Vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam trong "Sắc màu cuộc sống"

Thứ Hai, 27/08/2018, 14:55
Những cung bậc sắc màu về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được nhiếp ảnh gia Lê Bích giới thiệu đến công chúng qua 40 bức ảnh trong triển lãm với chủ đề “Sắc màu cuộc sống”.




Hướng tới ngày Quốc khánh 2-9, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Phóng viên ảnh Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Sắc màu cuộc sống” giới thiệu 40 bức ảnh của phóng viên ảnh Lê Bích.

Nghề gốm ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội ) đã xuất hiện trên 1000 năm và từng có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIII-XIV. Hiện nay gốm vẫn được nung trong lò than truyền thống. Than bùn- nguyên liệu để nung gốm được người dân tận dụng các mảng tường trống để phơi.

Triển lãm sẽ đưa tới cho người xem những khoảnh khắc khắc họa sắc màu cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam một cách chân thực, gần gũi và đầy sức sống. Những người phụ nữ lặng thầm, có lo toan, có vất vả... nhưng đó là cách họ lao động, cách họ sống, một cách chân chính và cũng là cách mà người phụ nữ giữ gìn giá trị văn hóa của đất nước Việt Nam.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện cá nhân nhưng toát lên góc nhìn về con người, về cuộc sống của Việt Nam. Ẩn sâu trong mỗi bức ảnh là vẻ đẹp lao động cùng phẩm chất chịu thương chịu khó của phụ nữ khắp các tỉnh thành trên đất nước hình chữ S - bình dị, gần gũi mà tràn đầy năng lượng, căng tràn sức sống.

Nữ công nhân vệ sinh môi trường Hà Nội sau một đêm lao động làm sạch đẹp đường phố.
Môi trường làm việc trong xưởng đúc gang ở Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng rất bụi bẩn, nóng, đặc biệt những ngày hè nhiệt độ lên tới 40°C.
Từ thế kỷ XIX, làng quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Quạt có nhiều loại, giá khác nhau tùy chất liệu và độ tinh xảo. Tùy công đoạn sản xuất, người già, trẻ em đều có thể tham gia.
Làng nghề Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội là nơi sản xuất miến lớn nhất miền Bắc. Củ dong riềng  xay thành bột, ngâm nước, lọc, tráng , hấp chín, phơi nắng, khi gần khô cán thành sợi. Mỗi ngày có khoảng 15 đến 18 tấn miến xuất xưởng tới các chợ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành.
Ca dao có câu: "Sém cháy thịt da, mới ra hạt muối ". Mặc dù phải làm việc ngoài trời dưới nắng nóng lên đến 40 độ C nhưng diêm dân làng Xuân Hà, xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định vẫn tần tảo sớm hôm để kiếm mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng. Vào những ngày mưa sẽ không có thu nhập.
Chở sứa từ thuyền đánh bắt vào trung tâm sơ chế bên bờ biển Xương Điền, xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định.
Phụ nữ xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận vá lưới chuẩn bị cho ngư dân ra khơi.
Ở Mê Linh, Hà Nội hầu hết các hộ dân đều trồng và buôn bán hoa. Hoa cung cấp chủ yếu cho Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Nghề trồng hoa đã có hơn 10 năm đem lại đời sống ấm no cho người dân.
Phụ nữ lái đò ở Chùa Hương tranh thủ chăm sóc con trong lúc chờ việc. Tuy khách khá đông vào mùa lễ hội nhưng có nhiều đò nên họ phải chờ 4- 5 giờ mới đến lượt phục vụ khách.
Bà Xuân, 60 tuổi, người Diễn Châu, Nghệ An làm việc tại bãi phế liệu ven biển Quỳnh Phương, Nghệ An. Bà làm từ 5 giờ sáng đến 18 giờ chiều, mỗi ngày thu nhập 150 nghìn đồng.
Những người phụ nữ địu trên lưng bao tải gạo leo đỉnh Mã Pì Lèng, Hà Giang.

Trong buổi khai mạc triển lãm, tác giả Lê Bích sẽ tặng bản quyền 40 bức ảnh này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn những bức ảnh sẽ tiếp tục phát huy giá trị, không chỉ được lưu giữ mà còn truyền cảm hứng cho công chúng, để mỗi người thêm trân trọng những con người lao động chân chính…

Triển lãm sẽ trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ 30-8 đến 30-9-2018 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

B.Châu (Ảnh)
.
.
.