Tủ sách văn học bằng tà áo dài của một giáo viên là vợ liệt sĩ

Chủ Nhật, 10/12/2017, 11:00
Giúp học trò yêu văn, yêu cái đẹp, học điều hay lẽ phải là niềm mong mỏi không bao giờ nguôi của cô Đoàn Thị Liệp, nguyên giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Mấy chục năm “đưa đò”, mỗi chiếc áo dài của cô là một bài giảng trực quan sinh động, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.

Với không ít học trò, Ngữ Văn là môn học nhàm chán, khó nhớ, khó thuộc. Để học sinh yêu thích môn Văn, cô Liệp không ngừng tìm tòi và sáng tạo từng bài giảng. Bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm có câu rất hay: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Nhưng hầu hết học sinh miền Nam không biết tranh Đông Hồ và giấy điệp là gì.

Hay bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận miêu tả 18 vị La Hán có vẻ mặt khác nhau mà học sinh khó hình dung. Năm 1990, có dịp ra miền Bắc, cô đã mua tranh vẽ và một số đồ vật để làm giáo cụ trực quan cho các bài thơ này. Nhưng tranh lại dễ rách, không giữ được lâu và mất nhiều thời gian để học sinh chuyền nhau xem.

Suốt nhiều tháng trời suy nghĩ, cô Liệp nghĩ ra cách vẽ hình tranh Đông Hồ lên tà áo dài của mình để các lớp cô dạy đều có thể xem. Cô kể: “Tôi chọn lọc nội dung chính hoặc một hình ảnh đặc trưng của bài học rồi vẽ lên tà áo. Chẳng hạn “Sóng” của Xuân Quỳnh là tà áo dài xanh nước biển với con sóng tung bọt trắng xóa. “Đây thôn Vĩ Dạ” là dòng Hương Giang thơ mộng bên thôn xóm mướt xanh…

“Vợ nhặt” là chiếc áo dài có nhiều mảnh vá tái hiện người vợ nghèo của Tràng.  Khi giảng, tôi tập trung phân tích hình ảnh mà mình chọn vẽ trên áo dài.  Tụi nhỏ vì tò mò không biết hôm sau cô giáo sẽ đưa hình ảnh nào vào áo dài nên thi nhau đọc trước tác phẩm để đoán, nhờ vậy mà chúng tập trung học tập hơn”. Cứ thế, tủ sách giáo khoa môn Văn bằng áo dài của cô Liệp đã lên tới 200 bộ.

Chị Hồng Châu, một học trò cũ của cô Liệp chia sẻ: “Lớp chúng tôi bị xem là lớp quậy phá, lười học nhất niên khóa 1990 – 1993 nhưng nhờ những tà áo dài của cô đã giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc về tác phẩm. Với cô, văn là người. Cô luôn mong học trò của mình yêu văn để sau này nên người, cống hiến sức mình cho đất nước”. Nghỉ hưu đã lâu nhưng cô Liệp và câu chuyện về phương pháp dạy Văn độc đáo này luôn được thầy trò Trường Nguyễn Hữu Huân nhắc đến và noi theo.

Cô Liệp tốt nghiệp trường ĐH Văn Khoa Sài Gòn (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh). Chồng hy sinh ở chiến trường khi cô đang mang thai con gái. Trở thành vợ liệt sĩ khi mới 24 tuổi,  biết bao gánh nặng đổ dồn lên vai người phụ nữ nhỏ bé này. Chịu nhiều thiếu thốn, đắng cay nên cô luôn yêu thương hết mực những đứa học trò kém may mắn. Hồi còn giảng dạy ở Trường Nguyễn Hữu Huân, ngày cuối tuần, cô Liệp thường tập hợp các em học yếu kém, khó khăn về nhà mình để dạy học miễn phí.

Anh Trần Khải Thiệu coi cô Liệp như người mẹ thứ hai của mình. “Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, không có tiền để học lên cao, chính mẹ Liệp đã chở tôi đi đăng ký thi đại học. Mẹ yêu thương tôi hết mực. Mẹ dạy Văn nên rất hiểu tâm lý học sinh, từ đó uốn nắn tôi thành người. Không chỉ riêng mình tôi mà nhiều bạn khác cũng được mẹ giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Cho đến bây giờ, chúng tôi luôn khắc ghi công ơn đó”, anh tâm sự.

Dù về hưu đã 10 năm, cô Liệp vẫn xông xáo tham gia các hoạt động xã hội như “Bếp ăn Tình Thương”, gây quỹ học bổng cho học sinh Trường Nguyễn Hữu Huân, giúp đỡ cơ sở vật chất cho các em học sinh ở Bình Phước… Hành trình trên bục giảng của bà giáo già cũng chưa hề ngơi nghỉ. Dịp cuối tuần, cô vẫn dạy học cho các em học sinh còn học yếu và có hoàn cảnh khó khăn. Biết đến cách dạy thú vị của cô Liệp, nhiều trường cao đẳng, đại học trong thành phố cũng mời cô về.

Nhân dịp Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, nhìn học trò tề tựu đông vui, cô mỉm cười khuyên những học trò nghịch ngợm ngày xưa nay đã là người thầy đứng lớp rằng: “Thầy cô được ví như cha mẹ nên các em phải yêu thương học trò như con. Cha mẹ thì luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình. Cô chỉ mong các em tiếp lửa cho thế hệ mai sau nên người”.

Phương Thảo
.
.
.