Bài học quý giúp tôi trưởng thành

Thứ Bảy, 18/07/2020, 07:38
Qua gần 5 năm làm hộ tịch viên càng thấm sâu trong tôi ý thức kính trọng nhân dân, tận tụy trách nhiệm với dân, luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ được tốt. 

Là học viên của khóa Đào tạo I + II trường CATW (1953-1954), tháng 4-1955, chúng tôi đang đi phát động quần chúng giảm tô thuộc Đoàn ủy Bắc Bắc, được lệnh của Bộ Công an điều về trường C500 ở bên dòng sông Nhuệ theo học tiếp khóa đào tạo III để chuẩn bị cho việc thực hiện công tác đăng ký hộ khẩu ở Hà Nội.

Học đến tháng 8-1955 tôi được điều đến Công an quận 4 ở 382 Khâm Thiên và được bố trí về đồn Công an Hàng Bột (sau này gọi là đồn Công an số 26). 

Thời gian đầu, chúng tôi tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau bão ở ngõ Đức Xương, kết hợp dự tập huấn về đăng ký hộ khẩu, trực tiếp đi hướng dẫn nhân dân kê khai hộ khẩu ở đoạn cuối đường Hàng Bột, gần Ô Chợ Dừa.

Ít ngày sau, cấp trên lại điều tôi vào tổ hướng dẫn kê khai hộ khẩu ở khu vực nhà thờ Hàng Bột. Sau thời gian hoàn thành bước hướng dẫn kê khai, tổ chức đối chiếu và thu nộp đầy đủ bản khai của các hộ, hai đồng chí Dung và Hoài ở ngành khác tham gia tổ công tác được rút về, tôi ở lại được giao nhiệm vụ làm hộ tịch viên ở khu vực này với tên gọi Khối 3 gồm: Bên chẵn từ số nhà 160 đến 162 phố Hàng Bột. Bên lẻ từ số nhà 107, ngõ 109 đến số 121 phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng).

Đại tá Đào Đức Ninh với những phần thưởng, kỷ vật ghi dấu ấn một thời đầy đam mê và nhiệt huyết. Ảnh Xuân Trường

Nhà thờ Hàng Bột khi ấy do linh mục Hoàng Cao Chiểu phụ trách, Viện Soeur AnToine do nữ tu Nguyễn Thị Quyên phụ trách, có 9 nữ tu. Viện Sơ là nơi nuôi dưỡng những người tàn tật, có hơn 30 người, không kể trong khu dân cư. Số này sinh sống bằng nghề bán lạc rang và tẩm quất…

Còn khu nhà bên số 107 Hàng Bột nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tàn tật bị bỏ rơi, có từ 10 đến 15 cháu. Cho tới đầu năm 1960, UBND TP Hà Nội có chủ trương đưa toàn bộ số người tàn tật vào trại xã hội ở Mỗ Lao, gần thị xã Hà Đông và đưa toàn bộ số trẻ em ở bên 107 Hàng Bột về số 5 Cổng Đục, thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Hà Nội quản lý.

Công việc hàng ngày của chúng tôi hồi đó thường buổi sáng ở đồn hoặc lên quận, chiều và tối xuống phố gặp lực lượng cơ sở nắm tình hình, phổ biến việc, đi thăm hỏi các hộ dân, kể cả trực tiếp vào gặp linh mục hoặc các bà sơ. Việc thăm hỏi đó nhằm nắm tình hình theo 4 yêu cầu thông thuộc như: Tiểu sử, quan hệ, nghề nghiệp… Chú trọng những hộ trọng điểm, phục vụ cho lập hồ sơ đối tượng, xác minh lý lịch, tuyển nghĩa vụ quân sự…

Khi xuống khu phố thăm hỏi dân, thấy một số gia đình khó khăn, tôi đã đến gặp Ban Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương ở 160 Hàng Bột để đề nghị giúp đỡ dân tạo việc làm như dán các hộp bao bì đựng thuốc, sau hai lần gặp được Ban Giám đốc Xí nghiệp và được tạo điều kiện giúp đỡ. Tôi lập danh sách 16 người, chọn nhờ địa điểm họp bàn, cử ông Nguyễn Văn Nhân, Phó ban Bảo vệ làm tổ trưởng để trực tiếp liên hệ với xí nghiệp ký nhận hợp đồng, nhận nguyên liệu…

Thời hạn giao nộp sản phẩm, tiền công… Việc làm dần đi vào nền nếp, hiệu quả giúp bà con có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Người dân phấn khởi, tăng tình cảm và niềm tin, giúp tôi nắm tình hình tốt hơn, cũng như khi có yêu cầu công việc gì đều được bà con nhiệt tình giúp đỡ.

Thời điểm ấy chúng tôi thường xuyên bám địa bàn nắm chắc. Mùa mưa bão, có trận bão vào buổi tối, cơm chiều ở đơn vị xong, tôi nhanh chóng xuống phố, lúc bão vào, tôi len lỏi đi trong ngõ đến nhà cơ sở chỉ với mảnh nilon quàng trên người và đội mũ cát để nắm tình hình, giúp đỡ nhà dân bị ảnh hưởng.

Do tuổi trẻ, chưa lập gia đình, sống ở tập thể nên nhiều buổi sáng chủ nhật, tôi cũng xuống phố cùng với cán bộ cơ sở tham gia tổng vệ sinh với nhân dân, thường là làm bên hè dọc theo đường xe điện chạy.

Bằng sự cố gắng trong công tác, năm 1959, tôi được bình chọn điển hình đi báo cáo cấp trên và vinh dự được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký quyết định tặng bằng khen công nhận là Chiến sĩ thi đua của ngành Công an, được tặng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua Ái Quốc của Bộ Lao động. Đó là phần thưởng rất quý với tôi trong quá trình công tác ở cơ sở. Song còn điều đáng quý nữa là tình cảm, sự quý trọng của cán bộ cơ sở và nhân dân ở khối phố đã dành cho tôi. Sau khi chuyển lên làm việc ở quận, thành phố, mỗi khi có dịp, tôi trở lại thăm, có bác dù khiếm thị khi nghe tiếng hỏi thăm đã nhận ra và gọi đúng tên tôi và trên khuôn mặt lộ rõ niềm vui được gặp lại.

Nhiều cán bộ cơ sở coi tôi như người thân trong gia đình. Đặc biệt, cụ Hoa Xuân Lộc, Trưởng ban Bảo vệ coi tôi như con trong gia đình, sau này cụ đã mất song theo nếp các con cụ coi tôi như anh cả trong nhà, quan tâm đi lại thăm hỏi, giúp đỡ nhau cho tới nay.

Từ những điều học được ở Trường C500, được trải nghiệm đi phát động quần chúng giảm tô (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những bần, cố nông lam lũ). 

Qua gần 5 năm làm hộ tịch viên càng thấm sâu trong tôi ý thức kính trọng nhân dân, tận tụy trách nhiệm với dân, luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ được tốt. Dần dần được trưởng thành, được đề bạt là Trưởng, Phó phòng một số đơn vị, trong đó có Phòng QLHC về TTXH, cũng như khi về làm Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), tôi rất chú trọng đôn đốc lực lượng Công an phường, CSKV thực hiện xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, để dựa vào dân, dân tin, dân tận tình giúp đỡ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, như Bác Hồ vô cùng kính yêu đã răn dạy Sáu điều về tư cách người Công an cách mệnh. Đó là bài học thật quý giá đã giúp tôi trưởng thành.

Đại tá Đào Đức Ninh, Nguyên Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm - Hà Nội
.
.