Báo CAND phát hành công khai
- Báo CAND - 70 năm chặng đường lịch sử vẻ vang
- Tri ân, tiếp lửa cho những người làm nên thương hiệu Báo CAND2
- Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành
Cùng thời gian đó (tháng 8-1988), đồng chí Hoàng Văn Kiên (Hoàng Kiên), Quyền Cục trưởng Cục Xử lý thông tin điện tử và đồng chí Trần Văn Vịnh (Ngôn Vĩnh), Phó Giám đốc Nhà xuất bản CAND cũng đã được Bộ điều về làm Phó Tổng biên tập Báo CAND, chuẩn bị thay phần việc của các đồng chí Văn Đình Đức và Vũ Thế Ngọc (nghỉ quản lý từ năm 1990).
Ngày 13-8-1988, Bộ Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có Quyết định số 355/BTT cho phép Báo CAND được phát hành công khai, với đối tượng bạn đọc là “cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân cả nước”.
Mặc dù theo quyết định này, Báo được ấn định mỗi số 8 trang, và một tuần Báo chỉ ra một số (nghĩa là về dung lượng và thời gian phát hành vẫn như trước), song số lượng đã được “nới” lên tới 100.000 bản.
Điều này cho thấy, việc Báo CAND được phát hành công khai ngoài xã hội đã đem đến cho những người làm Báo CAND nói riêng và các cấp quản lý nói chung nhiều kỳ vọng.
Với một bộ máy lãnh đạo mới đi kèm với cơ chế mới, cởi mở, thông thoáng, Báo CAND đã có những bước phát triển mang tính đột phá, hòa vào thành tựu chung của báo giới cả nước những năm đầu Đổi mới.
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Báo CAND bên cây đa Tân Trào trong chuyến về nguồn tại Tuyên Quang năm 2001. |
Ngày 4-10-1988, số Báo CAND ra công khai đầu tiên chính thức đến tay bạn đọc cả nước. Số lượng phát hành không chỉ vượt trội so với thời kỳ trước mà nội dung, hình thức của Báo cũng được ghi nhận có nhiều thay đổi. Báo trở nên gần gũi hơn với mọi người, mọi nhà.
Không khí làm việc của Tòa soạn được đẩy lên một “nhịp điệu” mới. Đội ngũ cộng tác viên ngày càng mở rộng. Công tác phát triển bạn đọc được chú trọng.
Báo đã từng bước thực hiện tốt chức năng “tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân trong cả nước góp sức cùng lực lượng Công an làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật và trách nhiệm, góp phần tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo đúng tôn chỉ mục đích đã được xác định trong Giấy phép xuất bản báo chí do cơ quan quản lý nhà nước cấp ngày 13-8-1988.
Sau khi Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động chống phá ta trên các mặt an ninh - kinh tế - chính trị - xã hội, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng.
Báo CAND đã đề xuất và được lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Nội vụ và Hội Nhà báo Việt Nam đồng ý tổ chức hội thảo với chủ đề “Báo chí trong cuộc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”.
Cuộc hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí lớn ở Trung ương và Hà Nội. Tổng cục An ninh cử đại diện tham gia hội thảo.
Cuộc hội thảo đã gây được tiếng vang trong dư luận. Toàn bộ các tham luận trình bày tại hội thảo sau đó đã được Báo tổ chức in thành sách, gửi biếu nhiều đơn vị làm công tác tuyên giáo và báo chí trong cả nước.
Tháng 9-1994, đồng chí Ngôn Vĩnh được lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND giao phụ trách Báo CAND thay đồng chí Chu Phùng nghỉ hưu.
Tháng 5-1995, đồng chí được lãnh đạo Bộ bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập; đồng chí Đặng Đình Thành, Phó Trưởng phòng, phụ trách Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập.
Cùng với sự thay đổi về nhân sự chủ chốt, từ ngày 1-7-1995, Báo CAND đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép phát hành thêm số Chủ nhật. Trước đó, từ ngày 29-3-1995, Báo tăng từ 8 trang lên 12 trang, khổ lớn.
Từ đây, Báo CAND liên tục có những thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức, nhân sự: Tháng 9-1995, đồng chí Phạm Văn Miên, Phó Trưởng phòng Biên tập Nghiệp vụ - khoa học Công an được phân công làm Thư ký tòa soạn; tháng 1-1996 được bổ nhiệm Trưởng phòng Thư ký tòa soạn.
Đây cũng là lúc Báo có thay đổi quan trọng về trang bị phương tiện kỹ thuật. Theo chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Phạm Tâm Long khi đến thăm Báo “các đồng chí cần phải vi tính hóa tòa soạn”, Báo đã làm đề án và được đồng chí Thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhất phê duyệt cho phép trang bị một hệ thống máy tính phục vụ công tác chế bản in báo.
Một số máy vi tính cùng máy in photocopy được trang bị cho tổ kỹ thuật thuộc Phòng Thư ký tòa soạn. Tổ vi tính được hình thành từ một số cán bộ ở Nhà in Báo Hà Nội mới và tuyển dụng mới, do đồng chí Đặng Văn Lân phụ trách.
Cùng thời gian đó, đồng chí Trần Tử Văn, Phó Tổng biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh được điều động về làm Trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh.
Một thời gian sau (tháng 4-1996), đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Báo CAND (đến năm 1998, đồng chí Trần Tử Văn được điều động trở lại làm Phó Tổng biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh).
Khi đồng chí Phạm Văn Miên làm Thư ký tòa soạn và đồng chí Trần Tử Văn làm Trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh cũng là lúc đồng chí Hoàng Kiên thực hiện việc nghỉ chờ hưu.
Tháng 5-1999, đồng chí Phạm Văn Miên, Trưởng ban Thư ký tòa soạn được lãnh đạo Bộ bổ nhiệm Phó Tổng biên tập. Tháng 2-2001, đồng chí Lưu Vinh, Trưởng ban Biên tập nội dung của Báo được lãnh Bộ bổ nhiệm Phó Tổng biên tập.
Cùng với việc bổ sung đội ngũ lãnh đạo (trong đó có những đồng chí tuổi đời còn rất trẻ, như các đồng chí Trần Tử Văn, Phạm Văn Miên - khi được bổ nhiệm đều mới ở tuổi 40), căn cứ theo Quyết định số 259/1998/QĐ/BNV ngày 5-5-1998 của Bộ về sửa đổi cơ cấu tổ chức của Báo, Báo CAND cũng đã quyết liệt thực hiện việc sắp xếp lại các phòng, ban, theo đó, tổ chức của Báo chỉ còn 4 ban: Ban Trị sự, Ban Thư ký tòa soạn, Ban Biên tập nội dung và Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh (bao gồm cả các Văn phòng Thường trú tại Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ).
Trước đó, để thực hiện cơ cấu tổ chức mới, Tổng biên tập Báo đã đề xuất và được lãnh đạo Bộ đồng ý cho 4 đồng chí thôi giữ chức trưởng, phó một số phòng, ban của Báo để về làm “trợ lý Tổng biên tập”.
Ngoài số cán bộ, chiến sĩ biên chế trong lực lượng Công an, bắt đầu từ thời kỳ này, Báo thu hút và tuyển dụng gần 50 lao động hợp đồng vào những việc khác nhau: Viết bài, biên tập, dàn trang, lái xe, phát hành, bảo vệ... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Báo đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, sinh hoạt đoàn thể, đóng bảo hiểm xã hội để anh chị em yên tâm làm việc.
Sau khi Báo CAND được lãnh đạo cơ quan chức năng đồng ý cho ra thêm số Chủ nhật, đến ngày 1-1-1999, Báo tiếp tục được cho phép tăng từ 2 kỳ lên 3 kỳ/tuần.
Ngày 17-4-2001, Báo tăng từ 3 kỳ lên 4 kỳ/ tuần. Trước thời điểm sáp nhập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an và Báo An ninh thế giới với Báo CAND (ngày 19-11-2003), Báo CAND đã phát hành 5 kỳ/tuần, với số lượng bình quân 80.000 bản/kỳ; có lúc lên tới trên 100.000 bản/kỳ.
Đầu năm 1997, Bộ giao cho Báo sử dụng nhà số 66 phố Thợ Nhuộm (Bảo tàng CAND trước đây) làm trụ sở.
Báo đã tiến hành tu sửa nâng cấp nhà cũ thành 4 tầng, xây dựng thêm tòa nhà mới 4 tầng để có đủ phòng làm việc. Các thiết bị làm việc như máy vi tính, phương tiện thông tin liên lạc, máy văn phòng, xe ôtô được trang bị thêm để đáp ứng yêu cầu công tác.
Trước đây thường phải gửi phim bằng máy bay vào miền Nam để in, vừa chậm vừa có thể trục trặc nếu máy bay gặp thời tiết xấu. Báo đã cải tiến bằng cách truyền thông tin qua mạng, rút ngắn đáng kể thời gian để đưa tin, bài, ảnh lên báo.
Báo đã tổ chức những cuộc thi tìm hiểu truyền thống CAND, thu hút hàng vạn người dự thi, góp phần làm cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu về Công an, yêu quý và giúp đỡ Công an, hăng hái tham gia các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Báo cũng kịp thời động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những người có thành tích xuất sắc, dũng cảm chiến đấu chống tội phạm.
Báo đã đẩy mạnh các hoạt động xã hội - từ thiện như nhận phụng dưỡng hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây nhà tình nghĩa; xây trường học; đài tưởng niệm; trao phần thưởng cho sinh viên các trường CAND có thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học; tổ chức vận động nhân dân và các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, hiện vật giúp đỡ những đồng bào bị thiên tai gặp khó khăn; giúp đỡ những người tàn tật, những cháu bé bị nhiễm chất độc da cam, trẻ lang thang không nơi nương tựa, v.v...
Báo tổ chức nhiều phòng tranh, buổi biểu diễn nghệ thuật để gây quỹ xã hội - từ thiện.
Việc phát hành trong lực lượng Công an đã bước đầu cải tiến để báo đến tay bạn đọc kịp thời. Hầu hết báo gửi đến Công an các địa phương đã được chuyển qua bưu điện, đảm bảo tính thời sự, giúp Công an các địa phương chỉ đạo công tác.
Công tác phát hành báo cho độc giả ngoài lực lượng được Ban Biên tập chỉ đạo đã có mối quan hệ tốt với các đại lý ở cả hai miền...