Tiếng đàn Chapi trên vùng cao Ma Nới

Thứ Ba, 24/01/2023, 21:23

Từ thời xa xưa, người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận không có điều kiện sở hữu nhạc cụ Mã La để gõ trong các nghi lễ nên đã sáng chế cây đàn Chapi – một loại nhạc cụ đơn sơ hơn, nhưng thanh âm phỏng theo tiếng Mã La. Và, đã bao đời nay, tiếng đàn Chapi được ví như “linh hồn” trong các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai…

Trong dòng chảy thời gian đã gần 30 năm qua, cây đàn Chapi đã được đông đảo người yêu âm nhạc trong và ngoài nước biết đến từ nhạc phẩm “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến, sáng tác sau chuyến đi thực tế ở Ninh Thuận vào năm 1993. Sinh thời, nhạc sĩ Trần Tiến từng kể lại rằng, lúc đó ông cùng một số đồng nghiệp trong hành trình tìm kiếm một nhạc cụ độc đáo của dân tộc để đưa sang châu Âu giới thiệu. Khi dừng chân bên một nhà sàn ở huyện miền núi Ninh Sơn, tình cờ ông gặp người đồng niên dân tộc Kinh đã rời quân ngũ kết hôn với một phụ nữ dân tộc Raglai, đang sinh sống trong căn nhà sàn đơn sơ cùng với một số vật dụng sinh hoạt đều được làm bằng tre nứa chọn lọc từ những cánh rừng; trong đó có cây đàn Chapi cũng được chế tác từ cây tre bởi bàn tay tài hoa của người Raglai.

Tiếng đàn Chapi trên vùng cao Ma Nới_CAND_TET2023_T47 -0
Nghệ nhân Chamaléa Âu truyền giảng về cách làm và chơi đàn Chapi.

Lần đầu tiên nhạc sĩ Trần Tiến được nghe tiếng đàn Chapi và câu chuyện về mối tình của người đồng niên, ông mê mẩn cây đàn nên mới hỏi mua, nhưng gia chủ không bán mà dành tặng riêng ông để làm kỷ vật sau chuyến đi ở miền sơn cước. Cảm xúc dâng trào đã khiến cho nhạc sĩ Trần Tiến viết nên tình khúc phiêu du “Giấc mơ Chapi”. Trong chuyến đi lưu diễn cùng nhóm du ca Đồng Nội tại châu Âu, lần đầu tiên Trần Tiến trình diễn “Giấc mơ Chapi” trên sân khấu ở Pháp và Hà Lan, đồng thời giới thiệu nhạc cụ Chapi với bạn bè quốc tế. Sau đó nghệ sĩ nhân dân Y Moan là người đầu tiên trong nước cất tiếng hát “Giấc mơ Chapi” và cũng là ca sĩ thể hiện ca khúc này thành công nhất, gắn bó sâu sắc nhất cho đến cuối đời. Và trong hành trình du lịch Việt Nam hàng chục năm qua, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm về vùng cao Ninh Thuận với mong ước được ngắm nhìn, lắng nghe những thanh âm từ tiếng đàn Chapi của người Raglai trong căn nhà sàn bên màu xanh bạt ngàn của núi rừng đậm chất hoang sơ mà hùng vĩ.

Trong nắng sớm tinh khôi ngày đầu năm mới, Trung tá Phạm Quang Dũng – Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) Công an huyện Ninh Sơn đưa chúng tôi về xã vùng cao Ma Nới, cách xa phố huyện hơn hai chục cây số. Mải miết đi trên những con đường uốn lượn quanh co giữa miền rừng lãng đãng mờ sương của buổi chớm giêng, chúng tôi cảm nhận dường như trong tiếng gió núi miên man đang ngân lên những ca từ mang hơi thở cuộc sống vùng cao giàu chất lãng mạn: “Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai…”. Phiêu lãng hơn nữa là ở nơi đó “Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa” mà “Chỉ có một mùa yêu nhau”.

Trò chuyện với phóng viên, nghệ nhân Chamalé Âu ở làng Do, xã Ma Nới nói rằng, để chế tác cây đàn Chapi cần phải chọn cây tre già trên núi cao đưa về hong phơi trên gác bếp vài tháng cho khô, ống tre phải tròn đều, vỏ mỏng và bóng mượt thì thanh âm mới có hồn. Thông thường, mỗi ống đàn dài 30 - 40cm, đường kính 10-12cm, người chế tác dùng dao sắc nhọn khoét vỏ tre bật lên thành 8 sợi dây đàn, mỗi dây cách nhau khoảng 2cm rồi vuốt nhẵn, mịn. Ở hai đầu cài đặt những chốt tre nhỏ để nâng sợi dây đàn cao hơn thân đàn trước khi kết nối từng cặp dây đàn lại, trên đầu mỗi ống đàn khoét lỗ bằng mũi sắt nung lửa để tạo âm... Dây đàn quá dày thì âm thanh trầm cứng, thiếu độ rung ngân, dây mỏng thì âm thanh bay bổng hơn nhưng rất dễ gãy, nên người chế tác đàn Chapi phải có bàn tay khéo léo, tài hoa, có khả năng cảm thụ âm thanh để điều chỉnh sao cho “êm lỗ tai, ưng cái bụng”.

Chế tác đã khó, nhưng chơi đàn Chapi còn khó hơn. Có lẽ vì thế cùng với sự ra đời của nhiều loại nhạc cụ hiện đại và xu hướng tiếp cận âm nhạc của giới trẻ đã khiến cho số người chế tác và chơi đàn Chapi trong vùng đồng bào dân tộc Raglai ở miền núi Ninh Thuận và Khánh Hòa còn rất ít. Trước nguy cơ cây đàn Chapi đi vào quên lãng và chỉ còn là… giấc mơ, nhiều chuyên gia văn hóa dân gian đã và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp bảo tồn nhạc cụ này trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai từ các lễ hội, đồng thời vận động các nghệ nhân truyền lửa cho thế hệ trẻ thắp sáng tình yêu và niềm đam mê bản sắc văn hóa dân tộc từ những âm thanh độc đáo của cây đàn Chapi, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an.

Tiếng đàn Chapi trên vùng cao Ma Nới_CAND_TET2023_T47 -0
Khèn bầu, đàn Chapi, sáu bầu... là những loại nhạc cụ gắn liền với đời sống tinh thần của người Raglai ở Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Việt Quốc.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới tự hào cho biết, trong hai cuộc kháng chiến, Ma Nới là căn cứ địa cách mạng của Ninh Thuận, đồng bào dân tộc Raglai đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, dũng cảm, kiên cường đánh địch, góp phần tích cực giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ma Nới đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” từ năm 2022, đến tháng 2/2020 Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Ma Nới là “Xã An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Đại úy Ka Tơr Vượng, Trưởng Công an xã Ma Nới cho hay, là địa bàn vùng cao, tiếp giáp hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) và huyện Tuy Phong (Bình Thuận), Ma Nới được xếp vào xã miền núi đặc biệt khó khăn với 98% hộ gia đình là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống bằng nghề nông. Trong 3 năm qua, lực lượng Công an xã Ma Nới thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả mô hình đảm bảo ANTT. Cụ thể như mô hình “Tộc họ tự quản về ANTT” trong 6 tộc họ Tà Yên, Vari Nhông, Pi Năng, Ka Tơr, Pa Lây, Ta Pố; mô hình “Trường học an toàn về ANTT” tại Trường Dân tộc Nội trú Phan Đình Phùng… Đồng thời phối hợp với 16 tổ nhân dân tự quản tăng cường phổ biến pháp luật, tổ chức tuần tra kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phạm pháp… Nhờ đó, tình hình ANTT ở Ma Nới luôn đảm bảo giữ vững ổn định.

Một số hoạt động truyền đạo trái phép đã được phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, 95% vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải ổn thỏa từ cơ sở. Ma Nới hiện là địa bàn “sạch” về ma túy, mại dâm; trong số 11 vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra trong năm 2022, chỉ có 1 vụ phạm pháp hình sự. Từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhiều tập thể, các nhân xuất sắc được Bộ Công an, UBND, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận và UBND huyện Ninh Sơn tặng bằng khen, giấy khen; trong đó có những điển hình tiêu biểu là các ông Ka Tơr Mâu, Ka Tơr Diêng, Va Ri Nhông Phong, Đỗ Đăng Khanh…

Đề cập đến công tác bảo tồn văn hóa dân gian ở địa phương liên quan đến cây đàn Chapi, Đại úy Ka Tơr Vượng cười vui vẻ: “Tôi là người con của đồng bào dân tộc Raglai, nên luôn cảm nhận âm thanh cây đàn Chapi là “hồn vía cha ông”. Vì thế, tôi đã cùng nhiều cán bộ chuyên trách văn hóa các cấp thường xuyên động viên thanh, thiếu niên ở địa phương dành thời gian tiếp cận nghệ nhân Chamalé Âu – người đã giành nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy chứng nhận sau những lễ hội, cuộc thi chế tác, trình diễn tiếng đàn Chapi, để tiếp thu, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nhạc cụ của dân tộc”. Rời vùng cao Ma Nới trong nắng xuân lấp loáng, chúng tôi thầm tin “hồn người Raglai” sẽ mãi đong đầy trong mỗi nhịp rung từ tiếng đàn Chapi giữa cuộc sống yên bình ở Ninh Thuận – vùng đất cực Nam Trung bộ đang có nhiều bứt phá phát triển kinh tế – xã hội…

Hữu Toàn
.
.
.