Xúc động tang lễ cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Chủ Nhật, 28/02/2021, 14:31
Sáng 28/2, lễ di quan, an táng cụ bà Lê Thị Dinh, người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã được chính quyền địa phương, người thân, dòng tộc tổ chức trọng thể.

Trước đó, vào ngày 21/2 (mùng 10 tháng Giêng), cụ Dinh trút hơi thở cuối cùng tại phủ Kiên Thái Vương trong niềm thương tiếc của con cháu, người thân, dòng tộc. Cụ Dinh hưởng thọ 102 tuổi. Đến những ngày cuối của cuộc đời, cụ vẫn một lòng hướng về tổ tiên và trước lúc lâm chung, còn căn dặn con cháu trong gia đình tiếp tục coi sóc, chăm lo hương khói thờ phụng tổ tiên, dòng tộc tại phủ Kiên Thái Vương.

Ngay khi cụ qua đời, theo nguyện vọng của gia đình, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức tang lễ theo phong tục truyền thống của địa phương.

Tang lễ cụ bà Lê Thị Dinh được tổ chức theo nghi thức Phật giáo và phong tục truyền thống của địa phương.

Cụ bà Lê Thị Dinh, là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai của 3 vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Suốt hàng chục năm qua, cụ và con cháu sống trong ngôi nhà nhỏ nằm ngay trong khuôn viên phủ Kiên Thái Vương (đường Phan Đình Phùng, TP Huế) để chăm lo hương khói, thờ tự các vị vua triều Nguyễn. Ban đầu, bàn thờ ở phủ Kiên Thái Vương thờ tự 4 vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định. Đến năm 1997, phủ thờ thêm vua Bảo Đại sau khi ông qua đời.

Cụ bà Lê Thị Dinh (góc trái), người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn có tấm lòng thủy chung, hiếu thuận.

Ông Nguyễn Như Trị (SN 1943), con trai cụ bà Lê Thị Dinh cho biết, cụ Dinh sinh vào ngày 1/1/1920 (năm Tân Dậu) tại làng Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm lên 8 tuổi, lúc đang học tại trường Đồng Khánh, cụ Dinh được gọi vào cung phục vụ Đức Thánh Cung (tức Khôn Nguyên Hoàng thái hậu, vợ vua Đồng Khánh). Đến năm 1935, Đức Thánh Cung qua đời, lúc ấy cụ Dinh tròn 15 tuổi được chuyển sang hầu hạ Đức Từ Cung (tức Đoan Huy Hoàng thái hậu, vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại). Trong 4 cung nữ hầu hạ Đức Từ Cung, cụ Dinh có nhiệm vụ trang điểm cho Đoan Huy Hoàng thái hậu và được Hoàng thái hậu tin tưởng, giao làm thêm những công việc quan trọng khác. Mỗi tháng, cụ được trả 6 đồng tiền lương có thể mua được 600 lon gạo.

Gia đình, tang quyến cụ bà Lê Thị Dinh.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, cụ Dinh theo Đức Từ Cung về ở tại cung An Định và chăm lo Đức Từ Cung đến lúc mất vào năm 1980. Sau khi Đức Từ Cung mất, cụ Dinh chuyển về ở hẳn tại phủ Kiên Thái Vương để cùng các con thờ tự, chăm lo hương khói 5 vị vua triều Nguyễn. Chồng cụ Dinh là cụ ông Nguyễn Như Đào, từng là người lái xe cho vua Bảo Đại. Chính những ngày phục vụ vua Bảo Đại, ông Đào được Đức Từ Cung đứng ra mai mối với bà Lê Thị Dinh. Năm 1940, đám cưới của ông Đào, bà Dinh được tổ chức ở ngoại thành. Gần 9 năm trước (năm 2012), cụ Đào qua đời, hưởng thọ 96 tuổi.

Lễ di quan đưa cụ bà Lê Thị Dinh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Do sống từ nhỏ trong hoàng cung và là người hầu cận các bậc tôn quý của vương triều nên cụ Dinh am hiểu các lễ nghi, sinh hoạt, trang phục, trang điểm, ẩm thực của cung đình triều Nguyễn. Cụ Lê Thị Dinh là nhân chứng lịch sử chứng kiến triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam.

Cụ bà Lê Thị Dinh được người thân, dòng tộc tổ chức an táng tại Nghĩa trang nhân dân thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

Sau khi cụ Dinh qua đời, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã đến viếng, chia buồn cùng người thân, gia đình cụ Dinh. 

Cụ bà Lê Thị Dinh được người thân, dòng tộc tổ chức an táng bên phần mộ của người chồng Nguyễn Như Đào tại Nghĩa trang nhân dân thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.


Anh Khoa
.
.
.