Xuất bản và phát hành sách điện tử: Thuận lợi lắm, thách thức nhiều (bài cuối)

Thứ Năm, 17/12/2015, 22:46
Tiện lợi, hấp dẫn, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức, được bạn đọc trẻ ưa chuộng… Đó là hàng loạt tiện lợi từ xuất bản và phát hành sách điện tử. Tuy nhiên, với các nhà làm sách Việt Nam, những thách thức cho sách thời công nghệ số này lại không ít.

Một trong những thách thức khiến hầu hết những người làm sách điện tử là vấn đề giữ cho được bản quyền. Nếu công nghệ số giúp các nhà xuất bản, phát hành dễ dàng số hóa tác phẩm bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với việc giúp các đầu nậu dễ ăn cắp bản quyền bấy nhiêu. Đã qua thời đầu nậu phải thuê người gõ từng trang sách hay kỳ công lấy cho được file văn bản gốc. Hiện nay, chỉ cần cuốn sách vừa xuất hiện, chỉ một thời gian ngắn, thậm chí là nửa ngày sau, sản phẩm lậu đã có trên thị trường. Đó là với sách in giấy. Với sách điện tử, tốc độ còn bị tính bằng giờ, thậm chí bằng phút, nếu là sách đang bán chạy.

Một đại diện của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, với khả năng tương tác cao, sách điện tử, đặc biệt là sách dành cho trẻ em, sách giáo trình tạo sức hấp dẫn đặc biệt để thu hút người sử dụng. Chỉ cần một vài thao tác, cùng với các con chữ, người sử dụng sách có ngay hình ảnh sống động, thậm chí có thể kết hợp cả âm thanh… Tất nhiên, để có những cuốn sách như thế, cần phải có sự đầu tư và kinh phí đầu tư làm sách cũng như hạ tầng cơ sở khác cho sách điện tử là cả một vấn đề lớn.

Đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam cũng chia sẻ rằng, kinh doanh sách điện tử có bản quyền tại Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì đòi hỏi kinh phí đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là đầu tư vào kỹ thuật – công nghệ và đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao. 

Để sử dụng sách điện tử phải cần đến các thiết bị di động nhưng hai hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là iOS và Android liên tục được cập nhật, thay đổi. Vì vậy, đơn vị kinh doanh cũng cần phải có nhân sự để duy trì, nâng cấp và phát triển nền tảng hệ thống thường xuyên cho phù hợp và kịp thời. 

Trong khi đó, công nghệ để bảo đảm tác quyền điện tử, bảo vệ những gì đơn vị làm ra không bị sao chép, phát tán là cả câu chuyện dài. Hiện nay, sách điện tử không bản quyền (ebook lậu) tràn lan trên mạng. Những trang web cho đọc sách này phát triển ở muôn hình vạn trạng và dưới nhiều hình thức, cho đọc miễn phí cũng có mà bán với một mức phí tượng trưng hay đọc trực tuyến, cho tải file về máy tính, định dạng PFD, bản scan… đều có. 

Hình thức chia sẻ tràn lan này không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh sách điện tử có bản quyền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà xuất bản và phát hành sách điện tử còn dè dặt và chỉ đồng ý cho khai thác tác quyền những tác phẩm cũ, không còn sức nóng trên thị trường.

Công nghệ hiện đại cũng khiến cho câu chuyện bản quyền và quản lý xuất bản sách điện tử trở nên phức tạp hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề tác quyền song Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt còn đặc biệt tỏ ra lo ngại về nội dung cuốn sách. Lý do là bằng công nghệ hiện đại, người trong nghề có thể dễ dàng số hóa các đầu sách song mặt khác cũng giúp cho các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng để chèn thêm nội dung xấu vào trong sách. Người làm kinh tế sợ nhất là thiệt hại về doanh thu nhưng những kiểu lợi dụng công nghệ để “chơi xấu” như thế mới là điều khiến lãnh đạo nhà xuất bản khó “ăn ngon, ngủ yên”.

Thực tế, thời gian qua, theo Cục An ninh văn hóa, thông tin truyền thông, Bộ Công an, sự phát triển của xuất bản điện tử đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh. Cụ thể, một số cá nhân có quan điểm chính trị phức tạp ở trong nước đã thành lập trái phép nhà xuất bản ảo (nhà xuất bản trên mạng Internet) để hoạt động tuyên truyền chống phá. 

Chỉ 9 tháng đầu năm 2015, cơ quan An ninh văn hóa, thông tin truyền thông, Bộ Công an đã phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý 12 trang web có hoạt động đăng tải, phát hành bất hợp pháp các ấn phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Làm thế nào để xuất bản và phát hành sách điện tử một cách hiệu quả trong thời gian tới là câu hỏi dành cho không phải bất cứ đơn vị, cá nhân làm sách nào. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, phần lớn các đơn vị tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều thừa nhận: việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện chính sách, pháp luật vẫn là hoạt động cần thiết bên cạnh tăng cường đầu tư vốn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm sắp tới…

Thống kê của Cục An ninh văn hóa, thông tin truyền thông cho thấy có ít nhất 10 nhà xuất bản ảo được thành lập và hoạt động xuất bản, phát hành các xuất bản phẩm điện tử bằng tiếng Việt có nội dung chính trị phức tạp, chống đối Đảng, Nhà nước. Tại nước ngoài, các tổ chức, cá nhân người Việt có quan điểm chính trị phức tạp cũng đã thành lập các nhà xuất bản ảo hoặc lợi dụng các nhà xuất bản có xuất bản phẩm bằng tiếng Việt để xuất bản và phát hành, phát tán trên Internet các bản thảo, ấn phẩm có nội dung chống Đảng, Nhà nước. Những người này thường liên hệ với các đối tượng chống đối trong nước sưu tầm, lựa chọn những tác phẩm mà các nhà xuất bản trong nước từ chối cấp phép để chuyển ra nước ngoài biên soạn, xuất bản và phát tán trên mạng dưới dạng xuất bản phẩm điện tử... 


Ngọc Nguyễn
.
.
.