Chuyện về số tiền gần triệu đô “tình ngay lý gian”

Thứ Sáu, 01/02/2019, 11:18
Linh cảm nghề nghiệp chỉ có ở những con người say mê với công việc. Chính từ niềm say mê, yêu nghề đã giúp họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tạo nên một "giác quan" phán đoán chính xác. 

Câu chuyện chúng tôi kể dưới đây nói về Thượng tá Lê Phú Trường, nguyên Đội phó Đội Kinh tế thương mại, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội. Bằng "linh cảm" của mình, anh đã trả lại sự công bằng cho một nhà đầu tư Nhật Bản...

Linh cảm nghề nghiệp chỉ có ở những con người say mê với công việc. Chính từ niềm say mê, yêu nghề đã giúp họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tạo nên một "giác quan" phán đoán chính xác. 

Câu chuyện chúng tôi kể dưới đây nói về Thượng tá Lê Phú Trường, nguyên Đội phó Đội Kinh tế thương mại, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội. Bằng "linh cảm" của mình, anh đã trả lại sự công bằng cho một nhà đầu tư Nhật Bản...

Vào một chiều cuối năm, tôi tìm gặp Thượng tá Lê Phú Trường,  cán bộ Công an nghỉ hưu. Bây giờ, anh bận rộn với công việc mới, là Trưởng một văn phòng luật sư có uy tín tại Hà Nội. 

Anh cho biết, trong cuộc đời làm điều tra, ấn tượng nhất với anh là vụ án điều tra, làm rõ hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" của Đào Thanh Nhi, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí KiNhi (có trụ sở tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). 

Ấn tượng ấy đã cho anh một bài học về sự cẩn trọng không bao giờ thừa trong lĩnh vực pháp luật, vì nó liên quan đến sinh mệnh, cuộc sống và số phận của mỗi con người. Do vậy, anh luôn nhắc nhở các đồng nghiệp trong văn phòng mình khi tiếp xúc với hồ sơ của thân chủ...

Trở lại vụ án khởi nguồn cách đây tròn 10 năm, nhưng phải gần 3 năm sau, khi thu thập đủ chứng cứ, vụ án mới được khởi tố điều tra. Do tính chất phức tạp, đến tháng 4-2013, hồ sơ mới được chuyển sang Viện Kiểm sát để truy tố. Đối tượng Nhi đã bị Tòa phúc thẩm tuyên phạt mức án chung thân về tội danh nêu trên.

Luật sư Lê Phú Trường nhận hoa chúc mừng.

Nạn nhân trong vụ án này là ông Sugimoto Hiroyuki (quốc tịch Nhật Bản).  người đã bị Đào Thanh Nhi chiếm đoạt số tiền gần 868 ngàn USD.

Trước đó, vào tháng 4-2006, trong một lần về quê chồng là ông Omura Naoki (quốc tịch Nhật Bản), Nhi đã được chồng giới thiệu làm quen với ông Sugimoto Hiroyuki. Biết ông Sugimoto  đang có ý định đầu tư vào Việt Nam, Nhi hứa sẽ thuê giúp 8.000m² đất tại khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên, để ông Sugimoto thành lập Công ty Protechno Việt Nam. 

Thực hiện thỏa thuận trên, ông Sugimoto chuyển cho Đào Thanh Nhi nhiều lần tiền để chi phí thuê đất và thành lập doanh nghiệp, đồng thời chuyển các máy móc thiết bị sang Việt Nam.

Tuy nhiên, với mưu đồ chiếm đoạt tài sản, Nhi đã gian dối lập hồ sơ giải thể Công ty Protechno tại Hà Nội của ông Sugimoto, thành lập Công ty Protechno tại Hưng Yên, làm giả hồ sơ, chữ ký ông Sugimoto  để ông không còn pháp nhân tại công ty mới. Đồng thời, tạo dựng văn bản thỏa thuận giả, biến chủ sử dụng đất hợp pháp trở thành người đi thuê đất của Nhi. 

Sau đó, Nhi gửi thông báo cho ông Sugimoto đơn phương chấm dứt thỏa thuận "cho thuê" nhà xưởng và đóng cửa nhà máy với lý do trong thời gian "thuê đất, nhà xưởng", ông Sugimoto chưa thanh toán tiền như thỏa thuận.

Trước việc làm gian dối trên, ông Sugimoto  đã gửi đơn tố cáo tới Công an sở tại, nhưng vụ việc không được thụ lý, bởi khi mời Nhi đến làm việc, mọi chứng lý đều chống lại ông. Tại cơ quan Công an, Nhi còn xuất trình các phiếu chi có chữ ký của ông này, thể hiện số tiền nhà đầu tư Nhật Bản gửi cho Nhi đã được trả lại đầy đủ.

"Tình ngay lý gian", nhưng ngôn ngữ bất đồng không diễn đạt được, ông Sugimoto hoang mang không biết làm thế nào để được minh oan. Nhờ một người mách bảo, ông tiếp tục gửi đơn tới Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội. Đơn của ông được giao cho Đội Kinh tế thương mại xem xét. Đọc đơn và các tài liệu mà ông Sugimoto gửi đến, Thượng tá Lê Phú Trường  thấy có một số điểm mâu thuẫn: Ngày 30-1-2008, ông Sugimoto nhận số tiền 241.250 USD, nhưng ngày này, ông không có mặt tại Việt Nam. 

Trên hợp đồng vay vốn ngày 3-5-2006 lập tại Osaka Nhật Bản, thể hiện ông Sugimoto vay ông Omura (chồng Nhi) 550.000 USD, khi xác minh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an thì ngày này chồng của Nhi đang có mặt tại Việt Nam... 

Thêm nữa, theo kinh nghiệm của những người thông thạo tiếng Nhật, ngôn từ viết trên các chứng từ thanh toán mà Nhi cung cấp không đúng với ngôn ngữ diễn đạt và tập quán viết chứng từ hóa đơn của người Nhật. Chính từ những mâu thuẫn này khiến Thượng tá Lê Phú Trường  có suy nghĩ: Đơn tố cáo của ông Sugimoto là có cơ sở.

Tuy nhiên, trên 3 tờ phiếu chi thể hiện số tiền mà Nhi trả lại cho ông Sugimoto 11,3 tỷ đồng góp vốn, lại đúng là chữ ký "tươi" của ông. Ông cho biết, trước đây, theo yêu cầu của Nhi, ông đã ký khống, đóng dấu chức danh trên nhiều tờ giấy trắng khổ A4 để Nhi sử dụng trong lúc ông không có mặt tại Việt Nam, nhằm thuận tiện cho công việc xin thuê đất và thành lập Công ty. Bản thân ông rất tin tưởng Nhi, vì giữa ông và chồng Nhi là bạn bè quen biết nhau từ lâu nên mới tin tưởng giao cho Nhi các tờ giấy khống chỉ này. 

Vấn đề bây giờ là phải trưng cầu giám định xem chữ ký và con dấu có trước, nội dung có sau hay ngược lại? Đây là yêu cầu giám định khó, chưa có tiền lệ, nhưng nếu giám định thành công sẽ là mấu chốt của vụ án.

Đáp ứng yêu cầu giám định của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề để xác định phương pháp giám định và cơ sở khoa học của việc giám định có chính xác hay không? Thật may mắn, đúng vào thời điểm này, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an được tiếp nhận một máy soi hiển vi, có thể phóng đại hình ảnh lên tới 1 triệu lần và có thể đo được kích thước của dấu vết với độ chính xác cao đến từng nanomet (nm). 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tiến Quý, Viện trưởng  và các giám định viên Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Tâm, đặc biệt với kinh nghiệm của giám định viên Trần Thị Thảo, đã từng được chuyên gia Liên Xô (cũ) hướng dẫn thực hành giám định thể loại này, việc giám định đã có những kết quả khả quan. 

Yêu cầu đặt ra là phải xác định các hạt mực in bằng công nghệ laser khi in nội dung lên tờ A4 có chữ ký và dấu khống chỉ thì các hạt mực sẽ văng ra khắp trên bề mặt tài liệu, nếu nó nằm đè lên trên chữ ký và con dấu thì tức là Đào Thanh Nhi đã sử dụng các tờ giấy khống chỉ do ông Sugimoto cung cấp để hợp thức hóa việc chiếm đoạt tiền. 

Yêu cầu có vẻ đơn giản, nhưng để xác định sự có mặt của những hạt mực này rất khó, còn phải xét nghiệm xem giữa những hạt mực đè lên chữ ký của ông Sugimoto với mực in nội dung tiếng Nhật có cùng thành phần hóa học hay không để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong giám định. Viện Khoa học hình sự còn tham vấn Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội về nội dung, cách sử dụng từ ngữ trong các chứng từ bằng tiếng Nhật mà Nhi xuất trình... 

Sau gần 5 tháng nghiên cứu, tổ chức thực nghiệm, giám định thận trọng. Ngày 9-9-2009, Thiếu tướng, PGS-TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã ký văn bản kết luận: Toàn bộ phần nội dung của tài liệu gửi giám định đều được in sau phần chữ ký của ông Sugimoto. 

Căn cứ vào kết quả này, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố điều tra; và cũng từ kết quả khoa học trong giám định, mà giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mới thống nhất: Đây là vụ án hình sự chứ không phải là quan hệ dân sự như mâu thuẫn trong quan điểm lúc ban đầu.

Về phía ông Sugimoto, ông rất vui mừng cảm ơn Công an Việt Nam đã minh oan cho ông, giúp ông tiếp tục thực hiện được mục đích là đầu tư, thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Với bản tính khiêm tốn, khi kể lại các tình tiết trong vụ án, Thượng tá Lê Phú Trường luôn nhắc đến công sức của các nhà khoa học khoác áo lính tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Đúng là kết quả giám định đã tạo nên cơ sở pháp lý quan trọng của vụ án. 

Nhưng với tôi, nếu Thượng tá Trường không có trách nhiệm với nghề nghiệp, không có linh cảm chính xác, thì rất có thể, hành vi vi phạm pháp luật của Đào Thanh Nhi sẽ bị bỏ lọt, làm ảnh hưởng tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta.

Bước sang năm mới Kỷ Hợi, xin chúc Thượng tá, luật sư Lê Phú Trường sức khỏe. Trong cương vị mới tiếp tục có những đóng góp nhằm bảo vệ sự nghiêm minh, nhưng cũng đầy tính nhân văn của pháp luật Nhà nước ta.

Đào Minh Khoa
.
.