biên bồi hồi nhớ lại.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, ông được điều về công tác tại Phân hiệu Cảnh sát PCCC nay là Trường Đại học PCCC. Những ngày công tác tại trường Đại học PCCC, dù ở lĩnh vực nào, ông vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người chiến sỹ CAND tận tụy với nghề. Ở tuổi 66, nay đã nghỉ hưu, Đại tá Phạm Điện Biên có hơn 40 năm phục vụ trong lực lượng lượng CAND. Với những thành tích, cống hiến của mình, ông đã vinh dự được nhận gần 40 huân, huy chương, bằng khen các loại.

Khi được hỏi đến bây giờ ông có tiếc nuối khi không được vào Nam theo nguyện vọng hay không? Ông cười: “Lúc đó nhìn các bạn được “toại nguyện” tôi ấm ức lắm, bởi tôi nghĩ mình sẽ là một trong những người đầu tiên được chọn. Sau đó, đồng chí Đinh Mười (Trưởng Đoàn vào miền Nam mà Đại tá Phạm Điện Biên xin tham gia - PV) vỗ vai tôi và nói: Vào chiến trường là nhiệm vụ trước mắt, còn ở lại tiếp tục học tập, bảo vệ hậu phương vững chắc là phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến.

Chấp nhận lệnh điều động của cấp trên, tôi ở lại Hà Nội tham gia chiến đấu trên trận tuyến chống giặc lửa. Tôi hiểu, yêu nước là cống hiến hết sức mình trong mọi nhiệm vụ, mọi hoàn cảnh, vì vậy tôi không tiếc nuối và cho rằng sự phân công của tổ chức là hoàn toàn đúng”.

Vũ Linh
.
.