Cảnh sát đặc nhiệm và những chuyên án đặc biệt

Thứ Ba, 01/11/2016, 10:42
Là đối tượng bị truy nã vì vận chuyển hàng trăm bánh heroin vào Sơn La, Sùng A Khai luôn thủ vũ khí “nóng” trong người sẵn sàng chống trả. Kể cả lúc mò lên khe núi thảnh thơi đưa võng hắn vẫn kè kè 2 quả lựu đạn, bên cạnh là 3 khẩu súng đạn đã lên nòng. Vợ gọi về ăn cơm, Khai mang theo 1 súng 1 lựu đạn.

Ăn cơm xong quay lại võng, hắn phát hiện số vũ khí biến mất. Nhưng đã muộn. Tổ công tác do đồng chí Chu Văn Quang chỉ huy nhanh chóng quật ngã, bắt gọn Khai. Trong lúc vật lộn, súng đã nổ nhưng không ai bị thương.

Đã 3 năm trôi qua nhưng Thiếu tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) số 1 vẫn chưa quên được khoảnh khắc ấy. Đó là một trong những khoảnh khắc mạo hiểm nhất, mưu trí nhất nhưng hiệu quả nhất của anh và đồng đội. Từ một người lính “chân ướt chân ráo” bước vào đơn vị, nay đã dạn dày gió sương và trở thành vị chỉ huy rắn rỏi, bản lĩnh thì “chất lính” đặc nhiệm vẫn cuồn cuộn chảy trong anh...

1. Ra đời từ năm 1997, Tiểu đoàn CSĐN số 1 là đơn vị vũ trang tập trung, đặc biệt, tinh nhuệ, cơ động chiến đấu nhanh, trực tiếp giáp mặt với mọi hiểm nguy trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Họ thường xuyên luyện tập, ứng trực chiến đấu 24/24h, sẵn sàng ngăn chặn, trấn áp kịp thời tội phạm khủng bố, không tặc, bắt cóc con tin; rà phá, khắc phục các loại bom mìn; tham gia truy bắt các đối tượng phạm tội nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm…

Với tính chất thường trực chiến đấu cao, đơn vị luôn quan tâm xây dựng, huấn luyện các phương án tác chiến cho phù hợp tình hình thực tế và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm.

Tuy nhiên, việc phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an trực tiếp đấu tranh hàng trăm chuyên án, vụ án lớn mới được gọi là “đặc sản” của Tiểu đoàn CSĐN số 1. Những chiến công nổi bật có thể kể đến là tăng cường cho Công an tỉnh Điện Biên giải quyết tình hình phức tạp về an ninh, trật tự tại Mường Nhé (năm 2011), bắt giữ một số đối tượng cầm đầu kích động đồng bào thành lập vương quốc Mông, thu giữ 2 súng kíp, gần 100kg thuốc nổ, hơn 200 lít xăng, nhiều vũ khí thô sơ…; phối hợp Công an tỉnh Sơn La đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma tuý tại Lóng Luông, bắt giữ và tiêu diệt 13 đối tượng, thu 18 súng các loại, 1 lựu đạn, 528 bánh heroin, 20.000 viên hồng phiến…

Lần tăng cường phối hợp, hỗ trợ Tổng cục An ninh đấu tranh chuyên án chống tội phạm buôn lậu xăng dầu quy mô lớn tại vùng biển Thanh Hoá; hay tăng cường phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự triệt phá băng nhóm tổ chức đánh bạc và đánh bạc lớn nhất miền Bắc tại phố Chùa Dận, Từ Sơn, Bắc Ninh và triệt phá sới bạc tại Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giữ hàng trăm đối tượng, thu giữ 5,8 tỷ đồng và 7.000USD cũng để lại nhiều dấu ấn của Tiểu đoàn.

Rồi dịp phối hợp Cục CSGT đường thuỷ đấu tranh với các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hồng, bắt 173 đối tượng, thu giữ 4 khẩu súng, 48 viên đạn, 11 bộ dao kiếm tự chế, 37 tàu, 12 tàu cuốc, 3 cẩu, 1 bộ khoá số 8, áo giáp…

2. Ký ức về lần tham gia chuyên án bắt bạc tại Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội còn đọng mãi trong tâm trí Đại úy Đinh Đức Thắng, Phó Tiểu đoàn trưởng. “Đó là chuyên án toát lên được thể lực, trình độ kỹ chiến thuật của lực lượng CSĐN. Khi triển khai tác chiến, từ đường lớn đến vị trí ổ bạc khoảng 4km nhưng ôtô không vào được, chúng tôi phải chạy bộ. Đến được sào huyệt thì các đối tượng đã bỏ chạy tan tác. Anh em rất mệt, tuy nhiên khi chỉ huy ra lệnh chuyển sang phương án 2 là truy kích theo dấu vết các đối tượng để lại thì sẵn sàng xông pha, dù địa hình khó khăn hiểm trở…”- anh kể.

Bằng thể lực bền bỉ được rèn luyện, bằng kỹ chiến thuật, võ thuật tinh nhuệ, các chiến sỹ CSĐN đã truy đuổi đến cùng, bao vây phong toả và bắt lại gần 100 đối tượng.

Những lần mật phục đấu tranh với tội phạm ma tuý có vũ trang ở các địa bàn rừng núi, vùng sâu vùng xa đem lại cho Đại úy Đinh Đức Thắng những cảm xúc khó tả: “Chúng tôi tổ chức thành các tổ cơ động chiến đấu, mỗi người mang theo 30kg gồm áo giáp, súng đạn, lương thực… đảm bảo tồn tại trong 5 ngày. Hành quân lúc nửa đêm, đi bộ hàng tiếng trong rừng. Trận địa phục kích phải hoá trang như ban đầu, không để lại dấu vết”.

Anh cho rằng, rèn luyện khí công với những bài tập nguy hiểm, khó khăn, cường độ cao giúp CBCS có sức khoẻ và sức chịu đựng dẻo dai, làm được những việc mà người bình thường khó có thể làm được. “Quan trọng là ứng dụng tốt, tổng hợp cả ý chí, tinh thần và thể lực “thép” trong tập luyện và thực tiễn chiến đấu”, anh nói.

Đối với Thượng úy Ninh Công Trình, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn CSĐN số 1, lần tham gia chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu đồ điện tử tại cảng Tranvina (Hải Phòng) thật đáng nhớ. “Từ địa điểm tập kết đến lúc xuất phát, chúng tôi phải trải qua rất nhiều tàu. Đến gần đối tượng, các tổ, mũi phải hoá trang khôn khéo, luôn trong tình trạng căng thẳng tột độ. Nhiều tháng trời lênh đênh trên biển, nhiều phương án đánh bắt khác nhau được tính toán trong khi các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm tiêu thụ, buôn bán. Tuy nhiên, thành quả mang lại là bắt giữ thành công và an toàn cho cả hai phía”, anh nhớ lại.

Một trong những bài tập khí công hóc búa.

Ở chuyên án truy bắt nhóm tội phạm buôn bán hàng cấm qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Móng Cái, Quảng Ninh), Ban chuyên án chia làm 2 mũi. Một mũi cải trang đi trên 2 xe tải chạy từ địa điểm ém quân đến cửa khẩu để khống chế các đối tượng. Mũi thứ hai cải trang, cơ động trên xe máy và ôtô 7 chỗ đi dọc biên giới, men theo bờ suối chặn đường vận chuyển các xe buôn lậu.

Tình huống bất ngờ khi vào mùa nước lên cao đã đẩy CBCS trôi hàng trăm mét dọc con suối trong đêm tối. Nhiều đồng chí phải vật lộn với dòng nước chảy xiết để bảo vệ vũ khí, phương tiện, tìm cách bơi vào bờ để kịp thời triển khai các phương án tác chiến”, Thượng úy Trình kể.

3. Tiểu đoàn CSĐN số 1 còn có Trung đội nữ gồm những cô gái nhanh nhẹn, dũng cảm, rèn luyện thể lực cường độ cao, tập luyện vất vả như nam giới nhưng không kém phần xinh đẹp. Có thể ví họ như những “bông hoa thép” vừa cương vừa nhu, hỗ trợ đắc lực trong những chuyên án.

Mới đầu mình nghĩ không thể tập được côn thuật vì cứ động đến côn là bị đập vào đầu, chân, tay đau đớn. Thế nhưng sau một tháng tất cả nữ CSĐN đều sử dụng điêu luyện” - Thiếu úy Đào Cẩm Nhung, Phó Trung đội trưởng Trung đội nữ CSĐN cho biết.

Ngoài côn thì còn nhiều bài khí công hóc búa như đặt đá tảng lên chân đập vỡ, đặt thương vào cổ uốn cong, đặt gạch lên lưng đập vỡ… các nữ CSĐN đều vượt qua. Đặc biệt họ đều có thể làm thành thạo động tác xuống dây từ những toà nhà cao tầng hay đổ bộ xuống từ trực thăng, các bài tập bắn súng, chiến thuật tổng hợp.

Các chuyên án luôn đột xuất, bất ngờ nên chúng tôi phải rèn tính linh hoạt. Có chuyên án triển khai từ 2h sáng đến cuối ngày mới có bánh mì lót dạ nên việc rèn thể lực cũng rất quan trọng”, Nhung tâm sự. Lần tham gia chuyên án bắt bạc ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) các đối tượng giấu dao găm dưới chân để lợi dụng thời cơ chống trả, tuy nhiên các nữ CSĐN đã nhanh nhạy phát hiện và mưu trí khống chế, tước vũ khí…

Thay cho lời kết, tôi muốn nhắc lại lời của Đại tá Vũ Hồng Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh CSCĐ trong một lần đến kiểm tra công tác của lực lượng CSĐN: “Nếu ví lực lượng CSCĐ như thanh bảo kiếm của Bộ Công an thì CSĐN chính là đầu mũi nhọn nhất của thanh bảo kiếm ấy, luôn sẵn sàng đi đầu, trực diện với hiểm nguy để tấn công, trấn áp tội phạm”.
Quỳnh Vinh
.
.