Ấm áp tình đồng chí, đồng đội

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:45
Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam thường xuyên có 165 thương bệnh binh, người có công vừa được nuôi dưỡng, vừa điều dưỡng. Không chỉ được chăm sóc tận tình, chu đáo, họ còn được Trung tâm tổ chức đi tham quan các danh thắng nổi tiếng tại Hội An, Đà Nẵng… 

Tình yêu thương, chia sẻ của đồng chí, đồng đội, cùng với việc chăm sóc ân cần của các cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Trung tâm, đóng tại phường Thanh Hà, TP Hội An), đã tiếp thêm ý chí và nghị lực sống cho những thương, bệnh binh (TBB) và người có công (NCC) được nuôi dưỡng tại đây. Những thành viên của Trung tâm gắn bó sâu nặng với nhau và xem nơi này là nhà của mình…

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Võ Văn Đến (60 tuổi, trú xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), thương binh hạng ¼, chia sẻ: Ông vào Trung tâm từ năm 1985. Mỗi năm ông về quê chỉ 3-4 lần và thời gian ở nhà cũng rất ngắn. Phần nhiều thời gian trong năm, ông Đến ở lại Trung tâm, vì như ông nói: “Từ lâu tôi đã xem Trung tâm như ngôi nhà của mình rồi, gắn bó lắm”. 

Phút thư giãn bên bàn cờ tướng của các thương bệnh binh, người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam 

Ông Đến kể rằng, từ năm 1978 đến 1984, ông tham gia chiến trường K làm Trưởng Tiểu ban Công binh, thuộc Trung đoàn Bộ binh 31, Sư đoàn 309, Quân khu VII. Chiến tranh đã cướp đi của ông một phần thân thể, khi mới 27 tuổi đầu. 

Khi thương tích được điều trị lành lặn, ông trở về quê hương, rồi được sự động viên, quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng, ông vào Trung tâm điều dưỡng. Và nơi đây, sự chăm sóc ân cần của các cán bộ Trung tâm và tình yêu thương của đồng chí, đồng đội đã thổi bùng khát vọng, nghị lực sống của ông. 

Hạnh phúc cũng tìm đến với ông, khi vào năm 1997, tròn 40 tuổi, ông lấy vợ và lần lượt sinh được 2 người con ngoan hiền. Ông Đến chia sẻ về những năm tháng ở tại Trung tâm: “Cán bộ, nhân viên tại Trung tâm phục vụ những TBB, NCC như tôi rất chu đáo, nhiệt tình. 

Từ cung cách phục vụ của họ, tôi cảm nhận được họ chính là thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ để chăm lo, đối xử tốt đẹp với chúng tôi. Tôi rất biết ơn vì điều đó”... 

Còn ông Đoàn Thanh Vân (62 tuổi, nguyên cán bộ Công an công tác tại Trại giam Tiên Lãnh, trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cho hay, ông vào Trung tâm từ ngày 11-7 và đây là lần thứ hai ông được điều dưỡng tại nơi này.

“Việc chăm sóc, phục vụ ăn uống những người được điều dưỡng như tôi ở đây Trung tâm làm rất tốt. Do đó mà nhiều người trong chúng tôi rất cảm tình với đội ngũ cán bộ nhân viên ở đây. Trong đợt trở lại này, tôi cũng hỏi thăm một số cán bộ Trung tâm gặp ở lần điều dưỡng trước. Và khi biết họ chuyển qua bộ phận khác, tôi cũng đã đến thăm hỏi”, ông Vân tâm sự.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, với nhiều cây xanh của Trung tâm, ông Nguyễn Đức Liên, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, cho biết, hiện nơi đây thực hiện công tác nuôi dưỡng suốt đời 35 TBB, NCC. 

Ngoài ra, hằng năm còn có từ 4.000-4.500 lượt TBB, NCC ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Bình Định… về nghỉ dưỡng. Mỗi đợt điều dưỡng chừng 7 ngày, Trung tâm đón nhận 130 TBB, NCC. 

Như vậy, tại Trung tâm thường xuyên có 165 TBB, NCC vừa được nuôi dưỡng, vừa điều dưỡng, người nhỏ tuổi nhất cũng đã ngoài 60, người lớn tuổi nhất là 92 tuổi. Các TBB, NCC khi đến điều dưỡng tại Trung tâm không chỉ được chăm sóc tận tình, chu đáo, họ còn được Trung tâm tổ chức đi tham quan các danh thắng nổi tiếng tại Hội An, Đà Nẵng… 

Đặc biệt, trong số 35 TBB, NCC đang được Trung tâm nuôi dưỡng thì có 7 người bị liệt, nằm một chỗ và 2 trường hợp đang bị bệnh ung thư. “Việc chăm sóc người liệt đã khó khăn, chăm sóc người bị bệnh ung thư càng khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi phải đưa những TBB, NCC này ra điều trị tại Đà Nẵng. Mỗi lần đi là phải có một nhân viên chăm sóc của Trung tâm đi cùng. 

Cụ thể như 12 năm nay, chúng tôi phải cắt cử luân phiên nhân viên đi theo để chăm sóc một nữ thương binh hạng 3/4 đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tập thể cán bộ nhân viên của Trung tâm vẫn luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo nên không khí thân thiện khi tiếp xúc với TBB, NCC”, ông Liên chia sẻ.

Tại các khu nhà ở của TBB, NCC, chúng tôi có cảm giác không khác gì một phòng khách sạn. Phòng ốc nơi đây rất sạch sẽ, phòng nào cũng có điều hòa, máy nóng lạnh, tivi màn hình phẳng; giường được trải nệm tinh tươm… 

Ông Liên cho biết nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm đến đời sống của TBB, NCC nên hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm được đầu tư khá bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho những người từng trực tiếp, hay gián tiếp đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Cũng đã có nhiều lãnh đạo Trung ương về thăm, chia sẻ, động viên với những TBB, NCC được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại Trung tâm… Trên đường tham quan Trung tâm, chúng tôi bắt gặp một số TBB, NCC đang chơi cờ tướng. Nhìn nụ cười viên mãn của họ, chúng tôi cảm nhận được sự hạnh phúc, vui vẻ; họ như những người thân cùng một mái nhà...

Ngọc Thi
.
.