Chuyện của một người mẹ
- Giết người tình theo truyện kinh dị
- Kẻ cuồng tình ôm mìn giết người yêu
- Giết người yêu rồi giấu xác vào bụi rậm
Tôi là một thư ký tòa án ở một huyện lị. Công việc hằng ngày của tôi liên quan đến các phiên tòa với tư cách là thư ký tòa xử các vụ án xảy ra trên địa bàn. Trong đời làm việc của mình, tôi không bao giờ quên được một vụ trọng án. Một câu chuyện để lại cho tôi khá nhiều day dứt mà tôi rất muốn được chia sẻ ra đây.
Vụ án tòa xét xử hôm ấy bị cáo là một thanh niên còn 1 tháng nữa thì tròn 18 tuổi. Có nghĩa là bị cáo vẫn đang ở tuổi vị thành niên, có thể chưa phải chịu năng lực hình sự như người đủ 18 tuổi.
Vụ án tình tiết như sau. Bị cáo tên là Sơn đang học lớp 12 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn. Sơn đem lòng yêu đơn phương một bạn gái tên là Hoa cùng trường nhưng khác lớp. Hoa học lớp chuyên Anh. Do yêu đương quá si mê mù quáng, Sơn đã không làm chủ được bản thân.
Một lần Sơn rình chặn đường Hoa, lúc đấy Hoa đang trên đường đi học về. Sơn ép Hoa lên đồi sim để nói chuyện. Khi nói chuyện, Sơn đã tỏ tình với Hoa. Hoa phản ứng và kiên quyết không nhận lời tỏ tình, em còn có ý nói rằng Sơn không phải là người em quan tâm, hay để ý.
Trước thái độ kiên quyết, tỏ vẻ coi thường Sơn của Hoa, Sơn đã nổi lên sự thù tức, đã bắt ép Hoa quan hệ tình dục. Do cả hai còn quá trẻ, đặc biệt là Hoa, em đang là học sinh trên ghế nhà trường, cuộc sống chưa va chạm, va vấp, chưa có những kỹ năng sinh tồn trong những giờ phút đối diện với cái ác.
Trước một con quỷ đội lốt người như Sơn, thay vì tìm cách để xoa dịu cơn thù tức của Sơn, van nài Sơn buông tha mình thì Hoa đã chống cự quyết liệt, vừa chống cự vừa tỏ thái độ và có lời nói xúc phạm đến Sơn, rằng Hoa ghê tởm một con người như Sơn chứ đừng nói là có yêu đương gì. Chính sự chống trả và thái độ coi thường của Hoa mà Sơn nổi điên bóp cổ giết chết Hoa rồi đẩy Hoa xuống mương nước phía cuối đồi sim.
Không quá khó khăn để lực lượng chức năng điều tra ra vụ trọng án hiếp dâm rồi giết người, và tìm ra thủ phạm trong vụ trọng án. Trong quá trình đọc hồ sơ chuẩn bị tài liệu cho vụ xét xử, tôi được biết mẹ của nạn nhân Hoa là trường hợp làm mẹ đơn thân, chồng bị ung thư mất sớm khi Hoa lên 4 tuổi, khi bà chưa kịp sinh thêm đứa con thứ 2. Bà Phương ở vậy nuôi cô con gái duy nhất của mình. Giờ đây, Hoa đã bị tên Sơn hãm hại giết chết, bà dường như trắng tay, mất hết tất cả.
Điều đáng nói ở đây là bố mẹ Sơn đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, Sơn cùng với hai em nữa ở quê với ông bà nội. Do nhận thức của người dân ở quê còn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, khi vụ trọng án xảy ra, người dân ở địa phương người nói ra, kẻ nói vào, người bàn ngược, kẻ tán xuôi. Đó là lề thói lạc hậu của người dân ở những vùng quê, huyện lị, tỉnh lẻ.
Mọi người bàn tán đồn đoán cho rằng, vì Hoa yêu Sơn rồi mà tính bỏ Sơn theo người khác nên Sơn mới manh động thế, chứ không dưng mà hẹn được nhau ra chỗ vắng để nói chuyện. Thậm chí có người cho rằng, chắc là Hoa đã làm điều gì đó quá đáng với Sơn thì Sơn mới ra tay sát hại Hoa.
Có người ác miệng còn đồn rằng, Hoa có thai với Sơn, bắt đền Sơn, hối thúc Sơn làm đám cưới nên Sơn bí quá cùng đường làm liều. Trước miệng lưỡi thế gian, ông bà nội Sơn không qua đám tang Hoa thắp hương cho Hoa, cũng không có lời an ủi hay xin lỗi bà Phương trước tội ác thảm thương mà cháu họ đã gây ra với con gái bà.
Khi bố mẹ của Sơn từ Malaysia hay tin con trai giết người bay về thấy dân làng đồn đoán như vậy, nóng ruột vì con mình đang đứng trước nguy cơ lĩnh án tử hình đã quá xót xa con mà quên mất nỗi đau của một người mẹ mất con.
Bố mẹ Sơn không những không sang thắp hương cho Hoa mà còn không bày tỏ sự hối hận xin lỗi với mẹ của Hoa, lại còn bắn tiếng trách móc. Cả nhà Sơn cho rằng, nếu Sơn không vướng phải Hoa thì giờ này con cái họ đã không phải ở tù, số phận không biết sống chết thế nào...
Về phía bà Phương, khỏi phải nói nỗi đau khổ tột cùng của một người mẹ có chồng mất sớm, ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất. Đứa con gái sắp trưởng thành, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời thì cuối cùng lại bị giết hại bởi một người bạn.
Ngày ra tòa, từ phiên sơ thẩm rồi đến phiên phúc thẩm, bà Phương gầy gò yếu ớt như một cái cây đã héo rũ không còn sự sống. Khi đến tham dự phiên tòa, bà yếu đến nỗi phải có hai người dìu mới đi nổi.
Tại phiên tòa, bà ôm di ảnh của con gái như bao bà mẹ khác trong vực thẳm của nỗi đau mất con. Không cất nên lời nào khi nhìn thấy tận mắt kẻ thủ ác, bà chỉ gục đầu và lặng lẽ để cho những dòng nước mắt giàn giụa chảy trên đôi má nhăn nheo kiệt quệ vì đau khổ.
Thật lạ lùng. Thông thường những phiên tòa xử kẻ giết người, bên bị hại sẽ tột cùng uất hận, sẽ la hét mỗi khi đối diện với hung thủ trước vành móng ngựa, sẽ xỉ vả, lăng mạ, chửi bới cho xả bớt đi nỗi đau thương. Thế nhưng khi tham dự tòa, người mẹ của Hoa đi cùng với khoảng 10 người trong họ hàng. Ai cũng đeo khăn tang và ngồi ở một góc phòng xử án lặng lẽ lau nước mắt.
Khi tòa mời bà Phương đại diện cho bên bị hại thẩm vấn, bà Phương chỉ khóc và nghẹn ngào nói: "Thưa tòa, hôm nay tôi mang di ảnh con gái tôi đến tòa để con được chứng kiến vụ xét xử kẻ gây ra tội ác cho con. Mẹ con tôi chứng kiến tòa xét xử, để trả lại công bằng cho con gái tôi, và làm rõ tội ác của bị cáo.
Con tôi sắp tròn 18 tuổi, lẽ ra cháu được sống một cuộc sống với tương lai rộng mở, nhưng nay cháu phải chết dưới bàn tay oan nghiệt của kẻ giết người. Con tôi không có tội tình gì, tòa cũng đã làm rõ các tình tiết và lời khai của bị cáo cũng cho thấy bị cáo yêu đơn phương con gái tôi rồi sinh ra tà ý mà hãm hiếp con gái tôi đến chết. Tôi không có mong muốn gì hơn là luật pháp công bằng, kẻ thủ ác phải ra trước pháp luật để đền tội.
Từ ngày con tôi bị Sơn giết hại, gia đình tôi chưa nhận được một lời xin lỗi nào từ phía bị cáo. Bố mẹ bị cáo thậm chí cũng chưa đặt chân đến thắp cho con tôi một nén hương. Dân làng đồn thổi vì con tôi mà con họ vướng vào vòng lao lí. Tôi rất đau khổ.
Đau khổ vì mất con một nhẽ, đau khổ thêm không biết bao nhiêu vì miệng đời bạc ác. Nhưng tôi hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm cho nỗi đau của bố mẹ bị cáo. Họ cũng đang đứng trước nỗi hoảng sợ sẽ mất con, con mình sẽ phải đối diện với án tử hình.
Làm cha làm mẹ mà mất đi đứa con ruột thịt, khác nào chết đi cả cuộc đời. Thế nên việc họ không sang nhà tôi thắp hương cho con tôi, hay xin lỗi tôi một câu, tôi hiểu nỗi lòng của họ khi chưa hiểu đúng sự thật, và cái khó của họ trong lúc này và tôi tha thứ được.
Chỉ xin tòa, con gái tôi đã không còn nữa, xin đừng để gia đình họ lại mất thêm một đứa con. Tôi chính thức đứng ra có lời xin cho con trai họ được sống. Tôi nghĩ, tôi nói ra điều này chắc con gái tôi trên thiên đàng cũng mỉm cười và đồng ý. Tha thứ sẽ giúp cho con tôi siêu thoát nhanh hơn. Tôi xin hết".
Bà Phương vừa nói vừa dừng lại để thở, để lau nước mắt. Cả phòng xử án hôm đó lặng người đi. Bao nhiêu tiếng khóc kìm nén nay vỡ òa. Cả hai bố mẹ của bị cáo chạy đến bên bà Phương quỳ lạy bà Phương, vừa lạy xin lỗi vừa khóc lóc.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Sơn lúc này mắt đỏ hoe. Phiên xử hôm ấy, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Sơn quay qua bà Phương, mẹ của Hoa vừa khóc vừa lí nhí nói, giọng méo xệch: "Cháu xin được chết để đền tội ạ. Trước tấm lòng cao thượng của bác, cháu có sống cũng ân hận, day dứt cả đời".
Phiên tòa xử phúc thẩm, bà Phương vắng mặt. Đại diện quyền lợi của người bị hại chỉ có duy nhất một người là em trai bà Phương. Suốt cả phiên tòa, người em trai không nói câu gì, cũng như bà Phương trước đó, không một lần nhìn mặt bị cáo. Khi được tòa gọi hỏi, ông Huy - em trai bà Phương lau nước mắt trình lên tòa đơn xin giảm án tử hình cho bị cáo Sơn do bà Phương viết.
Ông Huy nói: "Chị tôi từ ngày cháu Hoa mất bị suy sụp tinh thần, sức khỏe rất yếu. Chị tôi không tham dự phiên tòa được, chị tôi chỉ có một lời thỉnh cầu gửi cho tòa xin giảm án cho bị cáo Sơn, đừng để cậu ấy phải chết để rồi thêm một gia đình mất con nữa. Xin hết".
Vụ án đó, Sơn thoát án tử hình xuống chung thân, một phần nhờ lá đơn nhân đạo của bên bị hại. Tôi cũng được biết thêm rằng, sau phiên sơ thẩm, gia đình bị cáo Sơn lúc này mới thay nhau đến nhà bà Phương để tạ lỗi và cảm ơn tấm lòng nhân đức của bà Phương.
Nhưng bà Phương từ chối không tiếp bất kỳ ai. Bà chỉ nói rằng, nếu trong lòng gia đình bị cáo có chút thiện tâm, đã không cư xử với con gái bà và bà như trước đó. Bà không hận, chỉ là không muốn làm phiền. Bà muốn được an tĩnh.
Có lẽ đó cũng là phiên tòa duy nhất tôi chứng kiến đẫm nước mắt đau thương mà đầy tính nhân văn của một người mẹ trong tận cùng mất mát. Đây cũng là một câu chuyện thật khó tin nhưng đã xảy ra, và tôi đã được chứng kiến trong đời làm thư ký tòa của mình.
Người mẹ mất con đã không vì uất hận với kẻ thủ ác, không vì lời van xin hay mua chuộc bằng vật chất của bên bị cáo, nhưng đã tha thứ và hơn thế nữa còn cầu xin tòa giảm án cho bị cáo - người đã gây ra nỗi đau, sự tổn thất vô phương bù đắp đối với bà.
Kính thư!
Phan Thị Tuệ
Lời Ban biên tập Kính thưa chị Tuệ, thưa quý độc giả! Câu chuyện về một người mẹ được chị Phan Thị Tuệ chia sẻ ra đây đã mang đến cho chúng ta một bài học về lòng nhân, sự thiện tâm ở đời mà không phải bất kỳ ai trong chúng ta cũng học được điều tốt đẹp đó. Một người mẹ trong tột cùng nỗi đau mất con. Một người mẹ chỉ có một đứa con duy nhất làm niềm an ủi trong cuộc đời. Mất con, người mẹ như chết đi cả cuộc đời mình. Vậy mà trong tận cùng nỗi đau ấy, cách cư xử bạc bẽo, vô lương tâm, thiếu văn hóa của gia đình kẻ thủ ác lại thêm một lần nữa gieo vào nỗi đau của người mẹ thêm những vết thương sâu hoắm. Thế mà, thay vì uất hận, thay vì bắt kẻ thủ ác phải đền tội, thay vì bắt đền tiền bạc hay bù đắp vật chất... người mẹ đau khổ ấy đã tha thứ cho kẻ thủ ác. Không những tha thứ mà người mẹ ấy còn viết đơn xin giảm án, xin tha tội chết cho kẻ đã gây ra cái chết cho con gái mình. Thử hỏi, trên thế gian này, có ai trong hoàn cảnh của người mẹ đau khổ kia có thể đủ sức để mà làm được điều vĩ đại như bà không? Tôi e rằng, thật là hiếm. Tha thứ là một việc rất khó trong những hoàn cảnh đặc biệt như bà mẹ này. Tha thứ cho kẻ gây ra tội ác với đứa con duy nhất của mình, tưởng như là việc không bao giờ có... Vậy mà trong cuộc đời này, đã có một bà mẹ làm được điều vĩ đại đó. Cảm ơn chị Tuệ đã chia sẻ cho chúng tôi một câu chuyện sâu sắc về lòng nhân từ và thói bạc ác. Lòng nhân từ đã khiến cho bà mẹ vĩ đại trên trở nên bất tử đúng không chị Tuệ. Một lần nữa kính chúc chị mạnh khỏe và cho chúng tôi gửi lời tới bà Phương - một người mẹ hiếm hoi trong thế gian này. |