Chiến sĩ Công an lập bàn thờ vọng chịu tang cha ở Khu cách ly
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Đại úy Phạm Ngọc Thạch là một trong hàng trăm cán bộ y tế CAND xung phong lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang. Nhiều ngày qua, anh và đồng đội đã nỗ lực phối hợp cùng với các y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang, tối qua anh vừa được điều chuyển về Cơ sở cách ly tập trung của Bộ Công an tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ I - Bộ Tư lệnh CSCĐ (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để thực hiện cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Đại úy Phạm Ngọc Thạch và đồng đội bái vọng tiễn biệt cha |
Vừa về đến Khu cách ly tập trung chưa trọn 1 ngày thì sáng nay, anh nhận được tin cha anh là cụ Phạm Hồng Thái qua đời vì bạo bệnh, dù rất muốn về quê chịu tang cha nhưng dịch bệnh đang phức tạp, nhiệm vụ phòng chống dịch không được phép lơ là, Đại úy Phạm Ngọc Thạch đành nén nỗi đau riêng, ở lại thực hiện cách ly phòng dịch theo đúng quy định.
Đại tá Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, phụ trách đoàn cán bộ y tế CAND đang thực hiện cách ly tập trung tại đây cho biết, ngay khi nhận được thông tin, đoàn đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ để kịp thời phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ I – Bộ Tư lệnh CSCĐ lập bàn thờ để Đại úy Phạm Ngọc Thạch được bái vọng, chịu tang cha và anh em đồng đội cùng chia sẻ nỗi mất mát với đồng chí. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ và sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ I - Bộ Tư lệnh CSCĐ, ngay trưa nay bàn thờ vọng cụ Phạm Hồng Thái đã được lập ngay tại Khu cách ly tập trung.
Đại úy Phạm Ngọc Thạch là con trai trưởng trong gia đình. Do tham gia đoàn cán bộ y tế CAND làm nhiệm vụ chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang chống dịch, nên suốt 2 tuần qua anh và đồng đội đã kiên trì điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến.
Sáng qua 2/7, nhận được tin cha ruột ở quê nhà Nam Định bị đột quỵ, phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu, lòng anh nhói đau như lửa đốt. Nhà anh neo người, chỉ có 2 anh em.
Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Đại tá Lê Thị Hoài Anh và các y bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an về viếng cụ Phạm Hồng Thái tại quê nhà Nam Định |
Trong khi anh là con trai cả và con trai duy nhất trong gia đình, vì nhiệm vụ cùng đồng đồng giúp nhân dân Bắc Giang ngăn chặn dịch bệnh, anh Thạch nén nỗi đau riêng, không thể về nhà chăm sóc cụ, chỉ thường xuyên gọi điện cho mẹ, vợ và em gái để hỏi han tình hình sức khỏe của cha qua điện thoại. Đến lúc cha qua đời, anh cũng không thể nhìn mặt cha lần cuối, điều đó khiến chúng tôi rất xúc động, thương cảm”..- Đại tá Vũ Văn Sơn chia sẻ.
Bàn thờ vọng được lập vội nhưng ấm áp tình cảm đồng chí, đồng đội. Hình ảnh ấy không chỉ phản ánh một phần sự hy sinh của những CBCS CAND nơi tuyến đầu chống dịch, gác nỗi đau riêng vì mục tiêu chung, mà còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần vì đồng chí, đồng đội của những người CBCS CAND.
Được biết, ngoài tổ chức lập bàn thờ để Đại úy Phạm Ngọc Thạch được thờ vọng, tiễn biệt cha ngay tại Khu cách ly tập trung, Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an và đồng đội của anh – những cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã trực tiếp tổ chức đoàn về tận quê nhà anh ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định để hỗ trợ gia đình tổ chức đám tang cho cha anh - cụ Phạm Hồng Thái được trang trọng, chu toàn.