Vẹn nguyên niềm tin với Đảng

Thứ Bảy, 11/01/2020, 08:58
Triển lãm về Đảng Cộng sản Việt Nam chủ đề “Thắp lửa niềm tin” sẽ diễn ra tại di tích, số 1 Hỏa Lò, Hà Nội từ ngày 10-1 đến 29-2. Đây là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).

Ngày 10-1, triển lãm “Thắp lửa niềm tin” đã diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Cùng với hàng trăm hiện vật, hình ảnh về Đảng Cộng sản Việt Nam qua các giai đoạn, sự hiện diện của hàng trăm cựu cán bộ, đảng viên, lão thành cách mạng và những câu chuyện, ký ức về một thời oanh liệt, sống, chiến đấu bất khuất giữa chốn lao tù của một thế hệ đảng viên kiên trung đã khiến đông đảo người dân, du khách ghé thăm di tích xúc động.

Triển lãm do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), bao gồm 3 phần chính: Mặt trời chân lý, Vầng dương trong ngục tối, Thắp lửa niềm tin. Theo bước chân của hướng dẫn viên, người dân và du khách như được lên một chuyến tàu ngược về quá khứ. 

Ở đó, giữa thời điểm đất nước Việt Nam còn đắm chìm trong đêm dài nô lệ,  người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra bước ngoặt vĩ đại trên con đường phát triển của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, từ “mùa thu nắng tỏa Ba Đình” (tháng 8-1945) đến mốc son Điện Biên lịch sử (tháng 5-1954) và Đại thắng mùa xuân (tháng 4-1975).

Cũng trong khuôn viên di tích, bằng cách sắp xếp hình khối cùng hiệu ứng ánh sáng, các nhà tù giam giữ các chiến sĩ cộng sản kiên trung nhiều chục năm trước được tái hiện với vô số hình ảnh tường đá, dây kẽm gai, song sắt… 

Trên nền rêu phong, hình ảnh các chiến sĩ cách mạng được nhấn sáng bằng màu sắc nổi bật, như ý chí bất khuất, một lòng vì dân, hướng Đảng của những con người yêu nước đang bị giam nơi hầm tối. Hàng loạt câu chuyện về những con người “gan đồng”, “chí thép” giữa những chốn “Địa ngục trần gian” như Nhà tù Hỏa Lò,  Nhà tù Sơn La, Nhà tù Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc... được tái hiện sinh động. Ở đó, với niềm tin về một đảng cầm quyền chân chính và sự tất thắng của cuộc đấu tranh vệ quốc, những chiến sỹ cộng sản đã bất chấp gông cùm, xiềng xích, máy chém, xà lim, bí mật thành lập hàng loạt tổ chức Đảng: Chi bộ đầu tiên tại Hỏa Lò (cuối năm 1931 đầu năm 1932), Côn Đảo (1932), Sơn La (1939), Trại giam tù binh Phú Quốc (1967)... 

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, những người tù chính trị đã mưu trí, vượt khó khăn, nguy hiểm để tổ chức tuyên truyền cách mạng. Báo chí, tài liệu được biên soạn, xuất bản, cất giấu bí mật, khơi dậy niềm tin, động viên tinh thần tù nhân, là vũ khí hiệu quả để đấu tranh và cảm hóa kẻ thù. Các hình thức tuyên truyền cách mạng vừa bí mật, vừa công khai, như những đợt “sóng ngầm” mãnh liệt.

Các cựu binh rưng rưng xúc động tại triển lãm “Thắp lửa niềm tin” ngày 10-1.

Tại buổi triển lãm, nhiều cựu binh đã rưng rưng nước mắt khi nghe nữ cán bộ của di tích Phạm Hoàng My thuật lại những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Thành ủy đầu tiên của Hải Phòng: Tại xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò, “người thanh niên nhanh nhẹn ấy chỉ còn  bộ xương nhô lên dưới lớp da xanh bủng. Nhưng suốt ngày đêm đồng chí lo lắng ghi lại mọi kinh nghiệm đấu tranh, sợ chưa truyền đạt được hết những kinh nghiệm xương máu đã phải lên đoạn đầu đài”…

Dịp này, một loạt tờ báo ra đời trong chốn lao tù được giới thiệu rộng rãi đến công chúng: “Lao tù tạp chí”, “Xuân tù” của Nhà tù Hỏa Lò; Báo “Suối reo” của Nhà tù Sơn La; Báo “Ý kiến chung” và Nội san “Xây dựng” của Nhà tù Côn Đảo. Những lớp học đặc biệt được mở ra sau song sắt của Nhà tù Hỏa Lò, giữa núi rừng Sơn La hoang vu, nơi biển khơi Côn Đảo, trên những sân cát bỏng rát của Trại giam tù binh Phú Quốc với rất nhiều câu chuyện đặc biệt được chuyển tải sinh động đến người xem. 

Tại Nhà tù Hỏa Lò, bút viết của tù nhân được sáng tạo ra từ cành bàng, ngòi bút làm bằng nụ hoa ăng-ti-gôn, phấn viết là gạch non, than củi, bảng đen là tường và sàn phòng giam… Tại Nhà tù Côn Đảo, giấy học là những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in hoặc “giấy vệ sinh” do tù nhân vờ đau kiết lị để được mua thêm. Mực viết là những thỏi mực nhét trong quà bánh của người thân, đôi khi còn dát mỏng, nhét vào tà áo. 

Khi bị cai ngục khám xét và tịch thu hết giấy, bút, sách vở, họ tiếp tục học tiếp bằng cách dùng mẩu san hô viết ngay trên sàn nhà của phòng giam. Tại Trại giam tù binh Phú Quốc, để có giấy học tập, các tù nhân ngâm nước bìa các tông, bóc ra thành giấy mỏng và phơi khô; cắt tôn và cà mèn làm ngòi bút; tìm những con cá mực nhỏ, lấy túi mực của nó làm mực viết. những bãi cát trở thành bảng đen; bút viết là những cành cây hay những đoạn kẽm gai nắn thẳng...

Kể về những tháng ngày ấy, cựu binh Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ tại Trại giam tù binh Phú Quốc tự hào cho biết: Chính trong chốn lao tù khắc nghiệt, các cuộc đấu tranh của tù chính trị chống lại chế độ giam cầm hà khắc được tổ chức chặt chẽ và đạt được nhiều thắng lợi. Nhiều chiến sĩ dù phải hy sinh thân mình, nhưng quyết không nản chí, kiên cường đến hơi thở cuối cùng.

Ông Kiều Văn Uỵch, người cựu tù bị giam ở Chuồng cọp, Trại giam tù binh Phú Quốc cũng nhớ lại: Chuồng cọp đặt giữa bãi cát, người tù chỉ được mặc quần đùi. Ban ngày, nắng rát như đổ lửa, cát nóng như rang, da tù binh bỏng rộp, đầu đau nhức như muốn nổ tung. Ban đêm, gió biển lạnh, thỉnh thoảng chúng còn múc nước dội từ đầu xuống, chân tay cứng lại, hàm răng va vào nhau như đánh đàn. Phát hiện anh em tiếp tế, chúng còn đốt nilon, cao su cho nhựa chảy xuống làm bỏng cháy da thịt và gọi đó là “B-52 ném bom”. Nhiều đồng chí sức yếu, sau vài hôm nằm Chuồng cọp bị cảm thương hàn rồi hy sinh...

Nhiều chục năm đã trôi qua, ký ức đau thương mà hào hùng của một thời tuổi trẻ vẫn vẹn nguyên trong những người cựu tù năm ấy. Nhưng, nói như chia sẻ của ông Nguyễn Tài Triệu, người được kết nạp Đảng tại Nhà tù Hố Nai (Biên Hòa) năm 1970 thì triển lãm và cả những câu chuyện kể của những người cựu tù như ông năm xưa không chỉ là đơn thuần là ôn lại quá khứ. Trên hết, đó là sự khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình nhằm lan tỏa rộng hơn, sâu hơn niềm tin ấy cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

N.Nguyễn
.
.
.