Về Cao Viên xem Đèn kéo quân thời công nghệ 4.0

Thứ Ba, 18/09/2018, 10:34
Đèn kéo quân là một trong số nhiều món đồ chơi truyền thống của thiếu nhi Việt Nam mỗi dịp Trung thu đến; với xu thế hiện đại hoá thì đèn kéo quân cũng đã có những cải tiến nhất định để phù hợp với xu hướng xã hội. Ở một ngôi làng không xa trung tâm Hà Nội, vẫn có một nghệ nhân gìn giữ nghề làm đèn kéo quân ở cái thời công nghiệp 4.0 này


Mỗi độ rằm tháng 8 về, hòa cùng tiếng trống hội rộn rã là tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ khi cùng nhau rước đèn Trung Thu. Nào đèn ông sao, đèn cá chép, đèn con cua, đèn cù,... đặc biệt là có loại đèn mà khi nhắc đến thì cả một kí ức tuổi thơ ùa về - đèn kéo quân.

Với đám trẻ nhỏ thuở ấy, đứa nào cũng ao ước được ông bà, cha mẹ làm cho cây đèn kéo quân. Thứ đồ chơi hấp dẫn với những hình thù ngộ nghĩnh, phản chiếu lên trên giấy nến rồi xoay tít. Đèn kéo quân còn có thêm tên gọi là đèn kể chuyện bằng ánh sáng. 

Được phá cỗ trông trăng bên những “đoàn quân” mờ ảo của đèn kéo quân, thứ cảm xúc khó để tìm lại nơi ánh mắt của con trẻ thời nay khi sự phát triển công nghệ 4.0 đang bủa vây khắp nơi.

Ông Vũ Văn Sinh (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội), bắt đầu làm đèn lồng từ khi học cấp 1 và duy trì nghề cho đến nay. Ở làng ông, làm đèn lồng, đèn Trung thu... là nghề truyền thống.
Ông Sinh làm cả đèn kéo quân truyền thống là thắp nến bên trong và đèn kéo quân hiện đại là cắm điện. Làm đèn truyền thống thì phải vót trụ thế này, tuy phức tạp nhưng đèn đẹp; còn đèn hiện đại thì có bộ khung nên dễ hơn.

Tìm về mảnh đất Cao Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi được đồn đoán là nơi làm ra thứ đèn diệu kỳ ấy. Sau độ 15 phút hỏi đường, PV tìm tới ngôi nhà của nghệ nhân Vũ Văn Sinh giữa một trưa đầu thu dịu mát. Ông đang cùng mọi người trong nhà chế tạo những chiếc đèn kéo quân “công nghệ 4.0”.

Ông Sinh năm nay 58 tuổi với già nửa cuộc đời gắn bó bên nan tre, giấy bóng. Theo ông kể, từ năm lên 8 tuổi, ông đã bắt đầu làm những chiếc đèn ông sao rồi đèn lồng cho mình cũng như bạn bè nơi thôn xóm cùng chơi. Và nó như một cơ duyên, để rồi giờ đây thành cái nghiệp, cái nghề đi cùng ông và gia đình.

Nói Đan Viên là làng nghề không hẳn đúng bởi thực tế chỉ có mình gia đình ông Sinh đến hiện tại còn làm nghề chế tạo đèn kéo quân, đèn ông sao. Một phần bởi đam mê nghề, một phần ông cũng muốn giữ gìn nghiệp mà cha ông để lại. 
Ông Sinh bên chiếc đèn kéo quân khổng lồ của mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Sự đổi thay của cuộc sống, những chiếc đèn kéo quân truyền thống không còn được ưa chuộng như xưa kia, phần vì việc chế tạo ra "chúng" quả thực không dễ dàng mà lại tốn thời gian, công sức. 

Thời đại 4.0 buộc ông Sinh phải chuyển hướng làm những chiếc đèn kéo quân hiện đại hơn. Không còn giấy màu mà giờ là những hình thù, nhân vật, câu chuyện được vẽ lên giấy bóng bằng sơn màu. Ánh sáng nến cũng được thay bằng đèn điện, mang lại sự tiện lợi mà cũng rất sáng tạo.

Đèn hiện đại nên mọi thứ đều là máy móc, từ bộ khung làm bằng nhựa rồi mô tơ, bóng đèn...
Bộ khung đế đèn hiện đại và bộ trụ đèn truyền thống.
Mỗi ngày nhà ông Sinh có thể làm được vài trăm chiếc đèn hiện đại, còn đèn truyền thống thì phải hai đến ba ngày mới được một chiếc. Đèn truyền thống còn phải sơn, vẽ... còn đèn hiện đại cứ theo khuôn có sẵn.
Hình bên trong đèn hiện đại làm bằng nhựa mềm, có hình chú bộ đội, người nông dân, Hồ Gươm...
Khắp nhà ông Sinh đâu đâu cũng thấy những bộ phận làm đèn, đèn đã làm đợi người đến mua.
Dịp Trung Thu cả nhà ông lại tất bật suốt ngày đêm để kịp giao hàng cho khách. Khách hàng của ông từ khắp nơi trên cả nước nhưng phần lớn vẫn là những hộ kinh doanh ở Hàng Mã, Hà Nội.
Đèn kéo quân thời... 4.0 sẽ như thế này, cắm điện là "kéo quân" cả ngày.
B.Châu - P.Sơn (Ảnh - Clip)
.
.
.