Cán bộ Trại giam và chuyện cảm hóa người lầm lỗi

Thứ Hai, 09/07/2018, 09:20
Không ít những vụ cấu kết mua ma túy với ý định “tuồn” vào trại giam, hay có phạm nhân muốn quy tụ đàn em để làm “đại ca”, giấu vật cấm để sử dụng… đều bị các trinh sát trại giam nắm bắt tâm lý nhanh chóng bóc tách, dập tắt ngay từ khi mới hình thành. 

Một trong những trinh sát với kinh nghiệm hơn 20 năm công tác, Trung tá Lê Hoài Phương, Trại giam Thanh Phong (Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp -Bộ Công an) được các cấp khen thưởng. 

Trại giam được người ta ví giống như một xã hội thu nhỏ, nhiều thành phần tù tội, đó là phạm nhân phạm tội chỉ vì một phút nhất thời bồng bột đến kẻ ra vào cổng trại giam như “cơm bữa” vì liên quan đến ma túy... Họ có thể nghĩ ra nhiều phương án, kế hoạch tinh vi để hòng qua mặt cán bộ trại giam nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, thể hiện bản chất anh chị… 

Trung tá Lê Hoài Phương thường xuyên động viên, giáo dục phạm nhân, giúp họ yên tâm cải tạo.

Với nhiệm vụ được giao, Trung tá Lê Hoài Phương đã phát hiện nhiều trường hợp phạm nhân chống đối, không chịu lao động, học tập, thường xuyên vi phạm nội quy trại giam;  phạm nhân bị nhiễm HIV tiêu cực, chán nản, bi quan không chịu học tập, lao động, anh đã gặp gỡ, giáo dục, động viên trong suốt một thời gian dài, từ đó có sức cảm hóa đến tâm tư, tình cảm giúp phạm nhân hiểu những chính sách và sự khoan hồng của Đảng quyết tâm cải tạo.

Trung tá Phương nhớ lại, khi công tác tại phân trại giam số 4, anh phát hiện nghi vấn có phạm nhân móc nối mang ma túy vào trại giam. Đó là trường hợp phạm nhân Trần Hữu Tâm, quê ở Thanh Hóa. 

“Nghi là thế những để phạm nhân thừa nhận thì rất gian nan. Tôi đã nhiều lần nói chuyện, động viên, theo dõi phạm nhân Tâm thấy sinh hoạt bất thường, có biểu hiện sử dụng ma túy. Sau khi báo cáo giám thị, tôi đồng thời giáo dục, kiểm tra nước tiểu, phạm nhân này thừa nhận sử dụng ma túy”- Trung tá Phương cho biết. 

Theo lời khai của phạm nhân Tâm, anh ta đã lén lút mua ma túy của 2 đối tượng bên ngoài “tuồn” vào trại giam. Quá trình phối hợp với Công an địa phương xác minh nguồn tin, lên phương án đấu tranh và bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã tóm gọn 2 đối tượng mang ma túy vào Trại giam Thanh Phong.

Những lần nói chuyện, tìm hiểu tâm lý phạm nhân, Trung tá Phương và đồng đội phát hiện một nguồn tin quan trọng về việc có một phụ nữ tên Ngọc, trú tại xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), sinh sống gần với trại lao động của Trại giam Thanh Phong đã mời chào một số phạm nhân mua ma túy… 

Khi tìm hiểu, xác minh, anh và đồng đội xác định ngoài Ngọc còn có bố đẻ cũng chuyên buôn bán ma túy. Sau khi báo cáo Ban giám thị, trao đổi với Công an địa phương xác lập chuyên án đấu tranh. Ngay sau đó, tổ công tác của cơ quan Công an đã ập vào kiểm tra, khám xét nhà của Ngọc phát hiện có ma túy, nhanh chóng bắt giữ đối tượng.

Từ tháng 10-2017, Trung tá Phương được Ban Giám thị điều động sang phân trại số 2. Đây là phân trại trọng điểm của Trại giam Thanh Phong. Hiện ở đây giam giữ 54 phạm nhân với mức án chung thân. Công việc dường như gấp đôi hơn, nhưng anh giải quyết nhiều vụ việc phức tạp với niềm say mê, không mệt mỏi. 

Số phạm nhân ở Thanh Hóa trong phân trại số 2 rất đông, nên một số phạm nhân thể hiện là trại nhà, tự cho mình là đàn anh có quyền được sai bảo các phạm nhân khác, gây chia rẽ làm mất an ninh trật tự trong trại. 

Qua công tác nắm tình hình, không để tình trạng diễn ra, Trung tá Phương đã chủ động bóc, tách điều chỉnh đi các phân trại khác, đặc biệt là phạm nhân tự xưng đàn anh, đàn chị. Trường hợp phạm nhân Phương Anh, quê ở Thanh Hóa, tự xưng là đàn anh, muốn được ưu ái hơn các phạm nhân khác trong sinh hoạt, lao động ở đội. 

Cùng trong đội có phạm nhân Nguyễn Văn Minh, quê ở Quảng Ninh, phạm tội về ma túy, có uy tín trong trại đối với phạm nhân cùng quê. Giữa hai người này ngấm ngầm “bắt lỗi” nhau trong sinh hoạt, lôi kéo các phạm nhân khác về phe mình. 

Với nhiều năm công tác, kinh nghiệm trong quá trình nắm bắt tâm lý phạm nhân, anh đã gọi 2 phạm nhân ra gặp gỡ để chỉnh đốn trong nói năng, đi lại… đồng thời báo cáo sự việc mới phát sinh với giám thị và điều chuyển hai phạm nhân này sang các tiểu đội khác.

Khi nhận được thông tin từ Ban giám thị, Hội đồng cán bộ về việc một phạm nhân nữ sau khi điện thoại về với gia đình (1 tháng/lần), phát hiện một phạm nhân khác vừa ra trại đã lừa gia đình chị này rất nhiều tiền. Ngay sau đó, anh phối hợp cùng đồng đội điều tra, xác minh làm rõ phạm nhân mới ra trại tên là Bình, quê ở Hà Nội. 

Quá trình cải tạo trong trại, Bình đã làm quen và biết được hoàn cảnh gia đình của phạm nhân nữ. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Bình vào Thanh Hóa thuê nhà nghỉ, mượn tài khoản của chủ khách sạn rồi liên hệ, gọi điện thoại cho gia đình phạm nhân nữ nói dối về việc chị này đang ở trong trại bị ốm đau, bệnh tật cần tiền để mổ… 

Do không kiểm chứng thông tin, nên gia đình phạm nhân nữ đã gửi nhiều lần với số tiền từ 5 đến 7 triệu đồng cho Bình… Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Trung tá Phương phối hợp với Công an địa phương xác định được nơi Bình đang thuê trọ bắt và bàn giao lại cho Công an TP Thanh Hóa tiếp tục điều tra làm rõ.

M.Hiền – P.Thủy
.
.