Chống gián điệp biệt kích và chuyện lý thú về “trò chơi nghiệp vụ”

Bài 1: “BK” và chiến thuật dùng địch đánh địch

Chủ Nhật, 16/08/2015, 10:26
Trong chiến tranh xâm lược, các nước đế quốc coi hoạt động gián điệp biệt kích là một phương thức quan trọng nhằm đánh sâu vào trong đất đối phương. Phương thức này đã có từ lâu, được Đức quốc xã sử dụng triệt để trong chiến tranh thế giới thứ hai. Liên Xô cũng từng sử dụng góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật vùng Đức chiếm đóng.

Trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ, lực lượng An ninh của Công an Việt Nam bằng các biện pháp nghiệp vụ linh hoạt, sắc bén đã bắt, khống chế hàng trăm toán gián điệp biệt kích, đánh lại trung tâm địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh chống xâm lược.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, Báo CAND điểm lại một số dấu ấn và chuyên án nổi bật của “trò chơi nghiệp vụ” chống gián điệp biệt kích.

“BK” – bí số đầu các chuyên án chống gián điệp biệt kích (GĐBK) của cơ quan an ninh trong chống Pháp, Mỹ. Ở Việt Nam, thực dân Pháp sử dụng GĐBK từ năm 1951, 1952 sau khi chiến cuộc giữa ta và Pháp đã có sự thay đổi, quân và dân ta chuyển dần sang thế chủ động tiến công. Các toán tung ra dưới dạng GĐBK hỗn hợp nhảy dù (còn gọi GCMA).

Thời kỳ đó, chúng tung vào vùng tự do của ta và các vùng giáp ranh vừa nhằm thu tin tình báo, vừa tổ chức phá hoại. Cơ quan trung ương, điều khiển, chỉ huy của GCMA đóng tại Sài Gòn. Bộ Chỉ huy quân đội Pháp căn cứ tình hình chiến tranh Đông Dương mà đánh giá rằng, tới một thời gian nhất định nào đó thì quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương, cần phải xây dựng kế hoạch lập lại vùng căn cứ du kích của chúng ở hậu phương và vùng rừng núi của ta, liên kết những phần tử chống đối hoạt động du kích để tạo điều kiện cho quân đội Pháp có thể hoạt động trở lại.

Điểm lại từ khi GCMA ra đời đến tháng 8/1953, địch đã tung hàng trăm toán xuống các vùng rừng núi Tây Bắc, Đông Bắc. Từ cuối 1953 đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng thả xuống trên 1.000 tên, tạo thành nhiều khu vực hoạt động phỉ ở vùng núi.

Một toán gián điệp biệt kích bị bắt giữ khi vừa nhảy dù.

Đến thời Mỹ-ngụy, phương thức GĐBK nâng lên cao hơn cả về quy mô và tính chất, biệt kích không chỉ lượm tin, chỉ điểm, phá hoại mà còn móc nối với các tổ chức phản động, xây dựng cơ sở, thực hiện hoạt động ngầm. Tháng 5/1951, Phó Tổng thống Mỹ Johnson ký với Ngô Đình Diệm thông cáo chung, thực chất đây là hiệp ước quân sự tay đôi giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Sau đó, Staley cầm đầu phái đoàn quân sự có mặt tại Sài Gòn để hoạch định kế hoạch “chiến tranh đặc biệt”.

Bổ trợ cho kế hoạch trên, Mỹ triển khai chương trình hoạt động ngầm phá hoại miền Bắc nước ta và xác định cuộc chiến tranh GĐBK là mắt xích trọng yếu. Theo tiến trình chiến tranh xâm lược, Mỹ - ngụy gia tăng hoạt động, mở rộng quy mô, cường độ, thành lập ba trung tâm đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CIA và Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương. Ba trung tâm này ban đầu có Sở Kỹ thuật, trung tâm Khăm Khao (Lào) và tới năm 1967 thì thành lập thêm Sở Liên lạc mới. Với ba trung tâm này, Mỹ đã chi rất nhiều tiền của, đầu tư các loại phương tiện, vũ khí hiện đại nhất, sử dụng đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm để huấn luyện, điều hành.

Mỗi tên GĐBK cũng được tuyển chọn công phu, đào tạo bài bản nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt mà trung tâm giao phó. Từ năm 1961, những toán GĐBK đầu tiên được tung ra miền Bắc bằng cả ba đường (không, bộ, biển), có năm hoạt động cường độ rất cao.

Hai toán GĐBK đầu tiên được Mỹ ngụy tung ra miền Bắc năm 1961 bằng đường biển vào tỉnh Hồng Quảng (Quảng Ninh ngày nay) và bằng máy bay xuống Sơn La. Cả hai toán này đều bị ta bắt gọn và lập án đấu tranh, đánh lại trung tâm địch. Từ hai chuyên án này, lực lượng An ninh từng bước điều khiển trung tâm địch theo chủ ý của ta và phát triển thành nhiều chuyên án khác trên nhiều địa bàn ở miền núi như Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Biệt kích là hình thức gián điệp hoạt động có vũ trang, bất thình lình và hoạt động trong một thời gian nhất định nên Đảng ta xác định, cuộc chiến đấu với GĐBK trong thời kỳ đó phải rất khẩn trương, rất gấp rút bởi nếu sơ hở, chậm trễ một chút là địch có thể thoát và gây nhiều tác hại cho ta. Địa bàn hoạt động của biệt kích chủ yếu vùng rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, do đó phải có lực lượng thường trực chiến đấu ở các địa phương, gắn liền với công tác thường ngày của chính quyền, nhân dân các địa phương với tinh thần cảnh giác cao độ.

Trong quá trình triển khai các chiến thuật “trò chơi nghiệp vụ”, ta nắm được âm mưu địch, việc sử dụng phương tiện, con người của địch, từ đó cung cấp cho chúng tin giả thông qua toán GĐBK đã bị ta khống chế, dụ địch tiếp tục đưa vũ khí, điện đài, phương tiện vào kịch bản do ta bố trí. Quá trình nắm địch thông qua đấu tranh chuyên án, ta biết trước địa điểm, số lượng, thời gian các toán biệt kích sẽ tung ra nên bố trí lực lượng chủ động đón lõng, bắt gọn.

Sau 10 năm đấu tranh, ta đã bắt và diệt nhiều toán GĐBK với hàng trăm tên xâm nhập bằng đường không, đường biển, đường bộ, đánh đuổi hàng chục toán khác, thu hàng trăm tấn hàng tiếp tế và những phương tiện hiện đại. Trong khi đó, trung tâm địch không biết các hoạt động này rơi vào vòng kiểm soát của lực lượng An ninh.

Sau chiến tranh, khi nước ta hoàn toàn thống nhất, Trung tá, Phó chỉ huy trưởng trung tâm GĐBK Trần Khắc Kính ra trình diện mới biết sự thật cả chục năm qua, chúng đã bị lừa.

Thắng lợi trong đấu tranh chống GĐBK ở miền Bắc không chỉ dừng lại ở việc chặt đứt mắt xích trọng yếu của kế hoạch Staley Taylor mà còn làm thất bại hoàn toàn âm mưu “dùng cộng sản đánh cộng sản” của Mỹ - ngụy. Thắng lợi trên trận tuyến này còn có đóng góp của các đơn vị Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng), dân quân du kích và tinh thần cảnh giác của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình đấu trí với các cơ quan tình báo của địch, lực lượng An ninh đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, đặc biệt là tạo nên những chiến thuật đánh địch sáng tạo, nhuần nhuyễn.

“Cán bộ Công an phải nhận thức rõ âm mưu hoạt động GĐBK của địch là âm mưu lâu dài, có kế hoạch quy mô rộng lớn, hoạt động phá hoại có trọng điểm. Muốn phá tan âm mưu đó và tiêu diệt bọn biệt kích tận gốc rễ phải có tư tưởng chiến đấu lâu dài và gian khổ, phải nắm vững phương châm dựa vào nhân dân, truy đến cùng. Khi xử lý biệt kích phải nắm vững nguyên tắc là kết hợp trấn áp với khoan hồng, trừng trị với giáo dục, nghiêm trị bọn đầu sỏ, tranh thủ bọn giao động, cảm hóa bọn a tòng, khoan hồng bọn đầu hàng, cho bọn thật thà hối cải lập công chuộc tội để làm tan rã hàng ngũ địch” (trích Nghị quyết Hội nghị trị an hành chính toàn quốc lần thứ nhất, tháng 3/1954).

(Còn nữa)

Minh Đăng
.
.