GS.TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Người dân cần gì, cuộc sống cần gì thì hãy đi vào hướng đó

Thứ Ba, 21/12/2021, 12:52

Cuối tháng 11/2021, tại công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức lễ ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là ý tưởng của GS.TS, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí và một số nhà khoa học, đồng nghiệp nhằm lưu giữ, phát huy những giá trị di sản các nhà khoa học Việt Nam thời hiện đại. Nhân dịp này, GS Nguyễn Anh Trí đã có cuộc trao đổi thú vị về chuyện đời và niềm tự hào mang tên “Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam”.

PV: Xin chào GS Nguyễn Anh Trí, mới đây trong cuộc “trò chuyện cuối tháng” trên chuyên đề An ninh Thế giới cuối tháng của Báo CAND, ông có tâm sự về quá trình phấn đấu để trở thành một thầy thuốc, một đại biểu Quốc hội. Thực ra tôi nghĩ, nếu ông không là một ĐBQH, có lẽ ông sướng hơn. Danh vị ông cũng có, tiền ông cũng có – và là tiền sạch; ông thoải mái tiêu và làm từ thiện, nhưng ông lại trăn trở phấn đấu trở thành một ĐBQH, để được làm cầu nối giữa cử tri và Quốc hội. Tôi thường mặc định như thế này, mảnh đất miền Trung trong đó có Quảng Bình quê hương ông, thiên nhiên khá khắc nghiệt song con người thật giàu nghị lực, bền ý chí. Nếu ông đồng tình, thì đề nghị ông lý giải điều đó?

GS Nguyễn Anh Trí: 

Cám ơn suy nghĩ đó của nhà báo và suy nghĩ đó hoàn toàn đúng! Vì thực tiễn nó đã minh chứng rồi! Có điều tôi muốn tâm sự rất thật, tôi sinh năm 1957, rời quê hương năm 1976 và sinh sống ở Hà Nội, nhưng đã làm việc tại nhiều địa phương khác trên cả nước, tôi nhận thấy rằng, nhiều nơi, cũng có rất nhiều người cũng rất nghị lực và quyết tâm lớn (cười)!

anh 1-gs tri.jpg -0
GS.TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí.

PV: Tôi hình dung một cậu bé Nguyễn Anh Trí, hàng ngày vừa chăn trâu cắt cỏ, lại vừa phải tránh bom đạn, học bài trong những căn hầm, địa đạo… Và cậu bé ấy đã dần hình thành ý chí, nghị lực để vươn lên, như những câu thơ của Bùi Minh Quốc trong Bài thơ về hạnh phúc: Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi học, đi làm/Những vồng khoai, ruộng lúa vẫn xanh tràn/Trong một góc vườn cháy khét lửa Napal/Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/Và em gọi đó là hạnh phúc...

Đề nghị ông chia sẻ đôi điều về gia đình và kỉ niệm tuổi thơ với quê hương? Và nếu có thể, ông “chiết tự” cái tên Nguyễn Anh Trí, một cái tên mà theo tôi, rất hay và ý nghĩa!

GS Nguyễn Anh Trí:

Năm 1964, chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ nổ ra, Quảng Bình thiệt hại rất nặng, là “tuyến lửa”. Quãng đời tôi đi học, từ 1964-1975, là giai đoạn ác liệt. Thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh thì ác liệt, gia đình thì nghèo. Mẹ tôi là nông dân không biết chữ, bà mù chữ, chỉ viết được chữ “Hằng” – là tên bà, chắc ai đó tập cho bà! Ba tôi là bộ đội kháng chiến chống Pháp, là y sĩ trong quân đội. Sau 1954, cụ làm y tế phục vụ ngành lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình…

Ba tôi có nguyện vọng cháy bỏng là các con được học tập. Anh tôi tên Tài (Nguyễn Văn Tài, sau này cũng là giáo sư, thiếu tướng Quân đội). Vì họ gia đình tôi là “Nguyễn Văn…”, nên tên khai sinh của tôi là Nguyễn Văn Trí. Ngay từ khi tôi mới 5 tuổi trở đi, ba hay nói với tôi rằng, ba đặt tên con là Trí, để sau này con có thể sống bằng trí tuệ của mình. Đó là nguyện vọng của ba. Điều đó đã ám ảnh, thôi thúc tôi phải sống, làm việc bằng trí tuệ của mình, để thỏa cái nguyện vọng của ba.

Anh Tài của tôi học giỏi lắm. Một hôm anh đọc trên tạp chí “Toán học & Tuổi trẻ”, thấy tên ông Phó Tiến sĩ là Nguyễn Anh Trí. Tối hôm đó trong bữa cơm gia đình, anh Tài nói với ba tôi: “Ba ơi, đổi tên cho em Trí thành Nguyễn Anh Trí đi, để sau này nó trở thành phó tiến sĩ!”. Chuyện này cũng tác động tôi giống như lời ba tôi lúc trước, tôi lại nung nấu làm sao phải trở thành phó tiến sĩ để thỏa mãn bằng được mong muốn của anh trai mình (cười)!

Khi vào Đại học Y Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu xem ở đây người ta có đào tại phó tiến sĩ hay không!

Tôi còn có cái “nghề” đặt tên nữa nhé. Tôi đã đặt tên cho nhiều đứa trẻ (cười)! Người Phương Đông mình đặt tên theo nghĩa. Cái nghĩa đó, bố mẹ kì vọng vào đấy! Cha tôi kì vọng tôi sống bằng trí tuệ, anh tôi kì vọng tôi trở thành phó tiến sĩ. Khi tôi qua Nhật học, họ viết tên tôi ra bằng chữ Hán (Kanji), rồi họ nhận xét “cái tên đó là cực hay, “Trí” là trí tuệ, thêm chữ “Anh” vào, đó là anh minh, sáng suốt!”

anh 2.jpg -0
Bên ngoài Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

PV: Tôi nhớ khoảng dăm năm trước, vào ngày ông rời cương vị Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hàng ngàn cán bộ, nhân viên và bệnh nhân đã xuống sân lưu luyến chia tay ông. Tôi nghĩ, “cứu một người phúc đẳng hà sa”, tình cảm của cán bộ nhân viên (CBNV), người bệnh và thân nhân họ dành cho ông là lẽ tự nhiên. Cảm xúc của ông khi rời Viện, chia tay những CBNV, người bệnh buổi sáng hôm đó như thế nào?

GS Nguyễn Anh Trí:

Hôm ấy là sáng ngày thứ Hai đầu tuần, mọi người xuống sân để chào cờ. Chào cờ xong thì mọi người nán lại chia tay tôi. Họ là nhân viên của tôi, là các học trò của tôi và bệnh nhân tại viện phải đến hàng ngàn người. Mọi việc diễn ra tự nhiên và có phần hơi bất ngờ, nhất là việc họ ôm tôi, họ khóc… Cảm xúc của buổi chia tay đó là hết sức cảm động, hết sức tuyệt vời và đáng nhớ. Tôi luôn coi đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời. Dù tôi đã từng có những giải thưởng rất lớn về khoa học, về quản lý, về cống hiến… nhưng một phần thưởng tự nguyện, tự phát, tự đáy lòng mọi người như vậy là vô giá.  

anh 3 qs.jpg -0
Toà nhà Quyển sách và toà nhà Cánh bướm – điểm nhấn kiến trúc tại MEDDOM Park.

 PV: Thật bất ngờ từ việc khai sinh MEDLATEC và vận hành nó hiệu quả, ông lại nảy sinh ý tưởng đầu tư xây dựng Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM Park) tại Hòa Bình. Tôi đã đến thăm nơi này và thực sự bị choáng ngợp với kho tư liệu, di sản đồ sộ về các nhà khoa học Việt Nam mà MEDDOM đã có được. Đây không phải là Bảo tàng tư nhân đầu tiên, nhưng nó có lẽ là mô hình Công viên – Bảo tàng đầu tiên mang sứ mệnh vừa lưu giữ, bảo quản, vừa khai thác, phát huy giá trị di sản các nhà khoa học Việt Nam. Từ một thầy thuốc, bỗng dưng chuyển qua làm công tác văn hóa, giải trí, ông có tự tin không? Ông có nghĩ mình sẽ thành công với đứa con cũng phải mang nặng đẻ đau, đầu tư rất tốn kém như MEDDOM Park?

GS Nguyễn Anh Trí:

Trong quá trình học tập và làm việc, tôi nhận ra những đóng góp của các Nhà khoa học Việt Nam là rất to lớn, là rất đáng trân trọng. Bởi vậy tôi muốn gìn giữ, lưu lại và muốn phát huy để nhiều thế hệ biết, học tập và noi gương. Điều đó đã trở thành đam mê lớn, thôi thúc tôi.

Rất may ý nghĩ đó đã được vợ con tôi ủng hộ. Con trai tôi, Nguyễn Trí Anh, khi đó còn nhỏ biết chuyện, nó nói: “Con rất tôn trọng ý nghĩ của ba mẹ, ba mẹ cứ vậy mà làm!”.

anh 5.jpg -0
Những cuốn sách do cán bộ Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam biên soạn.

Cái gặp may nữa là tôi gặp được những người bạn tốt ủng hộ tôi việc này, đặc biệt là TS Trần Văn Tính – nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Medlatec. Tôi còn nhớ có một buổi chiều mùa đông, tôi nói với Tính, “Anh muốn sau này mình làm cái gì đó để lưu giữ tài liệu và hiện vật của các nhà khoa học và phát huy được giá trị của nó”. Tính nói: “Em cũng rất thích làm vậy!”.

Thế là chúng tôi bắt tay làm, cũng đã được gần 15 năm rồi. Tập đoàn MEDLATEC là đơn vị đầu tư để xây dựng MEDDOM – gồm cả Trung tâm di sản các Nhà khoa học Việt Nam (ở Hà Nội) và cả Công viên di sản các Nhà khoa học Việt Nam (ở Hòa Bình).

Tôi rất có niềm tin vào sự thành công của MEDDOM. Bởi lẽ, hiện nay MEDDOM đã nhận được sự ủng hộ lớn của các nhà khoa học, của nhân dân, của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam… Tôi thấy hạnh phúc vì làm được một công việc có ý nghĩa đối với các nhà khoa học, đối với cuộc sống, đối với đất nước. Và nhất là mình được thỏa chí tang bồng (cười)! MEDDOM thực sự là đích đến của cuộc đời tôi.

anh 4.jpg -0
Một góc trưng bày các tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tại MEDDOM Park.

PV:  Thưa GS Nguyễn Anh Trí, tôi chắc rằng nếu hỏi ông được lựa chọn lại khi vào đời, ông sẽ nói vẫn chọn ngành Y, làm thầy thuốc. Vì ông đã thành công và thành danh nhờ ngành Y. Vậy thì ta sẽ nói về thì tương lai: Ông có những ý tưởng mới nào có thể chia sẻ trên cương vị một ĐBQH, một thầy thuốc và một nhà hoạt động văn hóa?

GS Nguyễn Anh Trí:

Với tôi, người dân cần gì, cuộc sống cần gì, tôi sẽ đi vào hướng đó, phục vụ theo hướng đó. Cho đến nay, tất cả các mảng công việc khi tôi trên cương vị của một ĐBQH – được góp sức lực vào xây dựng đất nước, cương vị của một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người, của một thầy giáo để đào tạo cán bộ, hoặc là một người sáng lập ra MEDLATEC để làm dịch vụ y tế, hoặc thành lập ra MEDDOM để tham gia vào các hoạt động văn hóa, và cả khi làm người sáng tác ca khúc, sáng tác thơ và viết văn nữa tôi đều suy nghĩ và làm việc theo định hướng trên.

Và tôi thấy cái gì cũng thú vị cả (cười)!

PV. Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Giáo sư!

Duy Hiển – Viết Phùng (thực hiện)
.
.
.