Những người lính “4 cùng” với đồng bào vùng cao

Chủ Nhật, 19/01/2020, 06:19
Có một thời vùng cao Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, được xem là một trong số địa phương miền núi khó khăn, đời sống bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây thiếu thốn trăm bề, lại thêm hủ tục lạc hậu “bủa vây”.

Nhưng giờ đây, cuộc sống của họ đã từng bước được cải thiện, kinh tế - xã hội được phát triển, an ninh quốc phòng, TTATXH được giữ vững. Ðể đạt được những kết quả đó có sự góp công lớn của các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an huyện Tây Trà ngày đêm bám sát từng bản làng, “4 cùng” với bà con.

Từ trung tâm tỉnh Quảng Ngãi để đặt chân đến được vùng cao Tây Trà phải vượt qua chặng đường dài gần 100 cây số, phần lớn là đường núi khúc khuỷu, quanh co với nhiều đèo dốc. Ngày cuối năm, trên đường xuống bản, Thượng úy Hồ Văn Ðịnh, Phó Ðội trưởng Ðội An ninh Công an huyện Tây Trà, cho chúng tôi biết, vùng cao Tây Trà hiện có 95% dân số là đồng bào Co, Hre và Ca dong.

Các CBCS Công an Tây Trà luôn bám sát cơ sở, phối hợp với già làng đảm bảo ANTT địa phương.

Khi mới thành lập huyện, đường sá, cơ sở vật chất chưa phát triển, bà con sống thưa thớt, chủ yếu dựa vào nương, rẫy, đời sống kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến việc chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong khi trình độ dân trí của bà con còn hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại, những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm nên các đối tượng xấu lợi dụng xúi giục, nảy sinh nhiều vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, ảnh hưởng đến ANTT, gây hoang mang trong cộng đồng dân cư.

Như vụ việc người dân thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà nghi kỵ bà Hồ Thị Hiền (60 tuổi, trú tổ 5, thôn Trà Linh) cầm đồ thuốc độc. Bà Hiền nghiện rượu, thường hay dùng những lời lẽ đe dọa người dân trong thôn xóm. Do nhận thức của người dân nơi đây còn hạn chế, nên mỗi khi trong làng có người đau ốm là bà con nghi kỵ bà Hiền cầm đồ thuốc độc, từ đó nảy sinh ra những mâu thuẫn. Có lần bà Hồ Thị Chung (35 tuổi), láng giềng với bà Hiền, đi ăn đám cưới về thì người khó chịu, buồn nôn.

Thế là, bà con nghĩ ngay là bà Chung bị bà Hiền cầm đồ thuốc độc. “Cũng may qua quá trình tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” của lực lượng Công an huyện, bà Chung đã đến cơ sở y tế khám, phát hiện ra là bị ngộ độc thức ăn nhẹ nên đã điều trị bằng thuốc, nên người dân Trà Linh mới không còn nghi kỵ bà Hiền nữa…

Tuy nhiên, hủ tục lạc hậu, trong đó có hủ tục cầm đồ thuốc độc dường như đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của người dân vùng cao Tây Trà, do đó để loại bỏ được phải cần có thời gian dài bám sát cơ sở, thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, kết hợp với tuyên truyền “song ngữ” (vừa tiếng Kinh, vừa tiếng đồng bào); rồi chiếu hình ảnh, tuyên truyền sâu rộng thì mới dần dần loại bỏ được những hủ tục này”.

Thượng úy Hồ Văn Ðịnh nói tiếp rằng, đối với những vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc cụ thể, Công an huyện nhanh chóng phân công cán bộ tập trung xác minh làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc, có biện pháp bảo vệ người bị nghi, xác định tính chất, mức độ, hậu quả của vụ việc để có cơ sở tham mưu đề xuất hướng chỉ đạo giải quyết triệt để, không để kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh, lãnh đạo Công an huyện thường xuyên tăng cường CBCS bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, vận động già làng, người có uy tín tuyên truyền, giải thích, hòa giải mâu thuẫn, nâng cao nhận thức cho người dân.

Các chiến sĩ trẻ Công an Tây Trà hỗ trợ làm công trình ở một trường học trên địa bàn.

Ðồng thời phối hợp với các cơ sở y tế ở huyện xã, tuyên truyền, giải thích, vận động người dân có bệnh đến cơ sở y tế khám, không nên tin vào những điều không khoa học để phòng tránh nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xảy ra. “Sau một thời gian bám cơ sở, đến nay nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở Tây Trà dường như đã được xóa bỏ, người dân đã ý thức được việc có bệnh thì đi đến các trung tâm y tế để chạy chữa, người dân đoàn kết và phát triển hơn”, Thượng úy Hồ Văn Ðịnh phấn khởi nói.

Chúng tôi nghỉ đêm tại thôn Cát, xã Trà Thanh. Càng về khuya, cái lạnh của ngày cuối năm như cắt da, cắt thịt, song các CBCS Công an huyện Tây Trà và bà con nơi đây vẫn quây quần trò chuyện râm ran bên ánh lửa bập bùng được đốt lên giữa khoảng sân chung của làng.

Những câu chuyện vụ mùa, con vật nuôi, công việc làm ăn phát triển kinh tế, tình hình ANTT được bà con nhiệt tình chia sẻ với các CBCS Công an. Tiếng nói cười vui vẻ của hòa trộn vào nhau nhua xua đi bao giá lạnh.

Trong khi trò chuyện, các CBCS Công an lại khéo léo “lồng vào” giữa những câu chuyện đồng áng, nương rẫy để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của nhà nước; tuyên truyền bà con nâng cao tinh thần cảnh giác tội phạm, chung tay góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên, đảm bảo ANTT trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020…

Và, hòa trong những câu chuyện ấy, câu chuyện của gia đình anh Hồ Văn Nghĩa đã được mọi người nhắc tới như để động viên, tiếp sức cho chính họ. Từ một gia đình nghèo khó, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ bò giống, vịt giống, giúp xây dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật của Công an huyện Tây Trà, giờ đây gia đình anh Nghĩa đã biết chăn nuôi bò có kỹ thuật, nuôi vịt xuất bán, kinh tế gia đình phát triển. Anh Nghĩa đang chuẩn bị để đầu năm 2020 thoát nghèo.

Trung úy Hồ Việt Thành, Phó Bí thư Chi đoàn Công an huyện Tây Trà tâm sự, khi biết hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Nghĩa quá khó khăn, Chi đoàn vận động kinh phí đóng góp từ các đoàn viên, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Công an huyện Tây Trà và nguồn kinh phí xã hội hóa, Công an huyện đã trao tặng cho gia đình anh Nghĩa 2 con bò giống trị giá 12 triệu đồng, hỗ trợ giống vịt nuôi, giống cỏ công nghiệp để nuôi bò.

Cùng với đó, lãnh đạo Công an huyện cũng huy động CBCS cùng với gia đình anh Nghĩa làm chuồng trại, hướng dẫn họ cách nuôi trồng loại cỏ công nghiệp, kỹ thuật nuôi chăm sóc bò phù hợp với thời tiết từng mùa trong năm. Sau đó cắt cử người thường xuyên theo dõi, nắm bắt, đánh giá tình hình, hiệu quả của mô hình đã hỗ trợ theo mốc thời gian nhất định; liên hệ, trao đổi với hộ gia đình anh Nghĩa về tâm tư, nguyện vọng cần thiết của gia đình phục vụ phát triển kinh tế.

Ðến nay, gia đình anh Nghĩa đã nâng cao nhận thức về cách thức nuôi trồng, bảo vệ gia súc, gia cầm; có động lực tăng gia sản xuất… Ngoài gia đình anh Nghĩa, Công an huyện Tây Trà còn cử lực lượng về cùng ăn, cùng ở với người dân xã Trà Thanh và nhiều xã khác trên địa bàn huyện, giúp bà con làm đường bê tông nông thôn, nạo vét kênh mương, trồng lúa, trồng cây lâm nghiệp ngắn hạn và dài hạn; khai hoang đất làm rẫy, ruộng, vận động kinh phí mua giống nông sản cho hộ gia đình nghèo để phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính… bước đầu tạo động lực cho người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa nghèo bền vững…

Rời vùng cao Tây Trà trở về chốn thị thành, song trong tôi cứ mãi văng vẳng lời tâm sự chân thành của Thượng tá Hồ Ngọc Sơn, Phó Trưởng Công an huyện Tây Trà rằng, việc thực hiện “4 cùng” với đồng bào các dân tộc thiểu số được xác định là một trong những mặt công tác trọng tâm của Công an huyện, được cấp ủy và lãnh đạo đơn vị quán triệt đến tất cả CBCS thực hiện thường xuyên.

Chính việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng với người dân, đã củng cố thêm rất nhiều niềm tin của bà con với lực lượng Công an, giúp cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của nhà nước đến với nhân dân được dễ dàng hơn và từ đó người dân dần dần được nâng cao nhận thức về pháp luật, về công tác phòng chống tội phạm nên tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự được kiềm chế…

Hà Vy
.
.