Báo CAND - 70 năm chặng đường lịch sử vẻ vang
- Tri ân, tiếp lửa cho những người làm nên thương hiệu Báo CAND2
- Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành
Căn cứ vào Nghị định này, ngày 20-12-1981, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 99 -QĐ/BNV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Báo CAND.
Trong đó, điều 1 khẳng định vị trí, chức năng của Báo CAND: "...Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND; là cơ quan tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật Công an cho cán bộ, chiến sĩ CAND".
Điều 2 quy định Báo CAND có 6 nhiệm vụ: 1- Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các chủ trương, biện pháp, kế hoạch, chế độ của Bộ về công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ thăm, làm việc với Báo CAND tại trụ sở số 3 phố Hồ Giám, Hà Nội (10-8-1984). |
2- Phổ biến tình hình và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch, của các bọn phản động, của các bọn phạm tội; phổ biến kinh nghiệm công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.
3- Tuyên truyền cổ động cho phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc trong Lực lượng CAND và phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phê phán các mặt tiêu cực.
4- Tuyên truyền hướng dẫn việc thi hành pháp luật của Nhà nước và chế độ công tác, điều lệnh nội vụ CAND.
5- Tổ chức quản lý và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ thông tin viên và cộng tác viên. 6- Quản lý cán bộ, quản lý tài chính, tài sản.
Điều 3 quy định về tổ chức, Báo CAND có Ban Biên tập do Tổng biên tập phụ trách, có các Phó Tổng biên tập giúp việc (đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Báo, các đồng chí trực tiếp phụ trách Báo được gọi với chức danh Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập) và có 5 phòng: Phòng Thư ký tòa soạn (gọi tắt là Phòng 1); Phòng Biên tập Chính trị (Phòng 2); Phòng Biên tập Nghiệp vụ - khoa học công an (Phòng 3); Phòng biên tập Xây dựng Lực lượng CAND (Phòng 4); Phòng Trị sự (Phòng 5).
Thời gian đầu, Ban Biên tập Báo CAND chỉ có mình đồng chí Văn Đình Đức được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập (tháng 6-1981), chịu trách nhiệm điều hành Báo.
Tháng 2-1982, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng ký quyết định điều động và bổ nhiệm đồng chí Trần Liêu (bấy giờ là thư ký Thứ trưởng Trần Quyết) về làm Phó Tổng biên tập Báo CAND. Sau đó có quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập. Cùng thời gian này, đồng chí Vũ Thế Ngọc được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập.
Sau một thời gian Báo vận hành với bộ máy tổ chức mới, Bộ có quyết định bổ nhiệm các đồng chí: Hữu Thanh, Trưởng phòng 1; Hữu Ước, Trưởng phòng 2; Trần Kính, Trưởng phòng 3; Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng 4; Nguyễn Đức Lợi, Trưởng phòng 5; Nguyễn Tiến Thụy, phụ trách Văn phòng Đại diện của Báo CAND tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ giao 2 xưởng in cho Báo CAND quản lý, điều hành công tác. Xưởng in typo ở Thanh Xuân - Hà Nội do đồng chí Vũ Văn Đồng làm quản đốc và xưởng in offset ở TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Nhánh làm quản đốc.
Đồng thời với triển khai tổ chức, Đảng ủy Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND ra quyết định thành lập Đảng bộ Báo CAND (X21), chỉ định đồng chí Vũ Thế Ngọc làm Bí thư, đồng chí Trần Liêu làm Phó Bí thư và 5 đồng chí khác vào Ban Chấp hành Đảng bộ.
Các đảng viên được tổ chức thành chi bộ (theo từng phòng). Đảng bộ Báo CAND là hạt nhân lãnh đạo Báo CAND hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới và là Đảng bộ liên tục đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.
Đội ngũ của Báo lúc này có 50 cán bộ, phóng viên, công nhân viên, đa số tuổi đời còn rất trẻ. Đặc biệt, trước thời gian triển khai Quyết định số 99 - QĐ/ BNV của Bộ Nội vụ ít tháng, tháng 9-1981, Báo được bổ sung cùng lúc 6 cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), trong đó có các đồng chí đã và đang giữ những vị trí chủ chốt ở Báo: Phạm Văn Miên (Tổng biên tập); Nguyễn Phúc Bồng (nguyên Trưởng ban Pháp luật - Bạn đọc); Bùi Quang Hào (1958-2008, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế - Văn hóa - Xã hội).
Ba đồng chí cùng về đợt này nhưng sau đó một thời gian chuyển công tác là Phạm Văn Quyết (nay là Giám đốc Công ty Ảnh kỹ thuật số Thanh Thanh); Trần Nguyệt Tuệ (nhà văn Thùy Linh, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam); Đại tá Hoàng Kim Dung (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng).
Kế tục truyền thống và thành quả của các thế hệ đi trước, những người làm Báo CAND đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng, phấn đấu giữ cho tờ báo tiếp tục ổn định và phát triển.
Về hình thức, Báo đã có những bước cải tiến đáng kể. Măng sét CAND được họa sĩ Lê Văn Hiệp (1940-2008, họa sĩ của Báo Hà Nội mới) thiết kế lại với co chữ lớn hơn.
Khuôn khổ tờ báo cũng được thay đổi từ khổ 29x38 cm sang khổ 29x42 cm; số trang tăng gấp đôi, từ 8 trang lên 16 trang. Công việc tăng không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của cả Tòa soạn mà còn phải nhờ cậy vào sự trợ giúp của đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên.
Đồng chí Đặng Văn Lân (hiện là Phó Tổng biên tập) là người đảm nhận công việc trình bày makét cho báo từ cuối những năm 70 tới cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã vinh dự được họa sĩ Lê Văn Hiệp giới thiệu tới gặp các bậc “cây đa cây đề” của làng hội họa Việt Nam để mời vẽ minh họa cho Báo.
Nhờ vậy, bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn về đề tài an ninh - trật tự, bạn đọc của Báo CAND thời kỳ này còn thêm dịp được thưởng lãm những bức minh họa đẹp, sinh động dưới nét vẽ tài hoa, phóng túng của các họa sĩ: Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, Nguyễn Thụ, Mai Văn Hiến…
Với họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2006), không chỉ vẽ cho Báo những minh họa đặc sắc, thú vị, ông còn trực tiếp góp nhiều ý kiến bổ ích về cách trình bày, về mẫu chữ của Báo CAND (lúc này Báo in typo và tranh minh họa sau khi được các họa sĩ thực hiện trên giấy còn phải qua công đoạn đem đi khắc gỗ mới in được).
Từ tháng 12-1979, Báo CAND chuyển trụ sở từ số 3 ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên về số 3 phố Hồ Giám (cả hai địa chỉ trên đều thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).
Tuy diện tích có khá hơn trước song thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu làm việc khi Báo triển khai tổ chức mới. Sau khi được Bộ cấp kinh phí, Báo đã xây được ngôi nhà 3 tầng, cải thiện một bước cơ bản về điều kiện làm việc của Tòa soạn.
Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Truyền thống của Lực lượng CAND Việt Nam (19-8-1945 – 19-8-1985), Báo CAND đã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng trực tiếp viết thư tay, thông qua Báo gửi lời chúc mừng, động viên tới cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang cách mạng.
Cũng trong dịp này, qua sự “đặt hàng” của Tổng Biên tập Báo CAND, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã viết nên bài thơ “Anh chiến sĩ An ninh” gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân Ngày Truyền thống của toàn Lực lượng.
Trước đó, ngày 10-4-1984, trong thời gian Báo đang nâng cấp, xây dựng trụ sở, công trường ngổn ngang gạch cát, Bộ trưởng Phạm Hùng đã đến Tòa soạn thăm cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo CAND.
Trong buổi gặp mặt thân mật, Bộ trưởng đã biểu dương đồng thời chỉ ra phương hướng phát triển của Báo những năm tiếp theo:
“Trước hết tôi chúc mừng những cố gắng, những thắng lợi của các đồng chí trong cải tiến nội dung và hình thức, nhất là nội dung, cải tiến cách in, giảm thời gian in. Những thắng lợi này trước hết là nhờ sự cố gắng của các đồng chí, đồng thời cũng có sự đóng góp của Xưởng in.
Tờ Báo CAND làm nhiệm vụ thể hiện đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Bộ và phản ánh các mặt hoạt động của Lực lượng CAND. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, chỗ làm việc chật hẹp, số người ít, vừa ra báo vừa chấn chỉnh tổ chức, vừa xây dựng cơ quan mà đạt được những tiến bộ như thế là điều rất đáng hoan nghênh.
Chúng ta rất mừng là có mấy nơi yêu cầu cho Báo CAND ra công khai. Chúng ta cũng nghĩ đến việc ra tờ báo với định kỳ ngắn hơn, số lượng nhiều hơn hiện nay và tiến tới ra báo hàng ngày.
Để làm được như vậy, đòi hỏi chúng ta còn phải phấn đấu nhiều mặt... trong đó có khó khăn về giấy in báo...".
Chấp hành sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, vào nửa cuối năm 1986, đồng chí Vũ Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, người phụ trách khối tuyên truyền, giáo dục, báo chí đã họp Đảng ủy, Ban Biên tập Báo CAND bàn việc đưa Báo CAND phát hành công khai và giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Liêu - Tổng biên tập dự thảo đề cương.
Sau nhiều lần chuẩn bị, sửa chữa, đề cương Báo CAND ra công khai đã được lãnh đạo Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND đồng ý và trình lên lãnh đạo Bộ Công an xem xét phê duyệt.