Chuyện nghề của bác sỹ mặc sắc phục Công an

Thứ Bảy, 27/02/2016, 08:41
Không chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy là chăm sóc và điều trị các “bệnh nhân đặc biệt”… công việc thường ngày của những chiến sỹ, bác sỹ còn là tư vấn, giúp người bệnh yên tâm cải tạo; tìm ra các chứng cứ, góp phần đưa sự thật vụ án ra ánh sáng. Họ có thể là những y tá, bác sỹ đang làm việc tại các trại giam, là các bác sỹ pháp y đang ngày ngày cần mẫn với công việc…


Bài 1: Góp phần đưa sự thật vụ án ra ánh sáng

Tờ mờ sáng, gió từ sông Chẹm (thuộc địa bàn thôn Đình Giọng, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, Hải Dương) thổi vào buốt giá. Xen giữa tiếng gào khóc thảm thiết là những câu nói chẳng dễ nghe của gia đình nạn nhân, “người ta đã chết rồi thì còn cần gì khám nghiệm”, số khác thì bức xúc muốn nhanh chóng đưa xác người thân về nhà tổ chức tang lễ…

1. Chiều cuối năm, hơn 17h mà đã nhọ mặt người, công tác khám nghiệm tử thi đành phải hoãn lại. Trắng đêm hôm đó, giữa bờ đê lộng gió, trong cái rét tái tê, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hải Dương thay phiên nhau trông coi thi thể của nạn nhân xấu số được tìm thấy ở bờ sông Chẹm… 

Tờ mờ sáng hôm sau, khi công tác khám nghiệm tử thi chuẩn bị được tiến hành thì bắt đầu vang lên những tiếng khóc, sau đó là tiếng gào thét thảm thiết của những người thân trong gia đình nạn nhân Nguyễn Đăng Chính (SN 1983, ở thôn Đồng Xá Bắc, xã Đồng Gia, huyện Kim Thành). Một số người không giữ được bình tĩnh, bắt đầu có những lời nói khó nghe, ngăn cản việc khám nghiệm tử thi. Đã không ít lần, Thượng tá Ngô Đức Bốn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hải Dương và đồng đội phải đối mặt với những tình huống khó xử như vậy!

Thượng tá Nguyễn Đức Bốn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự tỉnh Hải Dương kham nghiệm một vụ án.

Cảm thông với nỗi đau của gia đình nạn nhân, anh từ tốn giải thích cho họ hiểu những vất vả của các cán bộ làm nhiệm vụ. Suốt đêm qua, họ phải cắt cử nhau trông xác nạn nhân, làm trọn việc nghĩa với người đã mất cùng gia đình họ… Sau khi giải thích, gia đình nạn nhân đã phải chấp hành nhưng trong lòng thì có vẻ không được thoải mái lắm. Họ chỉ “tâm phục, khẩu phục” khi kết quả khám nghiệm tử thi được công bố, xác định đây là vụ án mạng nghiêm trọng, nguyên nhân tử vong do bị điện giật. Tuy không nói bằng lời, song những biểu cảm trên gương mặt và hành động của họ đã thể hiện sự cảm ơn đối với những cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ. 

Đối với bác sỹ, Thượng tá Nguyễn Đức Bốn thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ, bởi sự thật vụ án đã có căn cứ được làm sáng tỏ. Kết quả khám nghiệm tử thi giúp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương xác định đối tượng gây án là Nguyễn Văn Thuận (SN 1986, ở thôn Đình Giọng) và vận động đối tượng này ra đầu thú sau đó vài ngày. 

Do thường xuyên bị mất trộm, khoảng 19h30 ngày 29-1, Thuận dùng một đoạn dây kim loại màu trắng mua trước đó khoảng một tháng, đấu điện vào rồi chăng quanh khu vực chuồng gà của của gia đình. Sau khi chăng dây, Thuận cắm vào ổ điện nhằm mục đích bẫy trộm vì trước đó nhà Thuận thường xuyên bị đột nhập, lấy trộm gà… Khi phát hiện xác chết của Chính, Thuận lo sợ vội vác xác nạn nhân ra phía ruộng gần bờ sông cách nhà Thuận khoảng vài trăm mét thì vứt xuống mép nước rồi về nhà…

2. “Có bao giờ mọi người dè dặt, khi biết anh làm công tác pháp y?”, tôi hỏi Thượng tá Bốn. “Cũng không ít người kỹ tính có ý e dè, họ ngại ngần khi ngồi cùng với tôi. Vào những ngày lễ, Tết nhiều người cũng không muốn mình đến nhà chơi…”, Thượng tá Bốn giãi bày. Cơ duyên đã đưa anh đến với nghề pháp y. Anh tâm sự: Ngày đó, đang học cấp ba tại một trường phổ thông ở huyện Thanh Miện (Hải Dương) thì trường Công an vào tuyển dụng. Trong khi đang làm hồ sơ thì một trường của Quân đội cũng lựa chọn các học sinh giỏi để tuyển quân nhưng anh lại theo nghề Công an.

Sau khi học Trung cấp An ninh, anh theo học y sỹ rồi về công tác tại trại giam ở một tỉnh miền Nam. Từ năm 1989 đến nay, anh chuyển về công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hải Dương. Khi bước chân vào nghề, anh đã phải đối mặt với không ít áp lực. Công việc của một bác sỹ pháp y là chạy theo sự vụ không kể ngày đêm… Chia sẻ với tôi, người chỉ huy ở đơn vị hơn 30 gắn bó với nghề bộc lộ những suy tư. Phòng Kỹ thuật hình sự có hơn 20 cán bộ, chiến sỹ nhưng đến thời điểm này chỉ có một mình anh làm công tác giám định pháp y. Hiện nay, đơn vị đã cử hai cán bộ trẻ đi học nhưng để tiếp cận được với công việc còn có thời gian dài…

Những con số thay lời muốn nói, phần nào thể hiện cường độ công việc mà Thượng tá Bốn và các cộng sự hàng ngày phải đối mặt. Chỉ tính riêng năm 2015, anh đã cùng đồng đội thực hiện hơn 264 ca giám định. Nếu chia đều cho 365 ngày trong một năm thì gần như ngày nào cũng phải thực hiện… 

“Hầu hết các vụ việc đều phải chờ đến khi có sự xuất hiện của lực lượng kỹ thuật hình sự và pháp y vì còn liên quan đến dấu vết hiện trường”, Thượng tá Bốn bộc bạch. 

Một kết luận sai lầm cũng có thể ảnh hưởng đến bản chất của vụ việc. Rồi anh kể cho chúng tôi vụ án xảy ra cách đây không lâu tại thị xã Chí Linh (Hải Dương). Vụ án xảy ra tại một căn nhà xây dựng dở trên địa bàn. Nhìn bề ngoài, nó giống như vụ tai nạn lao động đơn thuần… nạn nhân nằm sấp, ở phần bụng có một vết thương như bị rơi từ độ cao xuống. Nhưng qua công tác giám định pháp y, Thượng tá Bốn khi đó đã phát hiện đây là vụ án mạng. Từ nhận định này đã giúp cơ quan Công an nhanh chóng bắt giữ đối tượng gây án.

Pháp y là chuyên môn phục vụ cho công tác hình sự. Các kết luận giám định giúp cơ quan điều tra kịp thời giải quyết những câu hỏi được đặt ra. Vì thế, trước mỗi vụ việc, Thượng tá Bốn luôn phải đặt cho mình những câu hỏi, có dấu vết của hình sự hay không? Nếu có thì nguyên nhân vì đâu? Niềm vui của Thượng tá Bốn hòa chung với niềm vui của những người lính hình sự, khi sự thật được đưa ra ánh sáng, những kẻ thủ ác phải đền tội. Đó cũng là động lực giúp anh gắn bó với nghề từ bấy lâu nay.

Xuân Mai
.
.