Hai vụ án và kỷ niệm băng rừng khó quên

Thứ Tư, 28/10/2020, 06:59
Trong quãng đời làm báo, hẳn mỗi phóng viên đều có những kỷ niệm không thể nào quên. Đối với tôi, những chuyến ngược rừng lên Tây Bắc, đồng hành cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an bắt giữ đối tượng gây thảm án là một kỷ niệm đặc biệt.


Thực nghiệm điều tra nơi rừng thiêng, nước độc 

Đêm trước khi rời TP Lào Cai đến nơi đối tượng Tẩn Láo Lở gây ra vụ án mạng kinh hoàng nhất từ trước đến nay ở nơi rừng xanh, tôi trằn trọc chẳng thể chợp mắt. Những chia sẻ của các thành viên ban chuyên án; cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, khi đó đang là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai "đây sẽ là địa bàn khó khăn nhất mà một phóng viên nữ từng đặt chân đến; là địa bàn nơi Phàn A Gát, kẻ từng trốn truy nã gần 25 năm lẩn trốn" nên những cảm xúc trong tôi cứ tuôn trào.

Qua những con dốc thẳng đứng, mưa bắt đầu rơi, sự lo lắng hiện hữu trên gương mặt của đoàn công tác... “Nếu mưa to thì xe ôtô không thể vào đến bản” - một cán bộ trong tổ công tác nói với chúng tôi. Chặng đường từ trung tâm huyện Bát Xát đến hiện trường vụ án khoảng gần 40 km đường rừng nằm vắt vẻo trên sườn núi, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm với những khúc cua tay áo khiến chiếc xe sau gần 2 giờ đồng hồ “vật vã” mới đến nơi.

Người dân và công an xã giúp đẩy chiếc ô tô qua đoạn sình lầy đến hiện trường vụ án do Tẩn Láo Lở gây ra.

Gần đến đầu bản, mưa bắt đầu nặng hạt, tôi buộc phải tăng bo bằng xe máy. Những chiếc xe Win cà tàng như con ngựa sắt già cỗi, chồm lên rồi lại trượt xuống... "Chị cứ bám chắc vào tôi, không sợ ngã..." - anh lái xe ôm bảo. Cả chục lần tôi phải xuống xe bởi không đủ “bản lĩnh” trước những con dốc dựng đứng với những hòn đá lổn nhổn...

Từ đầu làng vào đến nơi xảy ra vụ án mạng chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Trong lúc dẫn giải Tẩn Láo Lở đến hiện trường, tôi cảm nhận được sự lo lắng trên gương mặt của các thành viên ban chuyên án. Không lo lắng sao được khi mà Tẩn Láo Lở như con thú được thả về rừng,  chỉ cần một chút sơ hở, đối tượng có thể bỏ trốn...

Dọc con đường dẫn lên nhà của Tẩn Láo Lở, bà con xung quanh kéo đến tự bao giờ. Họ có mặt trên đường đi, vây xung quanh căn nhà bằng gỗ được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Dao. Ngoài sự tò mò xen lẫn căm hận, tôi cũng cảm nhận được ánh mắt trìu mến, tình cảm của người dân đối với những cán bộ Công an tỉnh Lào Cai. 

Ở địa bàn này chỉ đi bộ thôi cũng mệt... Vậy mà nhiều ngày ròng, các thành viên của ban chuyên án phải trèo đèo, lội suối để lần tìm theo dấu vết đối tượng. Ban ngày thì có thể vạt rừng mà đi song tối đến thì chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm và sự từng trải của các trinh sát...

Phương tiện liên lạc không có, mỗi lần muốn trao đổi thông tin lại phải leo lên chỗ cao nhưng cũng chập chờn, lúc được, lúc mất, việc liên lạc vô cùng khó khăn. Được tận mắt chứng kiến công việc của các anh, chúng tôi càng thêm cảm phục.

Khi tham gia ban chuyên án, có anh em đã phải nén cả nỗi đau do bệnh tật. Căn bệnh cũ tái phát vào đúng thời điểm chuyên án đang trong giai đoạn cam go nhất, theo chỉ định, phải tiến hành một cuộc phẫu thuật và nghỉ dưỡng hoàn toàn nhưng Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai (khi đó đang là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự) vẫn không rời nhiệm vụ. Những lúc dây thần kinh đau nhức, anh vẫn chống gậy cùng đồng đội vượt rừng, lội suối lần theo tung tích đối tượng gây án.

Trong tâm niệm của người chỉ huy ấy, còn một ngày đối tượng gây án nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, anh và các đồng đội vẫn chưa thể yên lòng. Hay có đồng chí vợ ốm đau bất ngờ phải mổ nhưng sau khi ca phẫu thuật hoàn tất, tạm biệt vợ lại gấp rút có mặt tại hiện trường vụ án để cùng anh em tiếp tục truy bắt đối tượng. Điều đó đã cho tôi thấy được lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ Công an tỉnh Lào Cai với mục đích nhanh chóng bắt giữ đối tượng gây án, trả lại sự bình yên cho địa bàn.

Chạy đua với thời gian để cập nhật tin nóng tới bạn đọc

Để có những bài viết chân thực, phóng viên luôn phải chịu khó lăn lộn ở hiện trường thu thập thông tin và đối mặt với áp lực. Đó là việc chạy đua với thời gian, nộp bài đúng hẹn... Ai có thông tin lên nhanh nhất, người đó sẽ chiến thắng. Bởi thế, phóng viên muốn có thông tin sớm nhất, chính xác, một bài báo hay phản ánh sinh động sự việc, thì phải lăn xả với nghề, bất kể thời gian hễ có thông tin là cắp ba lô lên đường.

Tác giả (bên trái) và phóng viên Đinh Hiền có mặt tại hiện trường vụ án ở Lào Cai.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi được là một phóng viên đầu tiên được có mặt tại hiện trường, tiếp cận đối tượng trong một vụ thảm án gây xôn xao dư luận tỉnh Yên Bái vào năm 2015. Hôm đó, sau khi nhận chỉ đạo của đồng chí Tổng Biên tập, tôi vội lên đường, đồ đạc mang theo là chiếc ba lô với lỉnh kỉnh những thứ đồ gồm máy ảnh, máy tính, máy ghi âm rồi nhảy lên chiếc xe ô tô của đồng nghiệp lên đường với chiếc bụng trống rỗng, lúc đó khoảng 12h trưa. Cánh phóng viên nam giới ở báo bạn ưu tiên cho tôi được ngồi ghế trước, vì có lẽ là nữ phóng viên duy nhất. Ngay cả trong khoảng không gian hạn hẹp đó cũng là một cuộc chạy đua về tin tức. Cũng như tất cả các phóng viên khác, chúng tôi vận dụng mọi mối quan hệ để nắm bắt thông tin. Những cuộc điện thoại thường xuyên bị ngắt quãng hoặc thuê bao không liên lạc được...

Vào thời điểm chúng tôi có mặt, Ban Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã huy động hàng trăm quân tỏa đi khắp nơi. Trên cơ sở kế hoạch đã được xây dựng, họ tiến hành khoanh vùng, rà soát theo hướng bỏ chạy của đối tượng nghi vấn là Đặng Văn Hùng, với mục tiêu là nhanh chóng bắt giữ kẻ thủ ác, hạn chế tối đa hoang mang trong dư luận. Những giây phút được theo chân cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, chúng tôi mới cảm nhận được nỗ lực vượt khó của những người  tham gia phá án. Giữa tiết trời nắng nóng của mùa hè, các mũi công tác không quản vất vả chia làm nhiều mũi rà soát theo hướng bỏ chạy của đối tượng nghi vấn.

Căng thẳng nhất có lẽ vẫn là thông tin về việc bắt giữ nghi can Đặng Văn Hùng. Không ít lần tôi và nhóm phóng viên nội chính "ăn" những thông tin giả về việc bắt được Hùng. Trong quá trình này, tôi càng thấm áp lực của một phóng viên. Nếu không có mối quan hệ thì không thể là người đầu tiên.

Ngày thứ ba của cuộc truy tìm kẻ thủ ác, tôi đang ở khu Văn phòng UBND huyện Văn Yên thì nhận được điện thoại của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: "Cô đang ở đâu? Đến ngay Công an huyện". Vẫn cách xưng hô quen thuộc, giản dị của đồng chí Giám đốc nhưng linh cảm nghề nghiệp mách bảo cho tôi rằng Hùng đã bị bắt. Tôi vội lao ngay đến trụ sở Công an huyện Văn Yên. Dự cảm của tôi là hoàn toàn chính xác...

Tay lái xe chuyên nghiệp của Công an tỉnh Yên Bái chỉ vài đường cua đã cắt đuôi được nhóm phóng viên chạy phía sau. Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu nói với tôi, Hùng đã bị bắt giữ. Trong giây phút ấy, tôi cảm nhận được niềm vui trên gương mặt người chỉ huy trận đánh. Mệt mỏi là vậy nhưng khi vừa xuống xe, tôi lao ngay vào công việc. Những thông tin đầu tiên về việc bắt giữ Đặng Văn Hùng được đăng tải trên Báo CAND online đã thu hút một lượng lớn bạn đọc lúc ấy.

Khi đó, tôi không chỉ là phóng viên đầu tiên được trực tiếp gặp gỡ và hỏi chuyện Đặng Văn Hùng và cô gái tên Hán... mà còn là phóng viên đầu tiên và duy nhất được tiếp cận với đối tượng Đặng Văn Hùng ngay khi đối tượng được đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Bài phỏng vấn độc quyền của Báo CAND online vào thời điểm đó cũng đã thu hút được một lượng view "khủng".

Với tôi, đối với một nhà báo, ngoài việc xông xáo, dám nghĩ, dám làm còn phải biết sàng lọc thông tin. Trước mỗi sự kiện, phóng viên còn phải theo đến cùng và lăn xả với nghề. Công việc đó đối với cánh mày râu vốn đã không dễ dàng, với một phóng viên nữ thì còn đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa để có những bài viết sinh động, hấp dẫn đáp ứng được yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật của một tờ báo ngành; đồng thời phải mang tính thời sự nóng bỏng nhằm hấp dẫn bạn đọc, bám sát những cuộc đấu trí của các cán bộ công an trên các mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của người dân.

Với riêng cá nhân tôi, mỗi chuyến đi đều là một sự trải nghiệm; một câu chuyện thực tế để trưởng thành hơn trong nghề.

Xuân Mai
.
.
.