Chống gián điệp biệt kích và chuyện lý thú về “trò chơi nghiệp vụ”:

Biệt kích 'Hạ Long' và 'truyền kỳ' 10 năm

Thứ Hai, 17/08/2015, 08:02
Sáng sớm 9/4/1961, ông Ngột là người thôn La Khê, xã Tiền An, Yên Hưng, Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh) phát hiện một chiếc thuyền lạ không có người lái dạt vào cống Đầm. Buổi chiều cùng ngày, bà Trời đi hái lá phát hiện một người đàn ông mặc áo cỏ úa đang lúi húi trên đồi nhà anh Đắc. Thấy bà Trời, người đàn ông này trốn vào bụi cây.
>> Bài 1: “BK” và chiến thuật dùng địch đánh địch
Ban đầu, bà Trời nghi người này rình mò ăn trộm gì đó trong vườn nhà anh Đắc, nhưng để ý nhiều giờ thấy thái độ, hành động khác lạ nên báo cho chính quyền địa phương. Ngay lập tức, thông tin được báo ngay lên Công an huyện, Công an tỉnh. Hai ngày sau, anh Lẫm là con trai bà Trời sang nhà anh Đắc chơi, bất ngờ thấy một người đàn ông đang nằm võng ở trong buồng nhà, có dấu hiệu khác thường. Anh Lẫm nghi ngờ đó là Chuyên, anh trai của Đắc trốn khỏi quê năm ngoái.

Tổng hợp các nguồn tin, lãnh đạo Ty Công an Hồng Quảng nhận định, có khả năng Mỹ tung gián điệp biệt kích (GĐBK) ra miền Bắc bằng con thuyền lạ vào địa bàn xã Tiền An. Ty Công an triển khai các mũi trinh sát xác minh, mặt khác cử cán bộ lên báo cáo xin chỉ đạo cấp trên.

Được sự chỉ đạo của Bộ và sự phối kết hợp giữa Công an các tỉnh ven biển, Công an Hồng Quảng xác định chiếc thuyền lạ dạt  vào cống Đầm được làm từ miền Nam. Một bộ phận trinh sát kiểm tra hồ sơ các đối tượng đã trốn vào Nam và giám sát các đối tượng, những cơ sở nghi có gián điệp xâm nhập ẩn náu. Từ đó, Công an Hồng Quảng thu hẹp diện đối tượng và tập trung hướng điều tra vào Phạm Chuyên, người làng La Khê, đã trốn đi Nam từ tháng 6/1959.

Thẩm tra lý lịch thấy rằng, Chuyên sinh năm 1928, bố mất trong cải cách ruộng đất, nay còn mẹ, vợ và hai em. Trước Cách mạng Tháng Tám, Chuyên đi lính cho Pháp, sau đó về quê tham gia cách mạng, từng hoạt động trong Thanh niên Cứu quốc, Ban Trinh sát đặc biệt, Ty Công an Hồng Quảng. Sau này, Chuyên về nhà dạy học và liên lạc được với cách mạng, tiếp tục thoát ly công tác.

Từ năm 1948 đến 1957, Chuyên qua nhiều công tác khác nhau như tuyên huấn tỉnh ủy, ban thi đua tỉnh, phóng viên Báo Việt Nam độc lập… Khi bố mất, Chuyên sinh bất mãn trở về quê, làm thơ ca có ý chống đối. Tòa án tỉnh gọi lên nhưng hôm sau Chuyên bỏ trốn. Trong khi đó, Phạm Đắc và Phạm Ốc là em trai của Chuyên thường lén lút vào rừng lúc chập choạng tối.

Một bản tin trong Chuyên án BK63 được GĐBK gửi về trung tâm địch, nội dung do cơ quan an ninh soạn thảo.

Đêm 6/6/1961, tổ trinh sát theo dõi phát hiện Đắc đi ra ngoài có mang theo gói đồ, khi kiểm tra phát hiện một máy phát điện quay tay, một số phụ tùng thu phát liên lạc của máy vô tuyến điện. Đắc khai, anh trai Phạm Chuyên từ Nam ra, đang trốn trong rừng. Đắc, Chuyên, Ốc đã chôn giấu máy liên lạc ở gốc si trên núi Đất. Ngay đêm đó, Công an Hồng Quảng thu được một máy vô tuyến điện và một số tài liệu khác.

Vốn là người thông minh, ham học, đã tham gia nhiều vị trí trong chính quyền cách mạng trước khi thành điệp viên nên Chuyên có nhiều biện pháp đối phó với cơ quan an ninh. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Tài, Cục trưởng K61 đã trực tiếp về Hồng Quảng chỉ đạo quá trình xét hỏi, thuyết phục Chuyên tự nguyện cộng tác để lập công chuộc tội.

Giáp mặt đồng chí Nguyễn Tài, dần dần Chuyên đã bị thu phục và thành khẩn khai báo về quá trình huấn luyện, hành trình trở lại miền Bắc. Khi xâm nhập, Chuyên được đặt bí số là “Hạ Long” và trung tâm địch giao 3 nhiệm vụ, gồm: điều tra các mục tiêu quân sự, kinh tế ở khu vực Đông Bắc và Hải Phòng, chỉ điểm cho máy bay đánh phá; thu thập tin tức tình báo gửi về trung tâm; xây dựng cơ sở, căn cứ, tiếp nhận hàng hóa và lực lượng tăng cường từ trung tâm gửi ra.

Trước khi bị bắt, Chuyên đã xây dựng được 3 người để giúp việc là Đắc, Ốc và Đàm Quang Hiển, gửi thư thăm dò một số người để xây dựng cơ sở. Cho đến khi bị bắt, Chuyên đã thực hiện 8 phiên liên lạc bằng vô tuyến điện với trung tâm và viết một số bưu thiếp gửi vào Nam theo địa chỉ quy định. Căn cứ điều kiện thực tế và yêu cầu đấu tranh, ta quyết định lập án đấu tranh, đặt bí số là BK63, với chiến thuật dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại trung tâm địch.

Phiên liên lạc đầu tiên của “Hạ Long” với đài P8M được thực hiện tại trại giam Ty Công an Hồng Quảng dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên viên kỹ thuật. Qua phiên liên lạc này, địch tin tưởng và giao nhiệm vụ cho “Hạ Long”, đồng thời ta cung cấp tin giả đánh lại địch và đề nghị cung cấp hàng tiếp tế. Tin vào “Hạ Long”, ngày 16/1/1962, địch cho tàu biển chở hàng tiếp tế. Ban chuyên án phối hợp Công an vũ trang bắt tàu, thủy thủ đoàn và thu toàn bộ hàng hóa, đồng thời báo cho trung tâm địch không nhận được hàng do biển động.

Ngày 25/2/1962, trung tâm tiếp tế lần thứ hai tại hang Đầu Gỗ, đảo Ngôi Sao, gồm 23 kiện lương thực, thuốc men và 7 kiện thuốc nổ, súng đạn, máy vô tuyến điện. Sau hai lần tiếp tế bằng đường biển, trung tâm địch yêu cầu “Hạ Long” thị sát, xác định tọa độ khu rừng Đông Triều và Hoành Bồ để tiếp tế bằng đường không. Ban Chuyên án cho báo tọa độ, chủ động bố trí lực lượng đón bắt. Chuyến tiếp tế thứ ba với 5 kiện hàng và 1 toán biệt kích gồm 6 tên được tung ra.

Đến tháng 10/1963, chúng tung ra đợt tiếp tế thứ tư cho “Hạ Long”, sau đó tăng cường thêm hai toán có biệt danh là Eagle, Redrgne xuống địa bàn Hà Bắc và Hà Giang gồm 12 tên. Sau khi tăng cường 3 toán hoạt động sâu trong nội địa ta, trung tâm địch còn nhiều lần tiếp tế bằng đường không với khối lượng lớn phương tiện hoạt động, thuốc chữa bệnh theo yêu cầu của ban chuyên án.

Nhằm đi sâu tìm hiểu âm mưu địch cũng như phát hiện bằng hết số cơ sở cài cắm vùng Đông Bắc, Ban chuyên án cho “Hạ Long” yêu cầu thực hiện liên lạc bằng hộp thư và trực tiếp chuyển giao tài liệu qua đường thủy. Trung tâm địch tiếp tục mắc mưu ta, đã bộc lộ một số cơ sở cài cắm, đồng thời hai lần cử điệp viên đi trên tàu của nước thứ ba cập cảng Hải Phòng trực tiếp chuyển tài liệu cho Chuyên.

Cuối năm 1969, địch bộc lộ ý đồ rút các đối tượng về Sài Gòn để củng cố. Trước tình hình đó, cơ quan an ninh xét thấy những nhiệm vụ cơ bản của chuyên án đã đạt được nên quyết định kết thúc. Như vậy, với 10 năm đấu tranh Chuyên án BK63, ta đã điều khiển trung tâm địch thực hiện 5 lần tiếp tế, tăng cường 3 toán GĐBK, cung cấp cho địch hàng trăm tin giả phục vụ ý đồ đấu tranh của ta, đồng thời khai thác được nhiều tin tức quan trọng.

Thông qua “Hạ Long”, ta đã phát hiện được các đầu mối quan trọng của địch. Thắng lợi của chuyên án là kết quả sự chỉ đạo chặt chẽ, sự hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng và kết quả công tác vận động quần chúng.

Minh Đăng
.
.