Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - 57 năm vì bình yên cuộc sống

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:06
Ngày 27-9-1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thông qua Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh này. 

Theo đó, Cục PCCC được tổ chức trong Bộ Nội vụ (cũ). Ở các khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh sẽ tuỳ theo nhu cầu mà tổ chức Sở, Ty PCCC trực thuộc Ủy ban hành chính cấp tỉnh, đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, với phương châm “một tấc không đi, một ly không dời”, ở đâu có bom nổ, lửa cháy là ở đó có mặt các chiến sỹ Cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ. Trên các tọa độ ác liệt, sát cánh cùng với các lực lượng vũ trang khác, Cảnh sát PCCC đã bám trận địa, bám địa bàn, chữa cháy hàng ngàn vụ cháy lớn nhỏ, bảo vệ hàng ngàn nóc nhà, hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu…

Trước những chiến công xuất sắc, tinh thần dũng cảm quên mình của những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi, động viên; nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC được tặng Huy hiệu của Người. Cũng trong thời gian này, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu, chế tạo thành công bom cháy, mìn hẹn giờ gửi an ninh miền Nam đánh Mỹ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy rừng U Minh Thượng năm 2002.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, theo quyết định điều động của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC với 182 cán bộ, chiến sĩ, 30 xe chữa cháy của Cục PCCC và 11 đơn vị các tỉnh phía Bắc đã theo sát quân giải phóng nhanh chóng triển khai lực lượng ở các tỉnh miền Nam, Nam Trung Bộ, kịp thời phục vụ công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh.

Vào thời điểm những năm 80, đất nước gặp khó khăn về nhiên liệu phục vụ sản xuất, lại liên tiếp xảy ra các vụ cháy hầm lò khai thác than. Với những biện pháp sáng tạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC vào thực tế, Cảnh sát PCCC lại tự tin vào cuộc chiến chống giặc lửa, lập những chiến công xuất sắc, chữa cháy thành công vụ cháy tại khám gỗ, lò cái, vỉa số 7 mỏ than Vàng Danh, (Quảng Ninh), mỏ than Ngọc Kinh (Đà Nẵng), cứu hàng trăm triệu tấn than và nhanh chóng đưa mỏ trở lại hoạt động.

Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân, khi chiến tranh, lúc hòa bình, chặng đường nào Cảnh sát PCCC cũng ghi danh mình vào những thành tựu chung với trí tuệ, tài năng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, quên mình làm nên những thành tích xuất sắc.

Bước vào thời kỳ đổi  mới, bên cạnh những thuận lợi, lực lượng Cảnh sát PCCC phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà cao tầng, các cơ sở sản xuất kinh doanh với tính chất cháy nổ phức tạp được xây dựng và đưa vào hoạt động… 

Ẩn họa cháy nổ hằng ngày, hằng giờ đe dọa sản xuất và bình yên cuộc sống của nhân dân. Trong khi đó nhiều văn bản ban hành từ thời kỳ trước đã không còn phù hợp thực tiễn. Để phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH – HĐH, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản, quy phạm, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC. 

Trong đó, Luật Phòng cháy và chữa cháy đã được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013; Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC” ngày 25-6-2015; Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC… 

Những văn bản nêu trên đã tạo ra hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, kiềm chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Với mô hình tổ chức mới hiện nay Công an các quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh sẽ có đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Chức năng của Đội này là vừa làm công tác phòng ngừa như tuyên truyền, xây dựng phong trào, kiểm tra, hướng dẫn vừa làm công tác chữa cháy và CNCH. Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để công tác quản lý nhà nước về PCCC đến được từng khu dân cư, từng địa bàn, cơ sở.

Được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo trực tiếp về nghiệp vụ của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong những năm vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã lập được nhiều thành tích đáng ghi nhận, khẳng định vai trò, vị thế của lực lượng trong công cuộc CNH – HĐH đất nước.

Ghi nhận thành tích, chiến công của lực lượng Cảnh sát PCCC, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 15 đơn vị, trong đó có 12 đơn vị có thành tích xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 1 đơn vị Anh hùng trong thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh, và 2 đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới; toàn lực lượng được tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân hương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Tại Lễ kỷ niệm, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang, vững bước cùng đất nước trên con đường đổi mới và hội nhập, lực lượng Cảnh sát PCCC đang từng ngày, từng giờ tích cực học tập nâng cao trình độ, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.

Vũ Thu Huyền
.
.