60 năm Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương:

Tự hào những người ghi lịch sử bằng hình

Thứ Bảy, 26/03/2016, 07:32
Những thước phim quý giá không chỉ là những hình ảnh được ghi lên phim mà còn là những giọt mồ hôi, cả máu và nước mắt của bao thế hệ những người làm phim tài liệu tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Với họ, những công việc gắn bó suốt cả cuộc đời không đơn thuần chỉ là nghề nghiệp mà còn là tâm nguyện, một điều thiêng liêng.


60 năm là quãng thời gian rất dài, nhưng với các thế hệ cán bộ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, được ngồi ôn lại thời kỳ của những bộ phim: “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Làm cho lúa tốt”, “Giữ sức khỏe để sản xuất”… thì cũng chỉ mới như ngày hôm qua, ai cũng rưng rưng và rất đỗi tự hào. 

60 năm qua, họ đã sản xuất được hơn 1.500 phim thời sự và phóng sự ngắn, trên 2.000 phim tài liệu và hơn 300 phim khoa học, cùng hàng triệu mét phim tư liệu.

Trong ký ức của những người nghệ sĩ già, điện ảnh tài liệu đã có mặt từ những năm đầu cách mạng với những thước phim đầu tiên đặt nền móng cho điện ảnh cách mạng hình thành. Ngay từ năm 1946, với chỉ duy nhất chiếc máy quay phim Cine-Sept chạy bằng dây cót và số lượng phim ít ỏi, các tay máy quay hầu hết đều xuất thân từ nhiếp ảnh đã ghi lại những khuôn hình nhựa như: “Hồ Chủ tịch đi thăm Pháp trở về”, “Pháp tấn công phố Hàng Than”, “Trận đánh ở Ô Cầu Dền” và một số hình ảnh khác về những ngày kháng chiến ở Hà Nội.

“Nước về Bắc Hưng Hải”, bộ phim đầu tiên của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được giải cao nhất Liên hoan phim quốc tế Matxcơva lần thứ nhất năm 1959.

Tiếc rằng, những thước phim này khi chưa kịp in tráng thì đã bị mất khi chiến sự lan rộng. Cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, nhiều tay máy đã lên chiến khu, dấn thân vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với chỉ vài chiếc máy quay thô sơ là hành trang quý giá khởi dựng sự nghiệp điện ảnh cách mạng những năm sau đó ở hai miền Nam - Bắc.

Dấu mốc đặc biệt quan trọng là ngày 15-3-1953, khi Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh 147/SL chính thức khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Từ đó, điện ảnh Việt Nam đã từng bước trưởng thành. Và ngày 15- 3 hàng năm đã trở thành Ngày Điện ảnh Việt Nam.

Một dấu mốc cũng quan trọng không kém là ngày 17-6-1956, Xưởng phim thời sự tài liệu Việt Nam được thành lập, đã quy tụ được những người làm điện ảnh đầy nhiệt huyết. Từ đó, số lượng phim sản xuất hàng năm cứ tăng dần lên đến 25 phim. 

Những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua như “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”… đã được phản ánh qua những bộ phim sống động, đã tác động mạnh mẽ tới người xem, lan rộng trong xã hội, góp phần thúc đẩy tinh thần lao động sản xuất của hàng triệu người Việt Nam.

Điển hình nhất có thể kể đến như bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải” của đạo diễn Bùi Đình Hạc đã phản ánh không khí lao động sôi nổi, hào hùng của nhân dân trên công trường thủy lợi lớn nhất miền Bắc.

 Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim quốc tế Matxcova lần thứ nhất năm 1959. Sau đó, sự ra đời của những bộ phim như: “Làm cho lúa tốt”, “Giữ sức khỏe để sản xuất”, “Chống bệnh sốt rét”… đã tạo ra xu hướng làm phim phổ biến khoa học.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lực lượng hùng hậu những người làm phim đầy nhiệt huyết lại nối tiếp nhau vào chiến trường chi viện cho điện ảnh Khu 5, điện ảnh Giải phóng và cả điện ảnh của nước bạn Lào. 

Trên tuyến lửa, các phóng viên đã sát cánh cùng bộ đội, du kích trong các trận công đồn, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân trong các trận càn quét, vây ráp của địch để ghi lại những hình ảnh hào hùng của dân tộc.

Chính từ trong gian khổ ấy, các nhà làm phim tư liệu đã đặt dấu ấn trong những tác phẩm giàu chất thơ, giàu tính chiến đấu. Những thước phim ám mùi khói lửa, thấm máu của các liệt sĩ là thước đo phẩm chất của các phóng viên quay phim chiến trường, là tư liệu vô giá cho lịch sử Cách mạng Việt Nam đã được ghi nhận bằng giải thưởng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế với những tác phẩm tiêu biểu như: “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”, “Đầu sóng ngọn gió”, “Lũy thép Vĩnh Linh” hay “Những cô gái Ngư Thủy”…

Suốt chặng đường 60 năm, đội ngũ những người làm điện  ảnh thời sự tài liệu khoa học luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Trong một lần Bác Hồ đến thăm Hãng phim, Người đã nói: “Cái máy quay phim trong tay các cô, các chú chỉ là một vật dụng bằng sắt, vô tri, vô giác, con mắt và trái tim các cô, các chú mới là chính.

Quay phim và chụp hình là nghệ thuật của ánh sáng. Mỗi bước trong quá trình thể hiện là một bước về phía ánh sáng, về phía cảnh vật và con người. Trong nghề tìm được con người chân thực là rất xúc động”.

 Những lời nói chân tình ấy của Bác đã luôn khắc sâu trong lòng những người làm phim tài liệu, là nguồn động viên to lớn góp phần đưa hãng phim vượt lên mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng được giao trong suốt chặng đường dài đã qua.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, với những thành tích đã đạt được, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lao động (1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2011), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2006), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất (1973), Huân chương Chiến công hạng Ba (1967), Huân chương Lao động hạng Nhất (1966), 3 Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phan Hoạt
.
.
.