Từ trung thu thành phố đến đêm rằm nông thôn

Chủ Nhật, 01/10/2017, 21:12
Cùng ở chung “mái nhà” Thủ đô, nhưng giữa Trung thu ở thành phố hoa lệ và các làng quê nông thôn có nhiều điểm khác biệt.

Những ngày này, không khí tết Trung thu đã tràn ngập khắp phố phường Hà Nội. Những con phố cổ như Hàng Mã, con phố được gọi với cái tên “Phố đèn lồng” càng trở nên nhộn nhịp. 

Hàng nghìn, hàng vạn người đổ về khu vực này mỗi đêm. Đó là những bố bà mẹ dẫn theo con nhỏ khám phá Trung thu thị thành; những đôi tình nhân bên nhau thưởng thức không khí trăng rằm, hay đơn giản là sự có mặt của những người tò mò với Trung thu Hà Nội. 

Ở phố Hàng Mã, điểm đặc trưng nhất trong những ngày này là những mặt hàng, đồ chơi Trung thu đa dạng được bày bán ngút tầm mắt và dòng người như nêm bộ hành dưới ánh đèn lộng lẫy, hoa lệ.

Trung thu ở phố Hàng Mã.

Ngoài khu vực phố cổ, Hà Nội còn có nhiều điểm vui chơi hấp dẫn trong mỗi dịp Trung thu. Đó là các khu vui chơi sầm uất, hiện đại như: Times city, Vincom Center Hà Nội, Tràng Tiền Plaza, Royal City hay các địa điểm gần gũi với thiên nhiên hơn như: Bảo tàng Dân tộc học, Công viên Thủ Lệ… 

Ở những nơi này, khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi đa dạng với sự thể hiện của những nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên nghiệp, bài bản. Trong đó, có nhiều tiết mục tái hiện những nghi thức đặc trưng của tết Trung thu truyền thống như múa lân, múa sư tử, chú Cuội, chị Hằng… 

Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều tiết mục mang màu sắc của cuộc sống hiện đại như các điệu nhảy Rumba, các tiết mục xiếc chuyên nghiệp, các diễn viên hài nổi tiếng hay thậm chí là sự góp mặt của các ca sĩ đình đám của giới Showbiz…

Rời khu vực phố phường Thủ đô hoa lệ, về với các vùng ven đô, không khí tết Trung thu đã trở nên khác biệt. Cận kề đêm trăng rằm tháng 8, chúng tôi có một buổi tối trải nghiệm không khí chuẩn bị cho đêm Trung thu ở xóm Bụa (thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). 

Do diện tích đất ngày càng chật hẹp, nhiều người dân trong làng chuyển ra sinh sống ở xóm Bụa cho rộng rãi hơn. Vì vậy, xóm Bụa là một xóm mới, tập hợp khoảng hơn một nghìn nhân khẩu. Người dân ở xóm Bụa vẫn cơ bản trồng lúa, canh tác hoa màu và làm thêm các sản phẩm thủ công mây che đan. Thế nên, đời sống của bà con nơi đây còn tương đối khó khăn và vẫn mang đặc trưng cơ bản của một làng xã truyền thống.

Một buổi tập luyện của các cháu thiếu nhi xóm Bụa chuẩn bị cho đêm Trung Thu.

Trước đêm trăng rằm khoảng nửa tháng là khoảng thời gian mà các em nhỏ ở xóm Bụa bắt đầu bước vào giai đoạn tập luyện cho đêm biểu diễn Trung thu chính thức diễn ra vào tối 14-8 âm lịch. 

Tranh thủ học bài từ chiều sớm, đến khoảng 19h30, các em tề tựu về khoảng sân bãi của xóm để cùng nhau luyện tập. Trong khoảng sân trống, nền đất nho nhỏ dưới ánh điện mập mờ hắt ra từ những ngôi nhà xung quanh, các bậc cha mẹ, ông bà, anh chị thanh niên đứng ngồi xung quanh để xem các em luyện tập. Cùng với đó, các cháu nhỏ từ độ vài ba tuổi hồn nhiên nghịch ngợm, nô đùa với nhau.

Trong khoảnh sân với cả thảy gần trăm người ở xóm Bụa, chúng tôi chỉ thấy có tiếng cười vui nhộn hiện lên trên khuôn mặt của mỗi người. Đối với người dân nơi đây, Trung thu là dịp mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ sau những giờ học áp lực, nhưng đây cũng là dịp mang lại sự hạnh phúc cho các bậc làm cha làm mẹ bởi họ được tận mắt thấy con cái mình tập luyện, trình diễn những tiết mục văn nghệ mà ngày thường họ ít hoặc không thấy được.

Anh Phạm Văn Ba, người dân xóm Bụa vừa nhìn cô con gái đang học lớp 8 và cậu con trai học lớp 5 của mình say sưa trong những điệu nhảy vui nhộn vừa tấm tắc: “Ngày thường ở nhà, ngoài thời gian đi học ở trường, chỉ thấy các cháu ngồi học bài hay phụ giúp bố mẹ việc nhà. Nay thấy cả hai đứa cùng chúng bạn tập luyện văn nghệ, vợ chồng tôi rất ngỡ ngàng. Hóa ra, các con cũng năng động và mạnh dạn như các bạn cùng trang lứa. Đó là điều khiến vợ chồng tôi rất hạnh phúc”.

Các cháu thiếu nhi xóm Bụa nghỉ giải lao sau giờ phút tập luyện.

Để có được một buổi tối trình diễn, không thể không kể đến vai trò của các anh chị phụ trách. Do ít người, nhóm các anh chị phụ trách của xóm Bụa gồm khoảng 4-5 người như anh Hưng, chị Quế, chị Như, cô Nhi... Có anh là thanh niên, có các chị, các cô là những người đã lập gia đình, nhưng điểm chung là sự nhiệt tình của họ. 

Ban ngày, các anh chị, các cô làm công việc đồng ruộng, khi màn đêm buông xuống, họ lại ra khu vực sân tập của xóm Bụa để hướng dẫn các em nhỏ tập luyện các tiết mục văn nghệ. Họ hăng say dạy các em từng động tác múa, từng động tác biểu diễn để rồi nhận lại niềm vui khi các em nhỏ có thể thuần thục từng động tác mà họ truyền dạy.

Ngoài công tác chuẩn bị về chuyên môn, thì công tác hậu cần, tài chính để có thể thuê mướn loa đài, dựng sân khấu, trang trí cho đêm Trung thu cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Trước đó, các bác, các chú trong xóm là những người có uy tín đã thành lập một đoàn, đến từng hộ dân quyên góp tiền ủng hộ. Người ít thì vài ba chục, người nhiều thì năm chục một trăm góp lại để lo cho các cháu một đêm Trung thu ý nghĩa. 

Bác Phạm Văn Bằng, một trong những người trong đoàn đi quyên góp cho biết: “Chúng tôi đi đến nhà ai cũng được ủng hộ bởi vì đêm Trung thu là sân chơi dành cho chính con cái, cháu chắt của mỗi gia đình. Bà con chúng tôi còn khó khăn về vật chất, nhưng tinh thần thì luôn sẵn sàng làm tất cả mọi thứ tốt nhất cho các cháu trong khả năng có thể của mình”.

Đêm Trung thu sắp đến, vầng trăng vằng vặc lại sắp tròn. Dưới ánh đèn hoa lệ của Thủ đô, có thể thứ ánh sáng tự nhiên ấy bị lu mờ, nhưng ở những làng quê như xóm Bụa hay hàng nghìn thôn xóm khác trên khắp dải đất hình chữ S, ánh sáng của trăng tròn lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết. 

Dưới ánh sáng bàng bạc ấy, các cháu thiếu nhi say sưa trong những điệu múa tự biên tự diễn, còn các bậc phụ huynh thì thổn thức ngồi xem những tiết mục do chính con mình thể hiện. Đó có lẽ là một điều riêng biệt mà Trung thu đem đến cho những làng quê.

Cảnh Thảo
.
.
.