Bám bản vùng cao giúp dân thoát nghèo

Thứ Bảy, 02/02/2019, 10:58
Những ngày cuối năm, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi đằng đông cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ đội xung kích tình nguyện giúp dân thoát nghèo Công an huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) lại gói gọn hành trang lên đường vào các bản, làng ở xã Trà Vinh, một địa bàn hẻo lánh nằm tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đào ao, nuôi cá, bày kế sinh nhai vươn lên thoát nghèo…

Mang lại sự thay đổi cho vùng núi cao heo hút…

Với chiếc ba lô đựng tư trang quen thuộc trên lưng, cùng rựa, cuốc, xẻng, xà ben, cây, con giống và xoong, nồi, chén, bát, thức ăn, gần 20 cán bộ, chiến sĩ đội xung kích Công an huyện vùng cao Nam Trà My sẵn sàng lên đường mỗi ngày cuối tuần, khi trời vừa hừng sáng.

Tôi mang máy ảnh cùng các anh lội bộ, vượt quãng đường gần 20km từ trung tâm huyện về hướng Tây Nam vào thôn 2, xã Trà Vinh. Con đường không còn lầy lội như trước, nhưng càng vào cuối năm tiết trời càng rét đậm, màn sương mù phủ kín núi rừng lạnh buốt. 

Thượng úy Nguyễn Phi Công, Phó Bí thư Chi đoàn Công an huyện Nam Trà My, Đội phó đội xung kích bảo tôi rằng, phải tranh thủ đi từ sáng sớm để ổn định quân số, nhanh chóng giúp người dân được nhiều nhất có thể…

Khi đặt chân đến thôn 2, xã Trà Vinh; trái ngược với suy nghĩ của tôi là nơi núi rừng heo hút này, người dân chưa thoát được đói nghèo đeo bám, thì giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Nhiều ngôi nhà của người dân Ca Dong được xây kiên cố, khang trang; vườn tược, ao cá, vật nuôi cũng đã được đầu tư nên kinh tế hộ gia đình nào cũng khấm khá. 

Anh Bùi Xuân Hai, Trưởng thôn 2 cho hay, trước đây, cả thôn 2 có hơn một trăm hộ dân thì tất thảy đều là hộ nghèo; vì đường sá đi lại khó khăn, người dân không biết làm gì để kiếm ra tiền ngoài những mảnh ruộng, rẫy và sự hỗ trợ của nhà nước. Từ khi có các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My vào đây giúp, bản làng mới được đổi thay như bây giờ. 

“Trước đây, bà con chúng tôi có biết trồng trọt gì nhiều đâu, có cái gì ăn cái đấy, cây cối thì tự mọc, tự ra hoa, kết trái, mất mùa thì cũng đành chịu thôi chứ có biết chăm sóc gì đâu. Nhiều nhà con cái đông quá, không đủ lúa gạo để ăn thì lại quay quắt với cái nghèo. Chúng tôi chỉ nghĩ có được gì ăn nấy chứ chưa từng nghĩ sẽ trồng cây, nuôi con vật để buôn bán mà phát triển như bây giờ”, đôi mắt của anh Hai dường như trĩu nặng khi kể lại một thời người Ca Dong phải sống vạ vật trong đói nghèo. 

Đội xung kích Công an huyện Nam Trà My giúp người dân xã Trà Vinh đào ao nuôi cá.

Lát sau, anh chỉ tay về ngôi nhà xây ở cuối làng, cho biết, đó là ngôi nhà của anh Hồ Văn Thành được đội xung kích Công an huyện Nam Trà My giúp xây dựng. Trước đây, ở chung với gia đình, lại không có vốn đầu tư vào sản xuất, anh Thành đành phó mặc tất thảy nương rẫy, vườn chuối, gà vịt theo kiểu có thì thu hoạch, còn không thì chấp nhận cái đói. 

Năm 2017, qua khảo sát, đội xung kích Công an huyện Nam Trà My đã quyết định giúp anh Thành đào ao nuôi cá hơn 12m², hỗ trợ 500 con cá giống và thức ăn cho 2 tháng rồi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi cá; dựng chuồng nuôi bò, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn. Nhờ vậy, từ đó đến nay, kinh tế của anh Thành khấm khá hơn rất nhiều…

Không chỉ giúp gia đình anh Thành, mà ròng rã suốt hai năm qua, đội xung kích Công an huyện Nam Trà My còn nỗ lực hết mình giúp các hộ dân nơi đây dựng mới 2 căn nhà kiên cố, sửa chữa 4 căn nhà, san lấp 3 nền nhà, đào 7 ao thả cá nước ngọt, 2 ao nuôi vịt, hỗ trợ hơn 2.000 con giống, 700 gốc cây trồng, cải tạo nhiều diện tích đất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, cách vay vốn phát triển chăn nuôi, cách làm ăn hiệu quả để tăng thu nhập gia đình, tuyên truyền pháp luật...

Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…

Để công việc giúp dân vào các ngày cuối tuần được hiệu quả, các chiến sĩ đội xung kích Công an huyện Nam Trà My chia nhau thành từng nhóm nhỏ giúp đỡ các hộ gia đình những công việc như đào ao nuôi cá, làm nền nhà, trồng cây. 

Tôi theo chân nhóm cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên mang cuốc, xẻng đến ngôi nhà của anh Trần Đức Lượng để cùng đào ao cá giúp anh phát triển kinh tế. Ngôi nhà của anh Lượng nằm lưng chừng núi, dù có đất canh tác, chăm chỉ làm ăn nhưng nhiều năm nay anh vẫn bị cái nghèo đeo bám do chưa biết cách tính nuôi trồng đúng cách. 

Qua tìm hiểu, đội xung kích Công an huyện Nam Trà My quyết định giúp anh Lượng đào 2 chiếc ao rộng 50m², 30m², hỗ trợ hơn 1.000 con cá giống, thức ăn cho cá và hướng dẫn anh kỹ thuật nuôi, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có để nuôi cá đạt năng suất cao nhất…

Chẳng ngại khó khăn, vất vả, các cán bộ chiến sĩ nhanh tay vào việc, người dùng cuốc, người dùng xẻng đào, xúc đất. Ở bên góc vườn, còn có một nhóm các chiến sĩ cũng tranh thủ đào đất, hướng dẫn anh Lượng trồng chuối, phát triển kinh tế gia đình. Dù công việc nặng nhọc, nhưng các anh vẫn luôn hào hứng, vừa làm, vừa hát những khúc nhạc vui. 

Trung úy Phan Lê Trung Tín, thành viên đội xung kích, cho biết, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khốn khó. Hoạt động của đội không chỉ giúp bà con thoát nghèo, thay đổi cuộc sống, mà qua đó còn làm cho dân làng thấy được lợi ích từ việc phát triển cây trồng, vật nuôi để học hỏi làm theo. Như thế, việc xóa đói giảm nghèo mới thực sự bền vững, dân làng mới ấm no. 

Một ngôi nhà được đội xung kích sửa chữa.

“Đây không chỉ là trách nhiệm của người Công an, mà còn là một niềm vui của bản thân. Khi giúp được một gia đình phát triển kinh tế thì đồng thời cũng giúp những hộ dân khác từ đó phấn đấu vươn lên. Không những vậy, thông qua việc làm này, chúng tôi còn tiếp xúc được với người dân nhiều hơn, giao tiếp dễ hơn, có mối gắn kết gần gũi hơn, từ đó góp phần làm tốt công tác dân vận”, Trung úy Tín chia sẻ.

Mặt trời đã xuống núi, ao cá đã được hoàn thành sau một ngày miệt mài lao động. Vui mừng trước sự giúp đỡ của đoàn công tác, anh Lượng không tránh khỏi xúc động: “Trước đây có đất nhưng mình không biết làm ăn, thành ra cái nghèo cứ đeo bám. Mình không muốn cứ sống mãi vậy, phải kiếm đường cho con cái sau này đỡ khổ nên đã đăng ký thoát nghèo. Nay nhờ có sự hỗ trợ, giúp sức của các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My và các đoàn viên thanh niên mà gia đình mình có thể vươn lên rồi”. 

Nhìn sang phía ngọn đồi bên kia, nền nhà của anh Hồ Văn Tấn cũng hoàn thành những bước cuối cùng. Các cán bộ chiến sĩ, đoàn viên cũng dừng tay nghỉ ngơi. Uống ngụm nước, đôi mắt Thượng úy Công ánh lên niềm vui sướng. 

Anh nói, kể từ năm 2017, đội xung kích đã giúp được 7 hộ dân Trà Vinh vươn lên thoát nghèo. Đợt này đội sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ đăng ký thoát nghèo của năm nay. 

“Nếu như ở miền xuôi, chuyện này có vẻ nghe bình thường lắm, thế nhưng ở vùng cao này, để được như hôm nay là cả quá trình vận động, thuyết phục để bà con thay đổi nhận thức. Chỉ mong sao các hộ đồng bào dân tộc thiểu số học được cái hay, cái tốt đẹp để chí thú làm ăn thì họ đều có thể thoát nghèo”, Thượng úy Công trăn trở.

Tối hôm đó, những tưởng các thành viên đội xung kích ăn uống và nghỉ ngơi sau một ngày làm việc cật lực. Thế nhưng, các anh còn tranh thủ thời gian đến từng nhà dân để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con bỏ các tập tục mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội, thực hiện nếp sống mới văn hóa, văn minh, lành mạnh, tăng cường tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, chăm lo việc học hành của con em… 

Đồng thời, hướng dẫn người dân kế hoạch tăng gia sản xuất thoát nghèo. Và, tờ mờ sáng hôm sau, khi những con gà rừng cất tiếng gáy gọi bình minh, các anh lại vội vàng dậy thu xếp chăn mùng, nấu bữa ăn sáng và sẵn sàng tay cuốc, tay xẻng, sẵn sàng vật nuôi, cây trồng… để tiếp tục hành trình cho một ngày mới giúp dân. Tiếng cười nói, tiếng hát tươi vui của các anh trong lao động như mang mùa xuân đến thật gần…

Hà Vy
.
.