Bài học quý của một cán bộ An ninh

Thứ Năm, 14/07/2016, 08:05
Nhớ lại những năm kháng chiến gian khổ và thời kỳ hòa bình, liên tục công tác trên các lĩnh vực an ninh, trong hồi ức của ông Nguyễn Hạnh Kiểm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đó là bài học dựa vào nhân dân, được nhân dân cưu mang giúp đỡ và bằng sự dũng cảm và trí tuệ của mình để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ…

Đã 70 tuổi, ông Nguyễn Hạnh Kiểm vẫn còn khỏe và rất minh mẫn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại làng Bích Trâm, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), năm 1963, lúc chưa tròn tuổi 17, ông sớm giác ngộ lý tưởng, theo người anh ruột của mình là Nguyễn Phước Hạnh thoát ly lên căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam.

Thời kỳ bấy giờ, trong bối cảnh chia tách tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, ông Hạnh được tổ chức phân công nhận nhiệm vụ công tác tại Quảng Nam và ông cũng theo chân người anh ruột của mình.

Nhưng ông không đi trực tiếp cùng đoàn công tác mà phải trở về lại vùng địch, hoạt động hợp pháp một thời gian ở Tam Kỳ. Cho đến cuối năm 1964, ông lên vùng Phương Đông, Dương Yên (Trà My và Tiên Phước) tham gia lực lượng An ninh Quảng Nam do đồng chí Hoàng Tuấn Nhã làm Trưởng Ban.

Ông Nguyễn Hạnh Kiểm.

Ở căn cứ Phương Đông, Dương Yên, ông luôn được cấp trên và tổ chức tin tưởng giao thực hiện những nhiệm vụ quan trọng. Ở lĩnh vực nào ông cũng luôn hoàn thành một cách xuất sắc, từ các công tác phục vụ cho đến trực tiếp chiến đấu bảo vệ. Đến năm Mậu Thân 1968, giặc đánh phá ác liệt trên khắp các chiến trường; nhiều cơ sở an ninh tại nội thành Đà Nẵng bị tê liệt, một phần bị lộ do bọn phản động chiêu hồi chỉ điểm.

Trước tình hình đó, Ban An ninh khu V đã điều động ông trở về nội thành Đà Nẵng xây dựng lại Tổ điệp báo và An ninh đô thị, lúc này do đồng chí Lê Lực, Trưởng Ban 3 của An ninh khu phụ trách, cùng với 6 đồng chí khác (biệt danh là Tổ A1D, tức tổ Điệp báo của An ninh khu V tại Đà Nẵng).

Và, ông đã cùng đồng đội của mình không quản ngại ngày đêm, vượt mọi hiểm nguy trong lòng địch, có thể trả giá bằng mạng sống của mình để xây dựng lại các cơ sở an ninh hoạt động một cách hiệu quả giữa nội thành…

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, lực lượng An ninh khu V đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ông Kiểm được điều động trở về Ty Công an Quảng Nam – Đà Nẵng làm công tác chống gián điệp và phản động (gọi tắt là B2).

Với nhiệm vụ làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ các mạng lưới còn gài lại trong kế hoạch hậu chiến của địch, xây dựng lại các tổ an ninh nhân dân, chống địch xâm nhập và các tổ chức nhen nhóm phản động...

Đến đầu năm 1980, ông được Tỉnh ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tín nhiệm chọn làm Thuyền phó - Chính ủy, “vượt rào” giao thương, dùng thuyền mở đường chuyên chở các loại nông sản ở Quảng Nam như quế, tiêu... qua buôn bán với các bạn hàng truyền thống Hồng Kông thời chiến tranh, trong thế bị bao vây cấm vận của Mỹ, để đem lại nguồn lợi cho tỉnh.

Hay nói cách khác, sự có mặt của ông trên mỗi chuyến tàu đi giao thương như một sự “bảo chứng” với đối tác và là chỗ dựa về chính trị, tinh thần của anh em thuyền viên. Nói như ông, nếu trên mỗi chuyến tàu có chuyện gì xảy ra với đối tác thì ông sẽ “đứng mũi chịu sào”, ở lại thương thuyết để chuyến tàu và anh em thuyền viên trở về được an toàn...

Thời kỳ này, ông cũng cùng đồng đội thường xuyên sát cánh cùng lực lượng an ninh và quân đội nước bạn Lào tổ chức vận động, chống địch xâm nhập, cùng với các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng vũ trang hai nước làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các tổ chức phản động hoạt động từ biên giới Lào vào Việt Nam.

Sau đó, ông được cử làm chuyên gia An ninh của Việt Nam tại chiến trường Campuchia… Thời gian trôi đi, tới năm 1996, ông được tập thể và cấp trên tín nhiệm bổ nhiệm chức danh Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1997, trước yêu cầu nhiệm vụ chia tách tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, lúc này với chức danh Giám đốc, ông lại cùng các đồng đội khác trở về xây dựng lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam với nhiều khó khăn thách thức.

Trong những ngày đầu chia tách tỉnh, ông cùng với anh em trong Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nỗ lực không ngừng trong việc ổn định chính trị tư tưởng và tổ chức, xây dựng lực lượng An ninh và Cảnh sát, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự trên quê hương Quảng Nam một thời kiên cường đánh giặc. “Đây là giai đoạn hết sức khó khăn, cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa thật sự ổn định về tư tưởng, nơi ăn chốn ở.

Công tác an ninh ngoài những lĩnh vực đương nhiên phải đảm nhiệm còn có yêu cầu phải chặt chẽ trong công tác tổ chức tuyển dụng cán bộ, chống phần tử xấu và địch lợi dụng việc thiếu cán bộ lúc này để đưa người cài cắm vào nội bộ. Đây cũng là vấn đề quan trọng của công tác an ninh lúc này”, ông Kiểm hồi tưởng.

Đến năm 2002, do yêu cầu nhiệm vụ, cấp trên điều động ông qua giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam.

“Năm 2005 tôi nghỉ hưu. Nhưng, xuyên suốt các thời kỳ hoạt động cách mạng, tôi luôn tâm niệm với tinh thần, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần đến”, Ông Kiểm tâm sự.

Hạ Vy
.
.