Từ Hội sách mùa Thu 2016, nghĩ về “văn hóa đọc” của giới trẻ hiện nay

Thứ Hai, 12/09/2016, 18:53
Sự bùng nổ của CNTT hiện đại đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, gồm cả mặt tiêu cực và tích cực. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất đó chính là sự tình trạng xuống cấp trong văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.


Sáng ngày 9/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức khai mạc Hội sách mùa Thu 2016 tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Hội sách có sự tham gia của 60 đơn vị xuất bản, phát hành, bưu chính, giáo dục đào tạo, lực lượng vũ trang với khoảng gần 70 gian hàng, kéo dài cho đến ngày 13/9. Nhà xuất bản CAND cũng tổ chức một gian hàng sách rất có ấn tượng, phong phú thu hút đông đảo bạn đọc, khách hàng đến tham dự.

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND và cán bộ, chiến sĩ NXB CAND tại Hội sách Mùa thu 2016.

Đây là hoạt động có tính chất xã hội hóa đầu tiên do Bộ Thông tin- Truyền thông tổ chức nhằm tạo một điểm hẹn cho những người yêu sách với những người làm sách, từ đó nâng cao nhận thức và vai trò của văn hóa đọc, thu hút sự tham dự của đông đảo người dân Hà Nội.

Ngoài ra còn là dịp để kết nối và tôn vinh những người làm trong lĩnh vực sáng tác, in ấn, xuất bản, mở rộng cơ hội hợp tác giữa các đối tác trong nước và nước ngoài trong xu thế hội nhấp ASEAN và quốc tế.

Trước sự xuất hiện của những ý kiến cho rằng văn hóa đọc hiện đại đang ngày càng có dấu hiệu đi xuống, đặc biệt là ở giới trẻ thì việc tổ chức những hội sách thế này thu hút hàng vạn người tham gia. Đây là điều cần thiết để khẳng định giá trị tinh thần lớn lao của thói quen đọc sách.

“Văn hóa đọc” hiểu một cách khái quát, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội. Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, gồm cả mặt tiêu cực và tích cực. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất đó chính là sự tình trạng xuống cấp trong văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn thăm gian sách Nhà xuất bản CAND.

Xưa nay, sách là phương tiện tốt nhất để có thể tiếp nhận cũng như chuyển tải thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn ở hiện tại, xã hội ngày càng phát triển, các sản phẩm phương tiện nghe nhìn hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin, giải trí nhanh nhất,tiện lợi nhất. 

Kênh nghe và nhìn có sức hấp dẫn hơn nhiều kênh đọc truyền thống là điều không ai có thể chối cãi được. Việc internet ra đời đã tạo ra cho con người một thiết bị có thể chứa được lượng kiến thức gần như vô tận, một chiếc máy tính chứa được lượng thông tin bằng hàng ngàn cuốn sách và có thể lưu giữ vĩnh viễn mà không sợ thời gian làm hư hỏng, mối mọt. 

Đồng hành cùng với cuộc sống hiện đại, tất yếu làm giảm đi thói quen đọc sách của mọi người. Bởi một chiếc smartphone vừa có thể nghe nhạc, xem phim, chơi game, đọc báo rõ ràng tối ưu hơn hẳn một cuốn sách cồng kềnh mà lại chỉ có duy nhất một nội dung không thay đổi. 

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND giới thiệu sách của NXB CAND tới đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội sách Mùa thu 2016.

Người ta thường chỉ đọc sách vào thời gian rảnh, trong không gian yên tĩnh với sức tập trung cao độ. Điều này trở nên khó có thể thực hiện trong nhịp sống vội vã của xã hội hiện nay.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là giới trẻ đã lãng quên hoàn toàn những cuốn sách có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Một lượng lớn người có mặt trong hội sách Việt Nam 2016 là những học sinh, sinh viên trẻ tuổi đã chứng minh điều đó.  

Ngoài việc sắm cho mình những cuốn sách phù hợp với độ tuổi, cũng có rất nhiều bạn chọn mua cho mình những cuốn sách vàng một thời như “Bố già”, “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Chiến tranh và hòa bình”, cả Truyện Kiều, tác phẩm của các nhà văn Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Ngôn Vĩnh và của nhiều nhà văn Việt Nam khác.

Một bạn đọc trẻ tuổi đã tâm sự với chúng tôi: Không quan trọng đọc gì, mà quan trọng là sau khi đọc, chúng ta đọng lại được những gì. Sách ngoài việc cung cấp kiến thức còn một chức năng khác, đó là giải trí. 

Thiết nghĩ tại Hội sách mùa thu này, cả những người trẻ, cả những người trung tuổi và các em thiếu nhi lựa chọn sách hợp với tuổi tác là điều đáng mừng, báo hiệu văn hóa đọc chưa phải trở nên “xuống cấp trầm trọng” như nhiều người lo lắng.

Hội sách đã thực sự là cơ hội góp phần cổ súy văn hóa đọc. Nhưng để phổ biến thói quen đọc sách và văn hóa đọc nói chung một cách bền vững hơn, có lẽ trước tiên cần phải chú trọng đến việc đọc sách trong nhà trường. 

Không ở đâu xa, những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa vốn là kinh điển về nhiều mặt cần được giáo viên chú trọng vào phương pháp giảng dạy truyền cảm đến học sinh cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, của văn chương để các thế hệ học sinh tự giác tìm về với sách như một thú vui, như một nhu cầu tự nhiên…

Không chỉ ở nhà trường, việc giáo dục về việc đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, có thể nói là đầu tiên, trước khi các em cắp sách đến trường. Rất nên các bậc phụ huynh cần khuyến khích và định hướng con trẻ  từ khi còn nhỏ để có thể tạo cho con một thói quen, một tình yêu cùng sách, giáo dục cho con lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc. Dần dần hướng cho các em một niềm vui “Chọn sách như chọn một người bạn tốt”.

Hi vọng qua Hội sách mùa thu 2016 lần này và ngày càng có nhiều hội sách tương tự được tổ chức mỗi năm nhân Ngày sách Việt Nam 21-4, giới trẻ sẽ được thêm cơ hội tiếp cận với kho tàng sách quý trong nước cũng như trên thế giới, để thẩm thấu hoàn thiện hơn trí tuệ và nhân cách của mình. Ngấm lại lời nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng. Chẳng bằng kinh sử một vài pho” thật là chí lý.

Trần Hồng Hạnh
.
.
.