Bữa cơm sâu lắng tình người của phạm nhân

Thứ Năm, 05/10/2017, 07:53
Các phạm nhân tham gia hội thi tay nghề, bày tỏ tình cảm cùng người thân và dùng “bữa cơm gia đình” ngay trong trại giam. Cha mẹ, vợ chồng, con cái sum họp trong không khí vui vẻ, nắm tay động viên cố gắng cải tạo tốt hơn, sớm về với người thân.


Năm nay là năm thứ 3, Trại giam Châu Bình (đóng tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), Tổng cục VIII (Bộ Công an) tổ chức hội nghị “Gia đình phạm nhân”, lồng ghép với Hội thi tay nghề. Sáng hôm đó, 30-9, 80 phạm nhân có tay nghề đại diện cho hơn 2.000 phạm nhân của trại đã tập trung từ rất sớm cùng nhau tham gia thi 4 nội dung, gồm: may, đan lục bình, đan ghế, đan bội kẽm.

“Lúc mới đến trại, em cũng từng có suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Sau này, được cán bộ quản giáo quan tâm, động viên, em xác định con đường sau này của mình là phải cố gắng học được cái nghề cho vững và cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình”, phạm nhân Ngô Đình Nam chấp hành án tại Phân trại số 2 bày tỏ.

Ban tổ chức cho biết, hội thi nhằm tạo sân chơi lành mạnh, không khí thi đua, hăng say lao động và học nghề cho các phạm nhân. Các phạm nhân đều thể hiện hết kỹ năng, trình độ tay nghề đã học và trao đổi kinh nghiệm để khi tái hoà nhập cộng đồng tìm công việc ổn định. Sau hơn hai giờ đồng hồ, các phạm nhân đã hoàn thành các sản phẩm dự thi.

Bữa cơm sum họp gia đình phạm nhân do cán bộ Trại giam Châu Bình tổ chức.

Ban tổ chức kiểm tra, đánh giá sản phẩm làm ra đều đạt yêu cầu. Lần đầu tiên lên bục vinh dự nhận cờ kèm tiền thưởng và được Ban tổ chức tặng hoa, các phạm nhân và người thân có mặt rất xúc động. Nhiều người đã bật khóc. “Tôi không nghĩ con mình khi vào trại được học nghề thành thạo như vậy”, người mẹ từ TP Hồ Chí Minh xuống Bến Tre thăm con, chứng kiến hội thi xúc động nói.

Trong thời gian diễn ra hội thi, 150 đại biểu là thân nhân, gia đình các phạm nhân được mời dự hội nghị “Gia đình phạm nhân” đã tham quan khu học tập, sinh hoạt, ăn ở, làm việc của phạm nhân. “Khi đến đây, chúng tôi được đón tiếp chân tình, rất vui vẻ. Tôi cũng ngạc nhiên với điều kiện ăn, ở và sinh hoạt của phạm nhân rất tốt, đầy đủ”, ông Đặng Hữu Tân có con trai đang chấp hành án nói.

Anh Phạm Đức Thảo cùng đi tham quan, đến thăm cha đang chấp hành án chia sẻ: “Ở ngoài, gia đình không biết người thân ở đây làm việc, ăn ở thế nào. Khi tham quan, tôi rất xúc động. Cảm ơn Ban giám thị đã tạo điều kiện cho gia đình và giúp cha an tâm chấp hành án”.

Sau khi tham quan, đại diện gia đình cùng với 150 phạm nhân xếp loại khá, tốt đang chấp hành án cùng đến hội trường dự hội nghị. Sau tiết mục văn nghệ, Ban giám thị khuyến khích thân nhân, gia đình nêu nguyện vọng, bày tỏ tâm tư của mình. Ai cũng mong muốn con em cố gắng cải tạo tốt hơn. Người mẹ luống tuổi kể về của hai người con đang chấp hành án đã bật khóc.

Ở ngoài đời, cả hai đều quậy phá, gia đình nhiều lần khuyên ngăn. Hai con trai gây ra lỗi lầm, gia đình rất đau buồn. Tuy nhiên, người mẹ được động viên khi con trai đã có nhiều thay đổi và quan tâm gia đình nhiều hơn trước.

“Năm nay cháu được xếp loại tốt. Gia đình xuống thăm, cháu lễ phép và khoe mỗi tháng đang ăn chay 4 ngày. Tôi cũng động viên cháu cố gắng chấp hành án tốt hơn, sớm về với gia đình”, bà Trần Thị Lang - mẹ phạm nhân Đặng Minh Sang nói.

32 năm trong nghề công tác trại giam, Đại tá Phạm Chí Trường, Giám thị Trại giam Châu Bình chia sẻ với các gia đình, phạm nhân nhiều câu chuyện rất xúc động. Nhiều phạm nhân khi mới vào trại có biểu hiện tiêu cực, ngang bướng và luôn tìm cách gây rối. Có phạm nhân hất cả “xú ế” vào người quản giáo.

“Mỗi trường hợp phạm nhân, Ban giám thị đều quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh để động viên. Có phạm nhân đến trại giam 3 tháng, nhưng cũng có phạm nhân chấp hành án 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm. Chúng tôi coi họ là người thân…”, Đại tá Trường nói và khẳng định, không chỉ gia đình mong người thân sớm được giảm án.

Chính những cán bộ quản giáo, mới là những người mong muốn nhất. Mỗi phạm nhân khi được nhân giảm án, cán bộ quản giáo đều rất vui. Bởi trong hơn 2.000 phạm nhân, có những người chỉ vì phút lỗi lầm và đang phải trả giá, họ cố gắng cải tạo rất tốt.

Qua những câu chuyện chia sẻ, gia đình phạm nhân hiểu hơn sự vất vả của người cán bộ trại giam trong quá trình gieo mầm thiện cho những mảnh đời lầm lỡ. Sau hội nghị, gia đình, thân nhân và các phạm nhân quây quần bên mâm cơm sum họp do chính cán bộ trại giam tổ chức. Người cha nắm chặt tay con trai, vợ động viên chồng tay đang ôm đứa con nhỏ bên mâm cơm khiến nhiều người xúc động, rơi nước mắt.

Ông Bùi Quang Sơn, Phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre bộc bạch: “Việc tổ chức bữa cơm để thân nhân, gia đình và phạm nhân ngồi sum họp với nhau đã thể hiện tính nhân văn rất sâu sắc. Đây không chỉ là bữa cơm gia đình, mà chứa đựng tình cảm những người làm công tác trại giam với phạm nhân và thân nhân, gia đình phạm nhân”.

Theo Phó Chánh án TAND Bến Tre, hội nghị “Gia đình phạm nhân” có ý nghĩa đặc biệt, gắn kết mối quan hệ giữa phạm nhân với cán bộ trại giam. Giúp gia đình hiểu rõ hơn về quá trình cải tạo của người thân và phối hợp tốt với cán bộ quản giáo để phạm nhân an tâm cải tạo, tích cực học tập, rèn luyện tốt hơn.

Đây cũng là dịp để mọi người hiểu hơn tình thương, lòng nhân ái trong mối quan hệ giữa cán bộ với phạm nhân, nhất là tình cảm của cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân. Công tác giáo dục đã khó nhưng giáo dục những người lầm lỡ lại càng khó hơn. Việc này đòi hỏi người làm quản giáo phải có tình yêu thương. Coi phạm nhân như chính người thân của mình.

Văn Vĩnh
.
.