Xúc động trước chân dung mẹ Việt Nam anh hùng vẽ bằng nét cọ

Thứ Hai, 29/04/2019, 14:30
Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống (NTT) Huế lần thứ 8 năm 2019 diễn ra từ 26-4 đến 2-5, UBND TP Huế và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức triển lãm chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) với tên gọi “Họa sĩ Đặng Ái Việt - Nét cọ tạc những tượng đài thời gian”.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 134 chân dung Bà mẹ VNAH, trong đó có những mẹ quê hương Thừa Thiên - Huế. 

Những bức chân dung không đơn thuần chỉ là hình ảnh mà còn là tâm hồn của các mẹ, là những câu chuyện kể về nỗi đau, chia ly, mất mát và trên hết là sự hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Mỗi bức chân dung là một câu chuyện, cuộc đời của một Bà mẹ VNAH có chồng, con hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.

Triển lãm giới thiệu đến người dân, du khách 134 chân dung Bà mẹ VNAH do nữ họa sĩ Đặng Ái Việt thể hiện bằng cọ.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, một người con quê hương Tiền Giang, nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên giảng viên Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. 

Trong 8 năm qua, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc từ đất mũi Cà Mau, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến TP Hồ Chí Minh, hay Thủ đô Hà Nội lên các tỉnh miền núi phía Bắc, vào các tỉnh duyên hải Miền Trung đầy nắng lửa để khắc họa 1.700 chân dung Bà mẹ VNAH - những tượng đài thời gian bất tử. 

Mẹ VNAH Đặng Thị Bầu (SN 1926) có chồng và 2 người con hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ năm 1960-1973. Ngày 23-5-2011, họa sĩ Đặng Ái Việt phác họa chân dung Mẹ Bầu tại nhà tình nghĩa số 41 Phạm Ngọc Thạch, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Mẹ VNAH Trần Thị Năm (ảnh góc trái). Mẹ Năm ở ấp 3, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Từ năm 1970 đến 1973, ba người con của mẹ Năm lần lượt anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước.

Những Bà mẹ VNAH còn sống ở TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội hay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên được họa sĩ Ái Việt khắc họa như những “tượng đài bất tử”.

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, ngoài mục đích giới thiệu chân dung các mẹ VNAH, triển lãm còn truyền đến người xem thông điệp về ân tình sâu nặng, trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các Anh hùng liệt sĩ nói chung và Bà mẹ VNAH nói riêng. Qua đó thể hiện đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” mà bao thế hệ người Việt luôn khắc cốt, ghi tâm.

Xúc động với hình ảnh em học sinh ôm chầm lấy bức chân dung Mẹ VNAH.

Ngày 6-9-2010, họa sĩ Ái Việt hoàn thành tác phẩm chân dung Mẹ VNAH Võ Thị Dệt. Mẹ Dệt (SN 1911, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Cả 5 người con của Mẹ đều hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống giặc bảo vệ Tổ quốc từ năm 1968 đến 1970.

Sinh năm 1920 ở tỉnh Hậu Giang, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kiên có chồng và 2 người con hy sinh vào năm 1960-1968. Chân dung của Mẹ Kiên được họa sĩ Ái Việt vẽ vào tháng 4-2011.

Triển lãm là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019); đồng thời tri ân các Anh hùng liệt sĩ, những Bà mẹ VNAH đã không tiếc xương máu, cống hiến, hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong 8 năm qua, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để khắc họa 1.700 chân dung Bà mẹ VNAH.

Chân dung các Bà mẹ VNAH được họa sĩ Ái Việt khắc họa như thật qua nét cọ tài hoa khiến người xem không khỏi xúc động.

Triển lãm là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019).

Tác phẩm này là một trong số chân dung Mẹ VNAH người dân tộc thiểu số được họa sĩ Ái Việt vẽ bằng nét cọ. Trong ảnh là Mẹ VNAH người dân tộc Jrai Rơ Mah A Miăk (SN 1928, ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Mẹ có 3 người con đều hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Triển lãm kéo dài đến ngày 15-5-2019.


Anh Khoa
.
.
.